Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ.
TP. Hà Nội kiến nghị Thủ tướng đầu tư tuyến metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc với mức đầu tư khoảng 65.400 tỷ đồng bằng vốn ngân sách thành phố và vay các tổ chức tài chính nước ngoài, thời gian xây dựng từ 2022, đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Theo báo Zing, tuyến metro số 5 có tổng chiều dài gần 40km, với 6,5km đi ngầm, qua địa bàn các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và các huyện: Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Tuyến có thể sử dụng đến 40 đoàn tàu dài 4-6 toa, vận tốc thiết kế 120km/h và 90km/h đối với các đoạn đi ngầm, thời gian chờ tàu vào khoảng 3 phút.
Tuyến có 21 ga (6 ga ngầm, 14 mặt đất, 1 ga trên cao) và 2 điểm depot tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức và tại xã Yên Bình, Thạch Thất. Nếu được thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.
Theo tờ trình, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 65.400 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.800 tỷ đồng, chi phí thiết bị khoảng 16.600 tỷ đồng. Dự án sẽ sử dụng: Ngân sách thành phố, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước (18.000-20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu, vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.
Ảnh chụp màn hình báo Người lao động
Đây là tuyến đường sắt đô thị theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, gồm 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất.
Dự án bắt đầu tại khu vực Văn Cao giao với đường Hoàng Hoa Thám, chạy ngầm dưới đường Văn Cao, Liễu Giai, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng. Sau khi đi ngầm qua ga vành đai 3, tuyến bắt đầu chuyển dần từ đi ngầm sang đi nổi trên mặt đất tại vị trí giữa của dải phân cách đại lộ Thăng Long.
Điểm cuối tuyến metro số 5 là thôn Thạch Bình, xã Yên Bình, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội.
Trước khi đề xuất đầu tư metro số 5, TP. Hà Nội cũng đã đầu tư 2 tuyến đường sắt đô thị bằng vốn vay nước ngoài, trong đó có đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
(Theo dkn.tv)