(Theo  zingnews.vn)

 

 

Việc lặp lại các đám đông khi tổ chức tiêm vaccine cho thấy TP Hồ Chí Minh chưa tìm được giải pháp kỹ thuật để vừa triển khai hoạt động chống dịch, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm.

 

 

Tại cuộc họp báo với Sở Y tế TP.HCM trưa 25/6, phóng viên báo Zing đã đặt câu hỏi về việc thành phố sẽ có giải pháp kỹ thuật như thế nào để hạn chế đám đông không đảm bảo giãn cách khi tổ chức tiêm vaccine.

 

 

Giám đốc Sở Y tế, Nguyễn Tấn Bỉnh, thừa nhận công tác triển khai tiêm vaccine những ngày đầu có chuệch choạc. Còn Phó giám đốc Sở Thông Tin & Truyền Thông cho rằng TP HCM rất cần sự hợp tác của người dân trong việc triển khai tiêm vaccine.

 

 

 

Địa điểm tiêm vaccine quá tải.

 

Theo ghi nhận của Zing, việc tổ chức cho người dân đến tiêm vaccine Covid-19 tại nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP.HCM) đã xuất hiện nguy cơ lây lan dịch khi hàng nghìn người tập trung đông, không đảm bảo khoảng cách an toàn 1,5 m.

 

 

"Bên ngoài người dân đang chờ rất đông, yêu cầu phía bên trong tiêm nhanh lên", một cán bộ gọi lớn vào trong nhà thi đấu Phú Thọ. Tiếng gọi có phần mệt lả được phóng viên ghi nhận trưa 24/6.

 

 

Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm không đơn giản, bởi ùn tắc có thể xuất hiện ở cả 2 vị trí: Những người xếp hàng chờ vào tiêm vaccine và những người ngồi theo dõi sức khỏe 30 phút sau tiêm. Phóng viên chứng kiến nhiều người tiêm xong không có ghế, phải ngồi bệt xuống mặt sân của nhà thi đấu.

 

 

 

 

Đám đông ở nhà thi đấu Phú Thọ tăng nhanh và giải tán chậm do người dân còn phải ngồi theo dõi sức khỏe sau tiêm. Ảnh: Quỳnh Danh.

 

 

 

 

 

Bài toán gặp nhiều vẫn chưa có lời giải

Theo ghi nhận của Zing, việc tạo ra đám đông "bất đắc dĩ" khi triển khai chống dịch là một nghịch lý đã xuất hiện ở TP.HCM trong rất nhiều tình huống cụ thể.

 

 

Một tình huống được ghi nhận từ cuối tháng 4, khi sân bay Tân Sơn Nhất để hàng trăm hành khách ùn ứ trước cửa soi chiếu. Yêu cầu kiểm tra tờ khai y tế của từng hành khách đã khiến họ phải đứng san sát nhau giữa lúc nguy cơ dịch vẫn hiện hữu.

 

 

 

Thời điểm đó, PGS.TS. Trần Đắc Phu nhận định việc giữ khoảng cách ở sân bay còn quan trọng hơn khai báo y tế, bởi khai báo y tế chỉ có tác dụng truy vết hoặc sàng lọc những người có nguy cơ, còn giữ khoảng cách mới giúp ngăn ngừa khả năng lây nhiễm.

 

 

 

Khi dịch bệnh bùng lên ở quận Gò vấp cuối tháng 5, chốt chống dịch mọc lên ở các trục giao thông huyết mạch ra vào quận cũng tạo ra các đám đông đứng ngồi san sát trước hàng rào. Lực lượng chức năng quận Gò Vấp đã phải "xả chốt" rất nhiều lần vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm khi tập trung đông người.

 

 

 

Ngày 5/6, khi tác nghiệp tại điểm xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Trung tâm Văn hóa Gò Vấp, phóng viên tiếp tục chứng kiến cảnh người dân ùn ùn kéo đến lấy mẫu xét nghiệm vào lúc 17h. Họ đứng sát nhau trên vỉa hè, xe máy đỗ la liệt.

 

 

 

 

 

Hàng nghìn người dân xếp hàng chật kín ở tất cả lối vào nhà thi đấu Phú Thọ để chờ tiêm vaccine Covid-19 hôm 24/6. Ảnh: Quỳnh Danh.

 

 

 

 

 

Lo nhiễm bệnh khi chưa kịp tiêm vaccine.

 

Khi được hỏi về giải pháp kỹ thuật để hạn chế đông người, ví dụ việc tìm thêm các điểm tiêm vaccine có không gian rộng, ông Từ Lương cho biết thành phố hiện không có nhiều nơi như nhà thi đấu Phú Thọ để tổ chức tiêm vaccine.

 

 

 

 

Ông Từ Lương nhận định TP.HCM không có nhiều nhà thi đấu rộng để tổ chức tiêm Vaccine như nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Quỳnh Danh.

 

 

 

 

 

Ông Lương, Phó Giám Đốc Sở Truyền Thông & Thông tin,  cũng nhận định các đợt tiêm chủng từ nay đến cuối năm có thể sẽ không dồn dập 5 ngày như vừa qua, không bị tình trạng nghẽn tải.

 

 

 

ông Từ Lương nói: "Trong quá trình triển khai thực hiện thế nào cũng có chỗ này chỗ kia, không tránh được. Rút kinh nghiệm từ đợt tiêm chủng thứ 4 này, chúng ta sẽ có những đợt sau tốt hơn".

 

 

 

Trong khi TP.HCM tìm giải pháp từ kinh nghiệm của đợt tiêm chủng thứ 4 đang diễn ra, số lượng người đến nhà thi đấu Phú Thọ để chờ tiêm chưa giảm, nhiều khu vực trên khán đài người dân phải ngồi sát nhau không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1,5 mét.

 

 

"Nhìn thấy cảnh đông đúc thế này tôi rất lo lắng vì ngồi gần nhau quá, sợ chưa kịp chích vaccine Covid-19 đã bị nhiễm bệnh", anh Đặng Văn Thuận, nhân viên công ty điện lực (ở Bà Rịa - Vũng Tàu), chia sẻ với Zing khi anh ngồi chờ trên khán đài gần 3 giờ nhưng vẫn chưa được gọi tên.

 

 

 

 

Hình ảnh tại nhà thi đấu Phú Thọ sáng 25/6 và chiều 25/6. Ảnh: Quỳnh Danh và UBND quận 11.

 

 

 

 

 

Theo ghi nhận của Zing, từ sáng đến trưa 25/6, tình trạng đông đúc vẫn diễn ra tại nhà thi đấu Phú Thọ. Tuy nhiên, chiều cùng ngày, cổng vào của điểm tiêm này không còn tình trạng ùn ứ mà khá vắng vẻ.

                                                                                         

 

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 19/6 tính đến ngày 22/6, TP.HCM thực hiện tiêm 95,000 mũi, ngày 23/6 có 122,280. Đến ngày 24/6, với sự hỗ trợ tổng lực của Trung ương và thành phố, tổng số liều tiêm đã tăng lên 172,930 liều.

 

 

Tổng cộng trong ngày 22, 23 và 24/6, TP.HCM có 438,502 lượt người đến tiêm. Sau khám sàng lọc, có hơn 40,412 người tạm hoãn do nhiều nguyên nhân như cao huyết áp, tâm lý gây rối loạn và một số trường hợp khác sau khi bác sĩ sàng lọc.

 

 

 

Trong một bài báo khác đăng trong hôm nay, 26/06,  Zing đưa tin có đoạn:

 

 

TP.HCM ban đầu dự kiến mỗi điểm tiêm chỉ phục vụ 200 người/ngày để đảm bảo giãn cách. Tuy nhiên, một điểm tiêm công suất 8.000 người/ngày đã được bố trí ở nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11). Cách vận hành điểm tiêm đồng thời dấy lên lo ngại khi không thể đảm bảo được việc giãn cách phòng dịch. Đại diện chính quyền TP.HCM cho biết sáng 25/6, Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức đã đến nhà thi đấu này để đánh giá tình hình.

 

 

Ở góc nhìn của chuyên gia y tế, GS Hoàng Văn Lương nhận định việc bố trí điểm tiêm chủng quy mô lớn như nhà thi đấu Phú Thọ là có tính toán trong bối cảnh nhân sự có hạn và thời gian gấp rút.

 

 

Ông giải thích khi tập trung tại một điểm, lực lượng y tế có thể triển khai nhiều đội tiêm mà chỉ cần số lượng đội cấp cứu hạn chế.

 

 

Giáo Sư Lương nói: "Chia ra nhiều điểm tiêm chủng nhỏ có cái dở là chỗ nào cũng phải có đội cấp cứu. Thậm chí nếu chỉ có một tổ tiêm cũng phải duy trì một đội cấp cứu với xe cứu thương và 2, 3 bác sĩ, quá lãng phí người"

 

Ngày 24/6, Bộ Y tế hỗ trợ thành phố 200 bác sĩ tham gia khám sàng lọc, cấp cứu. Công suất tiêm vaccine cũng tăng vượt trội kể từ ngày này.

 

 

Thừa nhận những ngày đầu "chuệch choạc", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Nguyễn Tấn Bỉnh, khẳng định việc tiêm vaccine đang được đẩy nhanh và sẽ hoàn thành tiêm 800,000 liều trong ngày 26/6.

 

Ông Bỉnh cho rằng thành phố sẽ thực hiện được kỳ vọng đúng như dự kiến, sau khi có sự điều phối chặt chẽ, quản lý người đến tiêm theo khung giờ.

 

(Theo  zingnews.vn)