(Đoàn Xuân Thu)

 

 

Cách nay khoảng 2000 năm, chỉ những nhà giàu thành Rome, mới có nô lệ đốt đèn bằng dầu thực vật để chiếu sáng lúc đêm về. Coi phim La Mã cổ đại chúng ta đều biết. Năm 1417, thị trưởng thành phố London lệnh tất cả các nhà phải treo đèn lồng ở trước cửa khi đêm xuống trong những tháng mùa Đông. Mãi tới năm 1807, thành phố London; năm 1816, Baltimore của nước Mỹ lắp đèn đường phố bằng khí đốt. Rồi tới năm 1879, đèn chân không do Thomas Alva Edison (1847–1931) phát minh mới chiếu sáng đường phố.

 

Còn nước ta, thời Pháp thuộc, ngày 27.9.1865, Giám đốc Nha Nội vụ (Directeur de l’Intérieur) Paulin Vial cho thắp sáng 24 con đường (đặt tên theo số), tại Sài Gòn bằng loại đèn sử dụng dầu dừa. (Paulin Vial từng đóng lon trung úy, Trưởng đồn kiêm Giám đốc bản xứ sự vụ Gò Công. Tờ mờ sáng ngày 22 tháng 6 năm 1861 (Tân Dậu), Huyện Toại, Đỗ Trình Thoại, tấn công đồn Gò Công dùng gươm đâm Paulin Vial tưởng chết)

 

Phủ Thống đốc Nam kỳ ra nghị định yêu cầu dân địa phương phải tự thắp sáng ngõ ra vào cửa nhà của mình. Về việc thắp sáng công cộng, ngày 12.11.1867, Hội đồng thành phố Sài Gòn giao thầu cho Andrieu. Giờ thắp sáng bắt đầu từ 6 giờ đến 6 giờ 30 chiều, tùy theo mùa, và chỉ tắt đèn vào 5 giờ sáng hôm sau, không được sớm hơn, vì từ 4 đến 5 giờ sáng là giờ làm ăn của bọn đạo chích. Hội đồng quyết định dùng dầu lửa để thắp sáng đèn công cộng kể từ ngày 1.4.1870. Chính quyền Pháp cho lắp 17 cụm đèn chùm tại bến Cầu Ông Lãnh, đường Catinat (VNCH Tự Do; CS là Đồng Khởi), đường Isabelle II (sau là Espagne, nay là Lê Thánh Tôn), bắt đầu từ đường Hôpital (nay là đường Pasteur) và đường Impériale nối dài (sau là Paul Blanchy, nay là Hai Bà Trưng)

 

 

1807, thành phố London lắp đèn đường phố bằng khí đốt 

 

 

Chớ xưa có đèn dầu là em mừng húm rồi: “Đèn treo ngang quán. Tỏ rạng bờ kinh”. Rồi “Đèn cầu tàu ngọn lu ngọn tỏ. Anh trông không rõ, anh ngỡ đèn màu”. Tới những năm đầu thế kỷ XX, thành phố Sài Gòn mới bắt đầu có đèn điện sáng choang. Trong phong tục nhơn vật diễn ca –Sài Gòn 1906- ông Nguyễn Liên Phong ghi lại: “Phong lưu cách điệu ai bằng, Đường đi trơn láng, đèn giăng sáng lòa.” “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ. Chớ đèn Mỹ Tho vẫn còn ngọn tỏ, ngọn lu.”

 

 

Tui nhớ thời thơ ấu, năm 1965, trời sập tối, má dắt một đám con, 7 đứa, ra trước cửa Bưu Điện Tân Định chờ ba đi làm về. Ba về có mua bánh mì Tám Cẩu đường Cao Thắng. Đường Hai Bà Trưng mới lắp cột đèn cao áp sáng trưng. Ngồi nhìn xe qua lại, có má, có anh, có em. Giờ tha hương đã bao năm, sầu cố xứ; vì con không thể nào gặp lại những ngày vui đó nữa. Đèn cao áp ngày nầy đã nằm yên trong ký ức, vì ngày nay đã có đèn LED hiện đại hơn nhiều.

 

Tui nhớ nhà đèn Chợ Quán của cái đất Sài Gòn. Tui nhớ nhà đèn Mỹ Tho đường Học Lạc. Một ngày thứ Bảy năm 1967, sáng nghỉ học, tui chạy Honda SS 67 qua nhà thằng Võ Thành Điệu, bạn cùng lớp, nhà ở đường Đốc Binh Kiều, bên kia Cầu Quay Mỹ Tho chơi; vì nó có đứa em gái dẫu quê phèn Tân Thới, Gò Công nhưng da mặt em như mận Hồng Đào của cái xứ Trung Lương. Tui đâu biết tối qua, VC ném lựu đạn vô nhà đèn. Nên lúc 9 giờ sáng, lính đại đội 11 Trinh Sát, Sư đoàn 7, xét giấy tờ, bắt tui về sân đại đội để giải giao cho Cảnh sát của Đỗ Kiến Mười. Chú cảnh sát gác ở Bưu Điện thấy mặt tui ngồi chong ngóc trong khoảng sân có rào kẽm gai ‘concertina’ báo cho ba tui lúc đó làm Trưởng ty Bưu Điện hay. Đến lãnh tui về, ba không rầy rà gì tui hết ráo. Ba chỉ nói: “Xét tờ khai gia đình thuộc thẩm quyền của Cảnh sát và chỉ được làm trong giờ giới nghiêm. Trung úy Linh, đại đội trưởng nầy lạm quyền!” Nãy giờ đang ấm ức vì bị bắt vô cớ, tui khiếu nại mà nó còn hăm bắn tui nữa chớ; giờ nghe ba tui nói vậy, tui mát lòng mát dạ hết sức. Chuyện 60 năm rồi, con vẫn nhớ ba!

 

 

Lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn năm 1880, Sài Gòn đã có đèn đường – nguồn antoursvietnam.com

 

 

Thưa tui nhớ bến Ninh Kiều, Cần Thơ. Nhà biên khảo Sơn Nam viết: “Khoảng năm 1937, đôi ba ngày một lần, tàu Nam Vang chạy ngang ghé lại Bến Hàng Dương mang tên là Quai de Commerce (Bến Thương Mại) khá lâu, hành khách, hàng hóa lên xuống rộn rịp, thêm người trên bờ xuống tàu rao thức ăn uống…” Trong đó, có hãng tàu Compagnie de Messageries Fluviales, mỗi tuần ghé qua 2 lần.”

 

Tui nhớ đèn ba ngọn, trước Pharmacie du Mekong giữa ngã ba Ngô Quyền, Hai Bà Trưng, Bến Ninh Kiều, Bến Hàng Dương ngày cũ. Tui nhớ Trần Thị Minh Chi, nhớ Trần Thị Nhãn, học trò trường Đoàn Thị Điểm. Tui nhớ em Nguyễn Văn Mừng, học trò tiếng Anh buổi tối của tui, làm thợ trại đóng ghe Xóm Chài bên kia sông.

 

Tui nhớ bài báo của một nhà báo quốc doanh CS khoe là dân Ông Tạ Sài Gòn nhưng đặt dóc hổng có căn! Ông nói: bà Lý Sói gần nhà ông là người đã nói câu: “Cây cột điện đi được nó cũng đi…” Nhiều năm sau, Nguyễn Xuân Phúc, cựu thủ tướng CS cải biên: “Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam”

 

 

Bến Ninh Kiều, Cần Thơ xưa – nguồn achuyện xưa

 

 

Nói thiệt hay giỡn chơi vậy cha? Cột đèn về Việt Nam hết ráo, tối ra Footscray nhậu, xa lộ không đèn, làm sao tui thấy đường về nhà? Bỏ em yêu ngủ một mình tối hù; em đâu có chịu em sợ ma lắm đó! Hu hu! Cây cột điện ở Mỹ chưa về thì “Bảy niểng’ đã bị đá đít “về làm người tử tế!”

 

Cột đèn chớ cột điện cái giống gì? Dùng chữ cột điện là dốt; là không có ý nghĩa gì ráo? Cột điện hồi xưa thời Pháp dùng để đánh đây thép, đánh morse khi Mỹ chưa qua, chưa có đài viba! Chính vì vậy Bưu điện hồi xưa bà con mình còn gọi là Nhà Dây Thép. Cột đèn để chiếu sáng những con đường trong thành phố.

 

 

(Nguồn: baotreonline.com)