Ông bố in ‘giấy like’ tặng hai công chúa không nhận được giấy khen (ảnh: Nhân vật chia sẻ).

 

 

Để con không áp lực chuyện không được giấy khen, anh Nguyễn Nam (nhân viên khu công nghiệp ở Bắc Ninh) đã nghĩ ra ý tưởng độc đáo, dân mạng lấy làm thích thú, phong tặng anh danh hiệu “ông bố của năm”.

 

Như lời chia sẻ từ “ông bố của năm”, lý do thôi thúc anh thực hiện ý tưởng độc đáo này xuất phát từ câu hỏi đáng yêu của cô con gái Ngọc Linh học lớp 1: “Bố mẹ ơi, năm nay con không được giấy khen, bố mẹ có buồn không?” Khá bất ngờ khi con gái lại biết nghĩ đến cảm xúc của cha mẹ, anh cũng hỏi: “Con có biết vì sao con không được giấy khen không?” Linh trả lời: “Hình như môn thể dục và thủ công, con làm không được tốt. Con gập cái ví không đẹp. Lớp có 17 bạn được giấy khen thôi, còn hơn 20 bạn không được”.

Dù được cả nhà động viên, an ủi không sao nhưng cô bé vẫn buồn, thỉnh thoảng lại nhắc đến chuyện giấy khen. Với mục đích động viên con không cần quá buồn và áp lực chuyện này, “ông bố của năm” đã sáng tạo ra “giấy like” vô cùng độc đáo, tổ chức thêm buổi bế giảng lần 2 tại nhà.

 

Sau đó anh Nam có đăng ảnh lên trang cá nhân nào ngờ nhận được hàng nghìn like. Nhiều người khen ông bố tâm lý và đồng loạt xin file để tặng con vì “cháu không được nên khóc và buồn ghê lắm”.

 

 

Liên hoan mừng hai con nhận được nhiều like. (Ảnh từ người bố chia sẻ).

 

 

“Mình tốn 10 phút để làm giấy khen rồi nhờ vợ in. Tối hôm ấy, nhà mình về quê và tổ chức tiệc nho nhỏ cho các cháu. Mình hơi hụt hẫng vì thấy cháu không thích giấy này lắm, có vẻ cháu vẫn thích giấy khen ở trường hơn. Nhưng cháu cũng vui vẻ, phấn khởi khi nhận được giấy của bố mẹ. Mình có hỏi bé nghĩ gì, cháu trả lời là Con thấy buồn cười”, anh kể với báo Tuổi Trẻ.

 

Giấy like của hai công chúa. (Ảnh từ người bố chia sẻ)

 

 

Nội dung tờ “giấy lkie” nhắn nhủ: “Bố mẹ ghi nhận sự nỗ lực của con gái Nguyễn Ngọc Linh đã rất cố gắng, tự giác học tập trong suốt một năm học vừa qua. Thắng cả Covid- đọc thông viết thạo- tính toán hơi bị nhanh. Bố mẹ yêu con”.

 

Không chỉ cô chị, cô em Ngọc Minh, đang học mẫu giáo cũng được bố mẹ trao bằng khen. Tương tự, “giấy like” cho cô em ghi nhận: “Đã rất cố gắng tự giác học tập trong suốt một năm học vừa qua. Thắng cả Covid-đi học đầy đủ- không khóc nhè. Bố mẹ yêu con”.

 

Gần đây cũng có một câu chuyện giấy khen khác, nhưng lại không mấy vui vẻ như vậy. Theo báo Gia Đình, những ngày qua, dư luận xôn xao tranh cãi quanh hình ảnh một nam học sinh ngồi lạc lõng giữa rừng giấy khen của các bạn, trong lễ tổng kết năm học.

 

 

Ảnh chia sẻ trên cộng đồng mạng

 

 

 

Nhiều người bày tỏ thái độ đồng cảm, an ủi động viên tinh thần em học sinh. Một số ý kiến cho rằng, ngành giáo dục nước nhà vẫn còn đó căn bệnh thành tích, em học sinh không có giấy khen kia có lẽ vì bố mẹ không tạo mối quan hệ với giáo viên…

 

Có lẽ, lời khen chê và chế giễu sẽ vẫn còn tiếp tục nhưng điều quan trọng nhất, ai cũng công nhận, giá trị đích thực của việc học tập không đến từ tấm giấy khen. Nhưng chỉ cần một câu khích lệ động viên đôi khi lại tạo ra bước ngoặt cuộc đời đối với ai đó.

 

Có một giai thoại được kể lại từ khoảnh khắc giáo viên tiểu học của Thomas Edison viết thư cho mẹ cậu bé. Sau khi đưa thư cho mẹ, Edison hỏi bà về nội dung, mắt bà nhòe lệ khi đọc cho con từng chữ một: “Con trai bà là một thiên tài. Trường học này quá bé và không có giáo viên đủ tốt để đào tạo nó. Xin hãy để nó tự dạy chính mình”.

 

 

Bước ngoặt giúp con thành thiên tài của mẹ Thomas Edison. (Nguồn ảnh: Wikipedia)

 

 

Rất nhiều năm sau, khi mẹ đã qua đời và Edison đã trở thành một trong những nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỷ, ông ngồi xem lại những vật dụng cũ trong gia đình. Đột nhiên, ông tìm thấy tờ giấy gấp lại trong góc ngăn kéo bàn. Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: “Con trai bà là một kẻ đần độn. Chúng tôi sẽ không để nó đến trường nữa”.

 

Edison đã khóc trong nhiều giờ liền, sau đó viết vào nhật ký: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ”.

 

Edison chính là nhà phát minh ra bóng đèn điện, được coi là một trong những nhà phát minh, nhà khoa học vĩ đại và giàu ý tưởng nhất trong lịch sử. Ông giữ 1.093 bằng sáng chế tại Hoa Kỳ dưới tên ông, cũng như các bằng sáng chế ở Anh Quốc, Pháp, và Đức (tổng cộng 1.500 bằng phát minh trên toàn thế giới).