Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu (ảnh: VGP).

 

 

 

Nguyên nhân “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ” thời gian qua xảy ra tại các tỉnh miền Trung tiếp tục được đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên thảo luận chiều 4/11, về tình hình kinh tế – xã hội năm 2020.

 

 

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường vấp phải phản ứng từ đại biểu quốc hội sau khi cho rằng rừng tự nhiên bị thu hẹp do chất độc hoá học mà Mỹ rải xuống trước đây, trong bối cảnh lũ lụt và sạt lở xảy ra ở miền Trung được cho là một phần hệ quả của việc phá rừng.

 

 

Trang tin của Chính phủ dẫn lời ông Cường nhận định hôm 3/11: “Trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa bởi vì trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 77 triệu lít thuốc hóa học đã hủy hoại 2 triệu ha rừng ở miền Trung. Bây giờ phải phục hồi từng bước”.

 

 

Ông Cường còn cho rằng diện tích rừng ở Việt Nam đã tăng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha và có hệ số che phủ rừng gần 42%. Ông cũng cho biết đây là một “cố gắng vượt bậc” khi so sánh với hệ số che phủ bình quân của thế giới ở mức gần 29%.

 

 

Tranh luận với quan điểm này, Zing cho biết đại biểu Vũ Thị Lưu Mai dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác rừng trái phép cũng xảy ra nhiều trên cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Báo cáo kiểm toán nêu rõ nhiều sai phạm trong việc cấp phép các dự án khai thác tài nguyên.

 

 

Bà Mai nói: “Bộ trưởng Nông nghiệp nói diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp là do Mỹ rải thảm hoá chất. Nói như thế không sai, nhưng sẽ toàn diện, trung thực, thuyết phục hơn nếu bộ trưởng phân tích nguyên nhân từ những bất cập trong việc quản lý từ Trung ương đến địa phương có rừng”.

 

 

Bà Mai lập luận việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được một ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới.

 

 

Nhắc đến hậu quả nặng nề của đợt thiên tai vừa qua, nữ đại biểu cho rằng trong rất nhiều nguyên nhân thì phần lớn nguyên nhân chủ quan là do con người đang phá hủy môi trường và “cái giá phải trả thực sự quá đắt”.

(Theo dkn.tv)