Ngày 26 tháng 11 cách đây 43 năm,phát súng oan nghiệt đã giết chết người nữ nghệ sĩ đẹp nhất,tài năng nhất,đang ở đỉnh cao danh vọng khi bà vừa 36 tuổi,bà ngã xuống khi trên khuôn mặt vẫn còn lớp hóa trang cho vai diễn cuối cùng,và cả Sài Gòn,cả miền Nam đã dậy sóng sau cái đêm định mệnh đó.
Bà được người đời xưng tụng là Nữ Hoàng Sân Khấu,với đôi mắt biết nói,nụ cười duyên dáng và nhan sắc khuynh thành bà vụt sáng thành ngôi sao chói lọi khi xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu,giọng hát trầm buồn man mác,nét diễn tinh tế sang cả của bà như một làn gió mới thổi qua sân khấu cải lương miền Nam đọng lại dấu ấn đặc biệt khó phai mờ trong lòng hàng triệu khán giả mộ điệu.
Bà tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga,sinh ngày 31.7.1942 tại Tây Ninh,với nghệ danh Thanh Nga bà bước lên sân khấu từ rất sớm với vai đào con Nghi Xuân trong vở Phạm Công-Cúc Hoa đã được báo giới thời đó phong tặng Thần Đồng,năm 16 tuổi,với nét đẹp trinh nguyên e ấp của thời thiếu nữ bà là người đầu tiên đoạt giải triển vọng Thanh Tâm (một giải thưởng sân khấu rất danh giá do các phóng viên ký giả sáng lập và trao tặng) với vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới.
Cố nghệ sĩ Phùng Há,người thầy nghệ thuật của bà đã từng nói "Thanh Nga sinh ra để làm ngôi sao sân khấu,100 năm nữa chưa có ai thay thế được Thanh Nga", với đôi mắt tinh tường của bậc nghệ sĩ tiền phong của sân khấu cải lương miền Nam bà đưa ra nhận xét rất đúng đắn về cô học trò của mình với bốn chữ " tài sắc vẹn toàn" mà rất hiếm nghệ sĩ nào có được đầy đủ khi bước ra sàn gỗ sân khấu với xiêm y lộng lẫy hay giữa đời thường mặt mộc không điểm phấn tô son.
Nhắc tới Thanh Nga,những khán giả hâm mộ vẫn không quên từng vai diễn để đời của bà trên sân khấu,từ cô sơn nữ Phà Ca ngây thơ trong trắng trong vở Người Vợ Không Bao Giờ Cưới với hai câu thơ đã đi vào đời sống thị dân miền Nam
"Ngày mai đám cưới người ta
Mà sao sơn nữ Phà Ca lại buồn."
Cho đến Giáng Hương-nữ nghệ sĩ đầy tâm trạng trong Sân Khấu Về Khuya,một vở cải lương độc đáo của nghệ sĩ Năm Châu,cùng với bạn diễn Thành Được,cặp đôi trứ danh của cải lương Nam Kỳ tung hoành trên sân khấu đoàn Thanh Minh-Thanh Nga suốt thập niên 60,chắc ai đó vẫn còn nhớ bà vào vai cô gái mù Xuyên Lan trong vở tuồng hương xa Tiếng Hạc Trong Trăng,nàng Xuân Tự bất hạnh bị nhốt trong lu trong Áo Cưới Trước Sân Chùa,cô Trinh trong Con Gái Chị Hằng và cả cô The khoác cái tên Hương mỹ miều làm điếm trong Nửa Đời Hương Phấn?
Từ cải lương bà bước lên màn bạc khi vừa 20 tuổi với vai vũ nữ Diệp Thúy trong phim Đôi Mắt Người Xưa,trở thành minh tinh sánh vai trong bộ tứ đại mỹ nhân của điện ảnh Sài Gòn bên cạnh Thẫm Thúy Hằng,Kiều Chinh,Kim Cương,những cuốn phim có tên bà như Loan Mắt Nhung,Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang,Mùa Thu Cuối Cùng,Sau Giờ Giới Nghiêm,Mãnh Lực Đồng Tiền,Triệu Phú Bất Đắc Dĩ luôn trong tình trạng cháy vé,sau năm 1975 bà góp mặt trong cuốn phim sân khấu cuối cùng Làm Lại Cuộc Đời với vai Jacly Hương và bỏ dở những dự án điện ảnh còn lại.
Bà đã sống,đã cống hiến hết mình với nghệ thuật,dù hơn 40 năm vắng bóng trên cõi nhân gian nhưng người đời luôn nhớ đến bà với tấm lòng trân trọng,bà đã rực cháy trên sân khấu và đã trả nợ đời bằng những giọt máu hồng tươi.
"Qua hết thời gian qua hết bão giông
Đời tượng đá cứng mềm chân ai mỏi
NÀNG vẫn thế đóa Phù Dung chói lọi
Xin nghiêng mình trước tuyệt thế giai nhân.."
(NÀNG-thơ ĐN)
26.11.1978,ngày bà từ giã cõi đời,xin thắp nén nhang để nhớ đến người nghệ sĩ đã sống mãi trong lòng trái tim hàng triệu người dân miền Nam,nhớ đến bà như nhớ đến một thời khắc đẹp nhất của cả thế hệ,vẫn còn đó những ký ức không phai..
ĐAN NAM
(Ảnh sưu tầm)