“Chữ Việt Nam song song 4.0”, từ đọc đến hiểu còn một khoảng cách khá lớn. Tất cả đều vì cách ghép chữ cái hơi kỳ quặc theo logic của các tác giả.

 

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao về việc bộ chữ tiếng Việt không dấu “Chữ Việt Nam song song 4.0” của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bản quyền.

 

 

Bài thơ “Sóng” của nữ sĩ Xuân Quỳnh thử viết theo lối “Chữ Việt Nam song song 4.0”.

 

Những xôn xao trên cộng đồng mạng về sáng kiến đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình hiện tập trung chủ yếu vào việc hình thức lắp ghép chữ cái để biểu hiện về ngữ nghĩa. Khi thử “mặc chiếc áo mới” “Chữ Việt Nam song song 4.0” cho những văn bản quen thuộc và thường thức nhất trong chữ viết hiện hành của chúng ta thì thực sự khó mà nhận ra và đọc lưu loát văn bản ấy nói gì.

 

Từ đọc đến hiểu còn một khoảng cách khá lớn. Lúc này, thay vì dùng mắt để đọc, vốn là thao tác dễ dàng nhất, dùng đầu để hiểu, dùng cảm xúc để thấm nhuần thì loại “chữ Việt nhanh” này còn mất thời gian “vận nội công” để luận. Tất cả đều vì cách ghép chữ cái hơi kỳ quặc theo logic của các tác giả.

 

Ý kiến chuyên gia

 

Đành rằng bất cứ một ký tự, chữ viết nào cũng cần thời gian để thâm nhập vào ý thức, thói quen tiếp nhận của cộng đồng. Nhưng nói gì thì nói, cải tiến ra sao cũng nên dựa trên nền tảng và cũng nên “thăm dò” ý tứ của một giá trị đã thử thách qua thời gian, đã trở thành niềm tự hào của một dân tộc.

 

Từ việc chỉ ra điểm khác biệt căn bản giữa đề xuất “Chữ Việt Nam song song 4.0” và chữ quốc ngữ chính thống, Tiến sĩ ngôn ngữ Hoàng Cao Cương cho rằng: “Bộ Chữ Việt Nam song song 4.0” khác với chữ quốc ngữ ở chỗ không phản ảnh đầy đủ đặc điểm ngữ âm của tiếng Việt.

 

Chủ yếu là làm sao để gõ nhanh, bỏ các dấu. Bộ chữ toàn dân đang dùng thì khác. Bộ chữ viết nhanh càng tinh gọn càng tốt, chỉ đáp ứng mục đích tốc ký, viết nhanh. Không có ý nghĩa ký âm đặc điểm ngôn ngữ”.

 

Chức năng chính (nếu đưa vào thực hành) trong nội dung đề xuất của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình đã rõ. Vấn đề chỉ là cách nhìn nhận của hai tác giả khi sáng tạo cải tiến bộ chữ viết này mà thôi. 

 

Trước hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình, không hiếm những đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ. Cho nên thái độ điềm tĩnh, rành rọt của PGS - TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, người từng có nhiều kinh nghiệm lâu năm tiếp xúc và đánh giá các công trình ngôn ngữ cũng là điều dễ hiểu.

 

 

Hai tác giả đề xuất “Chữ Việt Nam song song 4.0” Kiều Trường Lâm – Trần Tư Bình cùng giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.

 

Sẽ có những người chung ý kiến với PGS -TS Phạm Văn Tình rằng: “Mục đích của hai tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình là muốn đưa ra một bộ chữ xử lý trong việc liên quan đến công nghệ và tốc ký quốc ngữ. Dụng ý của tác giả cũng là muốn thiện ý làm tốt những vấn đề liên quan tới ngôn ngữ và chữ quốc ngữ. Đó là điều đáng ghi nhận. Vấn đề là đi đến đâu. Những người quan tâm tới tiếng Việt chúng ta đều trân trọng cố gắng của họ”.

 

“Trân trọng” nhưng không đồng nghĩa với việc dễ dãi tiếp nhận và tung hô vô căn cứ một đề xuất chưa đủ sức mạnh để “thu phục” lòng người. Với những người làm chuyên môn, bên cạnh việc tiếp nhận, góp ý các đề xuất, sáng tạo thì tiếng nói phản biện là cần thiết, chẳng hạn như GS -TS Nguyễn Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) không ngần ngại chỉ ra điểm thiếu logic và cũng là ngọn nguồn của việc cư dân mạng “ném đá” đề xuất “Chữ Việt Nam song song 4.0” những ngày qua.

 

“Nếu chỉ dừng lại bộ gõ thì không sao thì đáng hoan nghênh vì có vẻ gõ nhanh hơn nhưng cũng có ý kiến phức tạp. Nhưng các tác giả cho rằng đây không phải là bộ gõ mà là bộ chữ Việt dùng song song chữ quốc ngữ với demo song song 2 kiểu chữ. Đây là đi quá xa và là sự nhầm lẫn. Nếu dừng lại bộ gõ thì không vấn đề gì cả. Còn nếu song song với chữ quốc ngữ và sử dụng trên các ấn phẩm thì tôi cho rằng đây là ảo tưởng, vô lý”, GS -TS Nguyễn Văn Hiệp thẳng thắn nói.

 

Tiếng nói văn nghệ sĩ

 

Nội dung đề xuất “Chữ Việt Nam song song 4.0” đã rõ. Hai tác giả của đề xuất này chỉ giải quyết được khâu giản lược và tiết kiệm về mặt thời gian viết, đánh máy, tượng hình ký tự. Còn về mặt có chuyển tải được một cách lưu loát, rõ ràng về ngữ nghĩa để không gì có gì đáng phải phàn nàn thì chưa chắc. Chính vì thế, nói như PGS – TS Nguyễn Hữu Sơn: “Rõ ràng sự khả thi của đề xuất này rất thấp. Chưa thấy đâu hướng mở, tính khoa học của nó. Chưa thấy nguồn sáng nào ở phía trước” cũng có phần hợp lý.

 

 

 

Giấy chứng nhận bản quyền tác giả của công trình "Chữ Việt Nam song song 4.0"

 

Để sáng tác được các tác phẩm văn chương và thi ca, ắt phải hiểu tường tận, “điều khiển” được sức mạnh của ngôn từ. “Theo tôi về mặt lý thuyết không có gì đáng kể. Thứ nhất họ bỏ dấu đi. Thay mỗi dấu bằng một chữ cái nào đó. Thứ hai họ chỉnh một vài chỗ chưa hợp lý Cái đấy không khó, chẳng có gì là phát minh”. Ý kiến của nhà thơ Vương Trọng về nội dung đề xuất “Chữ Việt Nam song song 4.0” xem ra khó “lọt tai” những người đang hăm hở muốn trình bày những sáng tạo ấp ủ lâu năm mà họ tự “ám thị” là ưu việt.

 

Mà ưu việt hay không liệu có liên quan, phụ thuộc gì tới việc Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bản quyền cho đề xuất “Chữ Việt Nam song song 4.0”? “Các tác giả phải hiểu rằng xác nhận bản quyền chứ không phải xác nhận giá trị khoa học”, nhấn mạnh của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm có lẽ khiến nhiều người phải “gật gù”.

 

Như vậy phải chăng tờ giấy chứng nhận của Cục Bản quyền chỉ dừng lại ở việc công nhận một sản phẩm thuộc về một cá nhân, một đơn vị chứ không đồng nghĩa với việc tôn vinh ý nghĩa trí tuệ và ứng dụng của một sáng tạo ngôn ngữ?

 

“Nói phải củ cải cũng nghe”

 

Tôn trọng những ý tưởng mới trong mọi lĩnh vực của đời sống. Đó là phép lịch sự tối thiểu trước khi bàn sâu hơn về chiều sâu, giá trị của các sáng tạo, đề xuất. Tất nhiên, liều lượng của phép văn minh, lịch sự cũng sẽ được công chúng, vốn theo khuynh hướng bản năng, tự nhiên chủ nghĩa gia giảm tùy mức độ nhận thức, hiểu biết và tầm vóc của các đề xuất ấy.

 

Nếu cô Dương Hằng, một giáo viên dạy Tiếng Việt ở Hà Nội ghi nhận: “Hai tác giả đã xây dựng công trình với mục đích tốt. Đó là tiết kiệm được thời gian viết chữ cũng như là gõ chữ, điều đó xứng đáng được tôn trọng” thì chúng ta cũng nào đâu thể ngăn các phụ huynh, chẳng hạn như chị Phạm Thị Nhung (Hà Nội), một bà mẹ hai con đang tuổi đến trường phải thành thật: “Cái công trình cải tiến chữ quốc ngữ đó cũng chỉ là sáng tạo của riêng tác giả ấy thôi chứ mình cũng không nghĩ là nó sẽ được áp dụng”.

 

Công trình, sáng tạo nào có ý nghĩa lý thuyết nền tảng hoặc thực tiễn đời sống thì đều phải dựa trên những cứ liệu, xác tín khoa học. Huống hồ “Chữ Việt Nam song song 4.0” có lẽ về mặt tầm vóc chỉ nên được gọi là đề xuất. Mà kể cả những đề xuất, phát minh đã được công nhận, khi đưa vào ứng dụng, nếu mang lại rất ít giá trị cho trí tuệ tương lai hoặc đi ngược lại thành quả quá khứ thì sau thời gian thử nghiệm kém hiệu quả vẫn sẽ phải gác lại, nhường chỗ cho những “bản gốc” bền vững hoặc “bản nâng cấp” tiên tiến hơn.

 

Điều ấy cũng là lẽ thường tình, tình thế phải chấp nhận dù tác giả của đề xuất, phát minh ấy có dày công, tâm huyết đến thế nào. Huống hồ ngay cái tên “Chữ Việt Nam song song 4.0” không thể chối cãi, đã nói lên mục đích của đề xuất này là song hành cùng với tiếng Việt hiện hành.

 

Chưa nói đến nội dung cụ thể các hình thức đổi mới của các tác giả, việc đặt vị thế đề xuất ấy ngang hàng với một ngôn ngữ đã được công nhận, trở thành chữ viết chính thức của một dân tộc, sự phản ứng của dư luận cũng là điều dễ hiểu.