Đê biển sụp lún, cống nội đồng bị rò rỉ, xói đáy, Cà Mau đang xoay sở tìm phương án tự cứu song ngay cả giải pháp khắc phục cũng gây mối nguy xâm nhập mặn. Hiện độ mặn đo được trong vùng nội đồng tỉnh Cà Mau đang lên đến 32%.
Một kênh nội đồng trong huyện Trần Văn Thời khô cạn. (Ảnh: baocamau.com.vn)
Loay hoay trong vùng nước mặn
Hạn khắc nghiệt và vị trí sát biển khiến Cà Mau đang phải đối diện cùng lúc với tình trạng thiếu nước, nhiễm mặn và sụp lở. Nhiều tuyến kênh khô cạn gây sụp lún, sạt lở đường giao thông, đê biển, các cống bị rò rỉ, xói đáy khiến nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng,
Vùng rìa biển, tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc – Kênh Mới đang là điểm nóng sụp lún ở tỉnh Cà Mau. Đây là đoạn đê thuộc công trình đê biển Tây Cà Mau dài gần 110km, nằm trên địa phận các huyện Trần Văn Thời, Phú Tân và U Minh. Ngoài có vị trí chiến lược trong quốc phòng, an ninh, tuyến đê có vai trò ngăn mặn cho vùng ngọt hóa hơn 100.000ha đất sản xuất phía Bắc Cà Mau và hệ sinh thái rừng tràm U Minh Hạ.
Hồi giữa cuối tháng 2 (từ ngày 18-23/2), sau 2 lần sụp lún liên tiếp, 240m mặt đê bị sụt lún hoàn toàn, ngang 7m, sâu từ 1,5-2m, mặt đường bê tông đứt gãy. Ngoài ra, khoảng 4.000m đê có dấu hiệu sụt lún tiếp.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, đến giữa tháng 4, trên 35.000 m3 bùn, cát đã được bơm vào, lấp được khoảng 1,3km kênh ven đê, để ngăn chặn sụt lún tuyến đê biển Tây đoạn Đá Bạc – Kênh Mới.
Theo tính toán của ngành chuyên môn, để khắc phục sụp lún, cần bơm 200.000 m3 bùn, cát vào tuyến kênh bên trong ven đê đoạn từ vàm Đá Bạc đến cống Kênh Mới.
Ống bơm bùn và cát từ ngoài biển vào lấp đoạn kênh ven biển Tây tại huyện Trần Văn Thời. (Ảnh: baocamau.com.vn)
Tuy nhiên, việc bơm bùn, cát từ ngoài biển vào tạo phản áp để khắc phục sụp lún đê biển Tây cũng đang là mối nguy cơ xâm nhập mặn. Để bơm hết khối lượng bùn cát trên phải cần một lượng nước rất lớn. Đơn vị thi công có đắp đập ngăn nước, tạo bể lắng ở 2 đầu để ngăn nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng lân cận, sau đó, dùng trạm bơm nước di động bơm tháo nước trở ra biển. Mặc dù vậy, theo phản ánh của người dân địa phương, khi bơm bùn vào, lượng bùn và nước tại vị trí đặt ống dâng cao, tràn vào thẩm thấu qua khu vực đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Người dân lo ngại nếu nước thấm nhiều, đất sẽ nhiễm mặn, ảnh hưởng việc sản xuất lúa trong thời gian tới.
Theo thông số kỹ thuật, 30% đất bùn, cát được giữ lại, 70% nước mặn được các trạm bơm di động bơm ra ngoài biển để nước mặn không xâm nhập vào nội đồng, song nguy cơ xâm nhập mặn vẫn được đặt ra. (Ảnh: baocamau.com.vn)
Nếu đoạn sụp lún đê biển Tây và những vị trí đang có nguy cơ sụp lún không được xử lý tốt, khi mùa mưa bão năm 2020 đến sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ vỡ đê. Thực tế, nguy cơ vỡ đê biển Tây đã được Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau cảnh báo vào mùa mưa bão năm 2019. Tháng 8/2019, mưa lớn kéo dài kết hợp triều cường, sóng cao khiến hơn 300m đê bị uy hiếp nghiêm trọng, đoạn từ Vàm Đá Bạc đến Vàm Kinh Mới (thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) có nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào.
Trong vùng nội đồng, nhiều cống ngăn mặn bị rò rỉ, xói đáy. Theo thống kê của ngành nông nghiệp, toàn vùng ngọt hiện có 18 cống rò rỉ, xói đáy, như Kênh Xáng Mới, Rạch Cui, Rạch Ruộng, Trùm Thuật Nam, Kênh Mới, Công Nghiệp… Đáng chú ý, cống Thăm Trơi (xã Khánh Bình Đông) bảo vệ cho vùng ngọt huyện Trần Văn Thời bị rò rỉ, xói đáy, khiến độ mặn đo được bên trong vùng ngọt lên đến 32‰.
Để hạn chế tình trạng nước mặn tràn vào vùng ngọt hóa, các cơ quan chức năng cho đắp các con đập tạm và dùng máy bơm lưu động bơm nước mặn từ bên trong vùng ngọt ra ngoài. Tuy nhiên, việc nước mặn lắng đọng có thể ảnh hưởng tới vụ mùa tiếp theo, nên sau khi khắc phục xong sự cố sẽ phải tính tới giải pháp rửa mặn.
Thiếu nước, mất đất… là viễn cảnh của Cà Mau?
Mùa khô năm 2019-2020 được nhận định đến sớm và gay gắt hơn cả năm có Elnino (2015-2016). Tính từ đầu tháng 12/2019, hạn mặn khắc nghiệt đang kéo dài đến tháng thứ 5 tại vùng ĐBSCL.
Từ tháng 2/2020, hầu hết các tuyến kênh tại xã Khánh Bình Tây Bắc đã bị cạn nước. Toàn bộ diện tích lúa hơn 1 ngàn héc-ta còn lại của người dân chủ yếu dựa vào sương ban đêm và độ ẩm còn lại trong đất.
Tại thời điểm này, trên toàn tỉnh còn khoảng 14 ngàn héc-ta lúa đông xuân đang trong giai đoạn làm đòng, song nguy cơ thiếu nước rất cao. Sở NN&PTNT Cà Mau đã khuyến cáo bà con không nên đầu tư bơm nước cũng như phân bón, chăm sóc vì có khả năng mất trắng. Chưa kể, gần 12,8 ngàn ha trong tổng diện tích lúa – tôm bị thiệt hại trong vụ mùa có mức thiệt hại trên 70%, tức người dân gần như mất trắng.
Đến đầu tháng 4, Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết theo số liệu rà soát, toàn tỉnh có hơn 20,5 ngàn héc-ta lúa và rau màu bị thiệt hại do hạn mặn; trong đó, có khoảng 6,8 ngàn héc-ta lúa bị thiệt hại từ 30-70%, hơn 13,6 ngàn héc-ta lúa thiệt hại từ 70% trở lên.
Hiện mực nước bên trong vùng ngọt huyện Trần Văn Thời đang thấp hơn ngoài đê ngăn mặn trên 1m.
Nhiều tuyến đường, lộ nông thôn đang bị sụp do khô cạn kéo dài. Theo UBND tỉnh Cà Mau, từ đầu mùa khô đến nay, toàn tỉnh có 1.136 điểm sụt lún lộ nông thôn với chiều dài trên 24km. Trong đó, huyện Trần Văn Thời bị nặng nhất với khoảng 1.109 điểm sụp lún, trong đó 13,2km lộ bê tông, 10km lộ đất đen.
Cảnh sụp lún sáng ngày 5/4 trên tuyến đường ôtô về trung tâm xã Trần Hợi. (Ảnh: baocamau.com.vn)
Sau khi đoạn sụp lún ngày 17/3 vừa được gia cố, ngày 5/4, tuyến đường ôtô đến trung tâm xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời) tiếp tục sụp khiến tuyến đường này hoàn toàn đứt đoạn. Ông Trần Hoàng Nghiệp, Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Văn Thời cho biết vị trí sụp lún mới dài 10m, sâu 1,7m, mặt đường bị sụp hoàn toàn về mép sông. Vụ sụp lún mới làm cho vị trí đã gia cố tiếp tục sụp sâu 1m (tổng chiều dài sụp lún mới và cũ 29m). Chiều rộng mặt đường còn lại 1m.
Trong khi đó, do hạn khốc liệt, các con sông cạn khiến phương tiện thuỷ không thể lưu thông. Nhiều hoạt động vận chuyển hàng hoá nông sản, các mặt hàng thiết yếu… phải chuyển lên đường bộ. Tuy nhiên, tình trạng sụp lún khiến nhiều đoạn lộ cũng rơi vào tình trạng đứt đoạn. Năng suất giảm lại thêm chi phí bơm nước, thêm chi phí vận chuyển bằng xe (khoảng 5-10 ngàn đồng/bao) khiến người dân càng trong tình thế khốn quẫn.
Theo nhận định của chuyên gia của Trung tâm Dự báo khí tượng – thuỷ văn quốc gia, tình hình hạn mặn đã vượt cả năm 2016. Trong cả mùa khô và mùa mưa năm 2016, ước tính thiệt hại toàn tỉnh Cà Mau khoảng 1.500 tỷ đồng, do lúa màu chết, gia súc gia cầm chết, thủy sản bị thiệt hại, đê biển, rừng phòng hộ sạt lở, sụp lún,…
Hồi giữa tháng 4, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh này khắc phục khẩn cấp thiệt hại do thiên tai và hạn hán khoảng 1.690 tỷ đồng. Trong đó, khắc phục do hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019 – 2020 là 300 tỷ đồng.
Song thực tế, ngoài các giải pháp “thủ công”, tạm thời đang được chính quyền tỉnh thực hiện kiểu hạn hán đến đâu khắc phục đến đó, sụt lún đến đâu khắc phục đến đó, hiện vẫn chưa có giải pháp lâu dài nào được áp dụng cho Cà Mau trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn “gặm dần” từng tấc đất.