6 tháng tiêu hủy 34.000 con heo mắc dịch tả heo châu Phi. Ảnh chụp màn hình báo Cung Cầu

 

 

Giá thịt lợn hơi đang đắt đỏ, có xu hướng tăng mạnh. Thế nhưng, từ đầu năm đến nay dịch tả lợn châu Phi lại tái phát và lây lan nhanh, buộc phải tiêu hủy 34.000 con lợn.

 

Theo báo Tin Tức, ngày 29/6, Bộ NN-PTNT cho biết, hiện cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh thành có dịch tả heo châu Phi chưa qua 30 ngày, trong đó có 228 xã tái phát dịch.

 

Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch phục hồi, chăn nuôi tái đàn heo, đảm bảo nguồn cung thực phẩm.

 

Vì vậy, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản lần thứ 2 gửi chủ tịch UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Nam, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bạc Liêu đề nghị khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những bất cập trong công tác phòng chống dịch.

 

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh Dịch tả heo châu Phi phát sinh tại 773 xã (bao gồm 25 xã phát sinh ổ bệnh, 228 xã tái phát bệnh và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020) tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 34.000 con heo.

 

Báo Vietnamnet cũng cho biết, các địa phương cần xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn trong quá trình tiêu thụ trong nước và qua biên giới.

 

Thực tế, trong năm 2019, Việt Nam đã phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn vì dịch tả lợn châu Phi. Kéo theo đó, nguồn cung thịt lợn trên thị trường bị thiếu hụt, đẩy giá lợn hơi và thịt lợn lên mức cao nhất lịch sử.

 

Đàn lợn đang dần được khôi phục nhưng việc tái đàn, tăng đàn còn chậm, giá lợn giống ở mức cao khiến các hộ có nguồn vốn hạn hẹp chưa thể khôi phục sản xuất, các hộ có đủ điều kiện lại thận trọng tái đàn do tâm lý lo ngại dịch quay trở lại.