Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Aso xem công nhân Việt Nam lắp ráp các bộ phận trong khi thăm nhà máy Honda Motors tại Hà Nội, ngày 17 tháng 11 năm 2006 (Ảnh: YOSHIMASA SHIMIZU / AFP qua Getty Images)

 

 

 

Việt nam đã "dọn tổ" nhưng không đón nổi "đại bàng" -FDI tốt trong gần 4 năm Trung Quốc vướng vào thương chiến mà thậm chí còn “cõng phải rắn”-FDI xấu. Kể từ khi tham gia vào sân chơi toàn cầu hóa, dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam phần lớn không tạo ra năng suất, không đạt mục đích về chuyển giao công nghệ, không lan toả được tri thức… Tại sao?

 

 

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc Việt Nam “dọn tổ” nhưng không đón được “đại bàng” - ám chỉ dòng vốn đầu tư tốt chạy khỏi Trung Quốc do thương chiến - như thể chế chính trị, chi phí logistics nội địa quá cao, cơ sở hạ tầng yếu kém và thiếu đồng bộ...

 

 

Nhưng không chỉ thời điểm này, nhìn lại lịch sử, Việt nam dường như chỉ “thành công” đón được nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài “xấu”, “bẩn” từ trào lưu toàn cầu hoá hơn là dòng vốn tốt, lành mạnh.

 

 

Dĩ nhiên, Việt nam không thể phủ nhận lợi ích về tạo việc làm, quản trị, học hỏi công nghệ, ngoại tệ và đóng góp nhất định vào tăng trưởng GDP từ việc dịch chuyển dòng vốn toàn cầu. Chỉ là những đóng góp của FDI quá thấp so với kỳ vọng và ưu đãi thuế, đất đai, tài nguyên mà chính phủ VN dành cho họ. Câu hỏi là tại sao?

 

 

Thu hút vốn FDI vào Việt Nam: thất bại nhiều hơn thành công

Việt Nam mở cửa kinh tế từ năm 1986, năm 1987 đã ban hành Luật cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Cho đến nay, Việt Nam đã có 14 năm gia nhập WTO và trở thành một trong những lựa chọn điểm đến của dòng vốn tự do toàn cầu.

 

 

Tuy nhiên, đến năm 2012, sau 25 năm thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam cay đắng nhận ra 94% dòng vốn chảy vào đất nước của chúng ta không mang lại công nghệ, hiệu quả kinh tế, mà chỉ mang lại xả thải và tiêu tốn tài nguyên.

 

 

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, kỷ yếu hội thảo 25 năm thu hút FDI (2012) cho thấy chỉ có 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình và 14% có công nghệ thấp. Công nghệ trung bình và công nghệ thấp là các công nghệ đã lạc hậu, ô nhiễm môi trường (báo cáo nêu rõ).

 

 

Cho tới nay, đã 8 năm kể từ khi giới chuyên gia kinh tế, chính phủ của Việt Nam đồng thuận với nhận định này, tình trạng chất lượng của dòng vốn FDI không tốt lên là bao; hầu hết FDI chảy vào Việt Nam vẫn là FDI bẩn, để xả thải, tận dụng tài nguyên, nhân công dồi dào, giá rẻ hoặc chảy vào các lĩnh vực để tận dụng thị trường và tài nguyên đất đai, khoáng sản như bán lẻ, bất động sản, xây dựng… mà không phải là đầu tư dài hạn để nâng cao năng suất lao động. Có thời điểm, FDI chảy vào bất động sản chiếm tới gần 25% tổng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

 

 

Không chỉ vậy, đến thời điểm này, thực trạng đầu tư núp bóng - trong bài viết này, chúng tôi gọi là “rắn” FDI (xấu) để phân biệt với “đại bàng” FDI (tốt) - đã khiến chính phủ Việt Nam đang phải ráo riết dựng rào chắn kỹ thuật, chế tài và luật pháp để tránh dính líu vào cuộc chiến thương mại mở rộng bởi Tổng thống Trump với các nền kinh tế được cho là “bị Trung Quốc lợi dụng” để vô hiệu hoá các đòn tấn công của Ông Trump trong thương chiến.

 

 

Chìa khoá là chênh lệch giữa năng suất lao động và tiền lương - thứ mà chúng ta không thể có (!)

 

 

Nghiên cứu của giáo sư Michael Pettis công bố gần đây cho thấy, số liệu về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tự do hoá đã chứng minh rằng, dòng vốn tự do toàn cầu chỉ dịch chuyển từ các nền kinh tế “có mức lương cao so với năng suất lao động bình quân” sang các nền kinh tế “có mức lương thấp hơn” (so với năng suất lao động bình quân).

 

 

Nhận định này khác với hiểu biết thông thường của chúng ta rằng dòng vốn khi được tự do bởi toàn cầu hoá có vẻ như sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế có mức lương cao về nền kinh tế có mức lương thấp. Đó là lý do, Đức và Trung Quốc là những ví dụ nổi bật về các nền kinh tế tận dụng tốt nhất công cuộc toàn cầu hoá và tự do hóa dòng vốn quốc tế.

 

 

Đức là một quốc gia có mức lương cao, nhưng mức lương của họ vẫn thấp so với năng suất cao của người lao động. Đó là sự không phù hợp giữa tiền lương và năng suất, chứ không phải mức lương thấp hơn.

 

 

Không chỉ vậy, dòng vốn tự do còn dịch chuyển sang các nền kinh tế có khung khổ pháp lý lỏng lẻo hơn, các nhà đầu tư có thể nhanh chóng trừng phạt (bằng cách quay lưng lại) với các nền kinh tế có các chính sách bảo vệ môi trường, người tiêu dùng hoặc nhà đầu tư trong nước chặt chẽ, hoặc các nền kinh tế cố gắng tăng thu nhập của người lao động bằng lợi nhuận kinh doanh.

 

 

Như vậy, thứ mà Việt Nam thiếu - thực chất là không kịp xây dựng - đó là năng suất lao động (NSLĐ) và duy trì khoảng cách ngày một lớn giữa NSLĐ và tiền lương để có thể hấp dẫn và giữ chân các ‘đại bàng’ FDI như vậy.

 

 

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, bình quân giai đoạn 2016-2018, NSLĐ tăng 5,77%/năm; cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

 

 

Mặc dù đã thu hẹp khoảng cách về năng suất, nhưng đến năm 2019, NSLĐ bình quân của Việt Nam năm 2019 thấp hơn Singapore 7,6 lần; Malaysia 5,1 lần; Thái Lan 2.6 lần và Indonesia là 1.8 lần. Đáng nói là, tiền lương bình quân của các nền kinh tế này so với Việt Nam thấp hơn nhiều so với tỷ lệ NSLĐ của họ so với Việt Nam. Tỷ lệ tiền lương bình quân so với Việt Nam của Malaysia là 2,9 lần; Thái Lan 1,77 lần và Indonesia chỉ có 0,736 lần.  

 

 

Điều này cho thấy, so với các nền kinh tế có quy mô và trình độ phát triển tương đương trong khu vực, Việt Nam có mức lương cao hơn tương đối với NSLĐ, mất hoàn toàn lợi thế đón các dòng vốn FDI ‘đại bàng’ từ sân chơi toàn cầu hoá.

 

 

 

Khoảng cách về năng suất lao động và tiền lương bình quân của một số nền kinh tế trong khu vực lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam (Nguồn: TCTK, Trading Economics, tính toán bởi NTDVN)

 

 

 

 

Tăng NSLĐ Việt Nam là một bài toán khó bởi chúng ta bước vào sân chơi toàn cầu hoá khi nền kinh tế chưa phục hồi sau hàng thập kỷ chiến tranh và thực hiện nền kinh tế kế hoạch. Nền kinh tế kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ tự do tư tưởng đã xoá sạch sáng tạo và động lực của nền kinh tế. Sau mở cửa, sức tăng trưởng GDP cao là tất yếu khi một phần các nguồn lực của nền kinh tế như vốn, đất đai, lao động được giải phóng và trên nền tảng so sánh với GDP cũ quá thấp so với tiềm năng.

 

 

Vòng luẩn quẩn của các nền kinh tế có mức lương so với NSLĐ cao hơn các nền kinh tế khác và không được hưởng lợi từ toàn cầu hoá và tự do dòng vốn, trong đó có Việt nam (Nguồn: NTDVN)

 

 

 

 

 

Đáng tiếc, cho tới nay, Việt Nam vẫn không thể “đổi mới” triệt để. Thành phần kinh tế nhà nước vẫn được rất nhiều ưu ái. Công cuộc cổ phần hoá vốn nhà nước dở dang với nhiều luyến tiếc lưu giữ lại quyền quản lý nhà nước trong doanh nghiệp. Nguồn lực vốn, đất đai, tài nguyên rơi vào tay nhóm doanh nghiệp thân hữu.

 

 

Một lượng lớn doanh nghiệp tư nhân phát triển bằng cách trở thành sân sau của doanh nghiệp nhà nước và các dự án đầu tư công đã bào mòn tính đổi mới và sáng tạo - điều kiện cần của tăng NSLĐ. Thêm vào đó, việc thiếu chú trọng hoặc quản lý yếu kém về giáo dục, đào tạo, dạy nghề cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam khó lòng tăng NSLĐ kịp với các nước trong khu vực trước khi buộc phải tăng lương cho người lao động.

 

 

Các nguồn lực của nền kinh tế, kể cả nguồn lực hữu hình và vô hình, vẫn chưa được giải phóng thoả đáng, ít nhất là tương đương với các nền kinh tế đối thủ khác của Đông Nam Á, thì chúng ta khó lòng có thể cạnh tranh về NSLĐ với họ.

 

 

Tất yếu, Việt Nam không thể đón “đại bàng” FDI cho phần lớn dòng vốn này dù chúng ta có rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên và con người. Vậy ai đã chiếm tổ “đại bàng”? Nền kinh tế Việt Nam đang phải trả giá gì cho điều này?

 

 

‘Rắn’ chiếm tổ ‘đại bàng’

Vì tham nhũng và tha hoá đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp khiến Việt Nam đã cõng về không ít “rắn cắn gà nhà”, làm hại các doanh nghiệp chân chính trong nước  nhỏ bé hơn và kém cạnh tranh hơn - vốn không được hưởng lợi thế như khối FDI.

 

 

Kể từ khi thương chiến, sự thật là dòng vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam đã soán ngôi các dòng vốn FDI có nguồn gốc từ các nước đang phát triển trong nước và khu vực.

 

 

Xu hướng đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong gia tăng nhanh, ngược lại với xu hướng chung, và không phải là một dấu hiệu tích cực. Bên cạnh nguyên nhân chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, một nguyên nhân khiến FDI bẩn Trung Quốc đổ vào Việt Nam là vì vấn đề môi trường.

 

 

Theo báo cáo năm 2019 của SSI, nhiều dự án lớn của Trung Quốc được cấp giấy phép đầu tư trong 4 tháng đầu năm như Hoá chất dệt nhuộm Huanyu (60 triệu USD, cấp phép tháng 1), Lốp Advance (214 triệu USD, tháng 2), Lốp xe Radian toàn thép ACTR (280 triệu USD, tháng 4) đều là các nhà máy có nguy cơ ô nhiễm cao.

 

 

Khoảng thời gian chưa đến 10 tháng kể từ khi nổ ra thương chiến (tháng 6/2018) là rất ngắn để hiện thực hóa quyết định dịch chuyển đầu tư do áp lực tăng thuế của Mỹ. Trong khi đó, các quy định ngày một khắt khe về môi trường tại Trung Quốc chắc chắn đã và đang tác động đến việc dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc sang các quốc gia lân cận để lẩn thuế, tránh thuế - trong đó có Việt Nam.

 

 

 

FDI Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng mạnh, ngược lại với xu hướng của dòng FDI từ các nền kinh tế phát triển khác để tránh thương chiến và lạm dụng chính sách lỏng lẻo về môi trường (Nguồn: báo cáo của SSI).

 

 

 

 

 

Chưa kịp hưởng lợi đã trở thành nạn nhân của thương chiến Mỹ - Trung

“Rắn” FDI từ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam đã khiến Mỹ phải điều tra gian lận thương mại với hàng loạt mặt hàng như gỗ dán, thép, nhôm... có xuất xứ từ Việt Nam. Các FDI bẩn này luồn lách được vào Việt Nam phần vì tồn tại yếu kém (không loại trừ tham nhũng) trong các cơ quan quản lý, cấp phép, giám sát và phần vì có tồn tại các doanh nghiệp Việt cấu kết với dòng vốn FDI bẩn này.

 

 

Vấn đề là, khi Việt Nam bị trừng phạt thương mại, các doanh nghiệp chân chính trong nước của Việt Nam sẽ bị phá sản đầu tiên. Đây không khác gì hành vi “cõng rắn cắn gà nhà”

 

 

“Mức độ trung chuyển và lách luật qua Việt Nam rất đáng kinh ngạc”, Tim Brightbill, một đối tác tại công ty luật Wiley Rein và cố vấn liên minh, cho biết (theo Reuters).

 

 

Thực tế, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam có đầy rẫy lỗ hổng để lẩn thuế, tránh thuế và gian lận xuất xứ hàng hóa - một thiên đường cho doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư núp bóng. Quy định về quy tắc xuất xứ với nhiều mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (Certificate of origin - C/O) chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa. Chưa kể khả năng tham nhũng chính sách giữa các quan chức giám sát thị trường, hải quan với doanh nghiệp núp bóng.

 

 

Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa, hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận.

 

 

Lấy một ví dụ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp Giấy chứng nhận một công đoạn gia công được thực hiện tại Việt Nam hoặc hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, không có ý nghĩa trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

 

 

Trong khi đó, chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Theo News Asian, các quan chức hải quan Việt Nam cho biết họ chỉ có thể xác minh 5% trong số tất cả các tờ khai xuất nhập khẩu, có nghĩa là hàng hóa Trung Quốc có thể dễ dàng được đóng gói lại với nhãn hiệu “Made in Vietnam” nhằm lẩn tránh thuế trừng phạt của Mỹ.

 

 

Không chỉ vậy, dòng vốn FDI bẩn còn khiến thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ tăng vọt. Thực tế, thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã được dòng vốn FDI bẩn này chuyển một phần sang Việt Nam.

 

 

Khi Tổng thống Trump nhậm chức vào năm 2017, thâm hụt thương mại hàng hóa với Việt Nam là 38,3 tỷ USD. Theo dữ liệu của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, mức này đã tăng lên 39,4 tỷ USD vào năm 2018 và 55,7 tỷ USD vào năm 2019.

 

 

Mức thâm hụt là 34,8 tỷ USD tính đến tháng 7/2020, báo hiệu rằng nó có thể cao hơn vào cuối năm 2020 so với các năm trước, ngay cả với tác động của đại dịch Covid-19 đối với thương mại toàn cầu.

 

 

Đây là lý do khiến chính phủ Mỹ có kế hoạch điều tra Việt Nam về thao túng tiền tệ với cáo buộc có thể dẫn đến các lệnh trừng phạt thương mại lớn. Ngày 2/10, Chính phủ Mỹ chính thức điều tra Việt Nam thao túng tiền tệ.

Dĩ nhiên, thặng dư thương mại với Mỹ, tăng cường mua dự trữ đồng ngoại tệ và chính sách tỷ giá không hoàn toàn thả nổi là những nguyên nhân khiến Việt Nam bị đẩy vào danh sách bị Mỹ chính thức điều tra. Nguyên nhân của việc này không hoàn toàn từ FDI bẩn, nhưng một phần lớn đến từ nhóm này.

 

 

Và nếu, vì một lý do chính trị - ngoại giao nào đó, Tổng thống Trump thực sự áp đòn trừng phạt thuế lên nền kinh tế Việt bé nhỏ, bất cân đối và phụ thuộc xuất khẩu này, chúng ta sẽ chứng kiến sự phục hồi hình-chữ-L (phục hồi L-shape recovery, từ ngữ để chỉ sự suy trầm và phục hồi kinh tế trì trệ và chậm chạp) của Việt Nam hậu Covid-19 trong nhiều năm nữa.

(Theo ntdvn.com)