VƯƠNG HỒNG HOAN
(Ảnh: tư liệu)
Trong văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Bính là một thi sĩ được nhiều người yêu thích và trân trọng.
Cuộc đời và thơ ông luôn luôn được nhắc đến trong bạn đọc nước ta hết thế hệ này đến thế hệ khác.
Nét đặc sắc nhất trong thơ Nguyễn Bính mà trong suốt gần ba chục năm cầm bút nhà thơ đã tạo một gương mặt, một bản sắc riêng trong văn học Việt Nam hiện đại nói chung và thơ ca lãng mạn 1932-1945 nói riêng: chân quê mà vẫn hiện đại.
Khi mới 13 tuổi, Nguyễn Bính đã nổi tiếng trong việc làm và ứng thơ. "Cô hái mơ" là bài thơ được đăng báo đầu tiên. Năm 1937, Nguyễn Bính gửi tập thơ "Tâm hồn tôi" dự thi và được giải thưởng Tự Lực Văn đoàn. Từ đó, thơ của Nguyễn Bính liên tục xuất hiện trên báo chí. Chỉ trong 3 năm 1940 - 1942, Nguyễn Bính đã cho ra mắt bạn đọc liền bảy tập thơ nổi tiếng "Lỡ bước sang ngang" (1940). "Tâm hồn tôi” (1941), "Một nghìn cửa sổ" (1941), "Người con gái ở lầu hoa" (1942), "Mây tần" (1942), "Mười hai bến nước" (1942) trong khi các nhà thơ đã nổi tiếng vài năm trước đó như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Huy Cận... mỗi người cũng chỉ có một vài cuốn. Nguyễn Bính được đông đảo bạn đọc yêu mến chính vì "trong khi phần lớn các thi sĩ Thơ mới chịu ảnh hưởng của thơ phương Tây, thì Nguyễn Bính vẫn tha thiết với điệu thơ dân tộc, với lối ví von duyên dáng ý nhị mà mộc mạc của ca dao, nên thơ ông được nhiều người yêu thích... Thơ Nguyễn Bính đã ít nhiều đem lại cho phong trào Thơ mới ít nhiều màu sắc, hình ảnh, hương vị quê hương xa xưa” (Từ điển Văn học tập II NXB KHXH 1984 mục từ Nguyễn Bính trang 19).
Trong bài viết về thi nhân Nguyễn Bính tháng Tám 1941, hai tác giả của cuốn "Thi nhân Việt Nam" đã nhận xét rất tinh tế về hồn thơ chân quê mà vẫn dân tộc và hiện đại này: "Người nhà quê của Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường. Tôi muốn nói Nguyễn Bính vẫn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính cách đơn giản của dân quê là những tính cách căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người ta đã làm những câu ca dao mà dân quê đã hát quanh năm và những tác phẩm của người bây giờ đã có vô số nhà thông thái nghiên cứu".
Cảm nhận thơ Nguyễn Bính nhiều người nhận xét thơ ông đã tiếp nhận được nguồn mạch giàu có vô tận của văn học dân gian nói chung và của ca dao nói riêng. Ngược lại chính sự tiếp thu vốn cũ ấy, thơ Nguyễn Bính đã có nhiều sáng tạo ý nhị, tinh tế làm cho người đọc hiểu sâu sắc hơn về ca dao xưa. Sự ảnh hưởng qua lại, tác động tương hỗ giữa thơ Nguyễn Bính và ca dao đã lý giải thấu lý, đạt tình sức sống của những câu thơ, những bài ca dao xao xuyến đến nao lòng như thế. Nguyễn Bính vận dụng ca dao rất sáng tạo ngay từ những nét nổi bật của nội dung và cả những thủ pháp nghệ thuật để từ đó tạo cho thơ ông vừa gần gũi thân quen vừa mới lạ. Trong bài thơ "Cô hái mơ'' cái hay nhất của thi sĩ là học cách nói lấp lửng của chàng trai thông minh tế nhị khi tỏ tình với bạn gái vừa quen biết:
"Hỡi cô con gái hái mơ già
Cô chửa về ư? đường thì xa
Mà ánh chiều hôm dần một tắt
Hay cô ở lại về cùng ta"
Rõ ràng, câu thơ cuối trong khổ thơ này, Nguyễn Bính đã dùng "đường cong giai điệu" (chữ dùng của Vưgốtxki), cách nói lấp lửng có duyên của chàng trai để bộc lộ tình cảm yêu đương thắm thiết.
Ở một bài thơ khác, vẫn là lối của tình yêu, nhưng lại biểu hiện qua cách nói của cô gái duyên dáng và kín đáo.
Nhà em cách bốn quả đồi
Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng.
Nhà em xa cách quá chừng
Em van anh đấy, anh đừng thương em"
(Xa cách)
Chìa khóa để giải mã bài thơ chính là từ những con số rất cụ thể mà lại mơ hồ từ bốn, ba, hai. Tại sao cô gái nói nhà cô "xa cách quá chừng" mà những đồi, những suối, những rừng lại cứ giảm dần từ nhiều đến ít. Thực ra cô gái đã yêu, yêu đến mức tha thiết phải "van người yêu đừng thương mình nữa". Nguyễn Bính có lý và thật nhạy cảm khi lần đầu trong tập "Tâm hồn tôi” câu thơ cuối là: "Em van anh đấy, anh đừng yêu em”. Giữa từ thương và yêu là sự lựa chọn của tác giả khi gửi thơ in trong "Thi nhân Việt Nam” năm 1941. Sắc thái tu từ của từ "thương" vừa rộng mở về nghĩa và có sự biểu cảm sâu sắc hơn nhiều với một từ "yêu" có phần nào ít duyên. Để diễn tả nỗi nhớ nhung sốt sắng, ca dao dùng cách ví von, so sánh:
"Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than"
Từ sự da diết và sâu lắng ấy, Nguyễn Bính biểu hiện nỗi nhớ của mình:
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ, mười mong một người.
(Tương tư).
Thôn Đoài, thôn Đông là những địa danh quen thuộc trong ca dao, dân ca và nỗi nhớ vẫn là nỗi nhớ của chủ nghĩa cổ điển. Đến hai câu tiếp theo thì rõ ràng là cách nói của thi pháp lãng mạn:
Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
"Bệnh tương tư" tuy không là cách nói mới nhưng khẳng định đó là "bệnh” của "tôi" thì quả thật chỉ có Nguyễn Bính mới lấy hiện tượng gió mưa từ đó làm nổi rõ tương tư là cái thuộc về trái tim, tâm hồn của con người đa cảm. Đúng như Đỗ Lai Thúy đã nhận xét "Hình như bầu tương tư chất chứa trong ông chỉ tìm cớ mà tuôn chảy. Đầu tiên là nhớ nhung trai gái, sau đó là cây cối nhớ nhau cuối cùng là miền không gian này nhớ miền không gian khác" (Đường về chân quê của Nguyễn Bính - Tạp chí Văn học số 6 năm 1991 trang 29).
Và vì vậy, trong thơ Nguyễn Bính, hệ quả của nỗi nhớ này là nguyên nhân của nỗi nhớ sau:
Nhà em có một giàn trầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?
(Tương tư)
Sự lựa chọn và xác lập một hướng viết: "chân quê" Nguyễn Bính đã quyết định một cách tự nguyện: "Anh về quê cũ thôn Vân. Sau khi đã biết phong trần ra sao". Nếu Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ... (thời Thơ Mới trước 1945) chủ yếu là thưởng ngoạn "cảnh quê", "tranh quê" thì Nguyễn Bính đi vào những cung bậc "tình quê", "hồn quê". Thơ Nguyễn Bính "chân quê" nhưng được biểu đạt bằng nghệ thuật động mang tính thời gian, khác xa nghệ thuật tĩnh mang tính không gian của các nhà thơ mới nói trên.
Vậy thơ Nguyễn Bính dân tộc và hiện đại thể hiện ra sao? Điều này, quả là dễ hiểu một khi ta hãy bình tâm, lặng lẽ cảm nhận, suy ngẫm mỗi dòng thơ của thi sĩ. Chẳng phải tìm đâu xa, đọc lại vài câu trong bài "Người hàng xóm" (in trong tập "Tâm hồn tôi" 1941) ta cũng đã rõ: Nguyễn Bính làm thơ như một sự tâm tình với bạn thâm giao:
"Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thể nào tôi cũng sang chơi thăm nàng".
Cái mới trong khổ thơ này không phải gọi người yêu là "nàng", một cô hàng xóm quen biết mà chính là cái tâm trạng "cô đơn", "nỗi buồn" của cái "tôi" mang tính thời đại mà tác giả Thi nhân Việt Nam đã lý giải đầy sức thuyết phục và rất thơ hơn nửa thế kỷ nay. Cho đến bây giờ đọc lại ta vẫn bàng hoàng, thán phục thi sĩ khi ông đặt bút viết câu thơ rất tài hoa và đa tình khó quên:
... "Cái gì như thể nhớ mong?
Nhớ nàng? Không! Quyết là không nhớ nàng!
Vâng, từ ân ái nhỡ nhàng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa".
Những câu hỏi tu từ, những dấu chấm hỏi, chấm than, chấm phẩy như có hồn trong câu thơ đã diễn đạt tâm hồn xao động, trầm lắng, náo nức và hồi hộp, say đắm và đợi chờ... của thi sĩ. Có lẽ, chỉ vậy thôi, chúng ta cũng dễ thừa nhận và được thơ Nguyễn Bính minh chứng cho sự chân quê mà hiện đại như thế nào. Không hiểu sao mỗi lần đọc thơ Nguyễn Bính trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hình ảnh "cái dậu mùng tơi xanh rờn" và câu thơ: "Có gì như thể nhớ mong? Nhớ nàng! Không! Quyết là không nhớ nàng" vẫn cứ vấn vít, ám ảnh xao xuyến trong tình cảm của một bạn đọc bình thường như tôi.
Và tôi tin, có lẽ tình cảm ấy, ít nhất là một lần đến với đông đảo bạn đọc yêu thơ Nguyễn Bính.
Huế, tháng 10.1996
V.H.H
(TCSH95/01-1997)