Hầu hết công nhân Việt Nam ở Đài Loan là do công ty môi giới đưa đi (Ảnh: datviet.com)

 

 

 

VIỆT NAM - Từ khi Đài Loan vào tháng 9/2022 tuyên bố sẽ thu hút 400.000 lao động nước ngoài vòng trong 10 năm tới để bù đắp cho dân số trong độ tuổi lao động đang bị thu hẹp vì tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi của nước này, số lượng người lao động Việt Nam được cho xuất cảng sang đảo quốc này ngày càng tăng.

 

Số liệu mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết chỉ trong 7 tháng đầu năm 2023, đã có 36.956 lao động Việt Nam sang Đài Loan làm việc, khiến hòn đảo trở thành thị trường lớn thứ nhì, chỉ sau Nhật Bản (41.139 người), tiếp nhận lao động Việt Nam.

 

Theo nhận xét của Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người đã nhiều năm làm công việc trợ giúp cho các công nhân Việt Nam tại Đài Loan, cho hay rằng, trái ngược với những con số tích cực trên, tình trạng lao động Việt Nam bị môi giới lừa đảo, “đem con bỏ chợ” ở Đài Loan vẫn đang là hiện tượng đáng lưu tâm.

 

Linh mục Nguyễn Văn Hùng cho biết tình trạng lao động Việt Nam buộc phải bỏ trốn khỏi công ty đăng ký để lao động trong tình trạng bất hợp pháp bên ngoài hiện rất phổ biến tại Đài Loan. Họ luôn phải đối diện trong tình trạng có thể bị cảnh sát truy bắt và trục xuất về Việt Nam bất cứ lúc nào.

 

Đơn cử như trường hợp một công nhân Việt Nam hồi tháng Sáu  đã bị cảnh sát Đài Loan truy đuổi vào tận trong nhà thờ, nơi Linh mục Nguyễn Văn Hùng đang cử hành thánh lễ, khiến ông phải tổ chức một cuộc tuần hành để bênh vực cho quyền của người lao động Việt Nam.

 

Ông khuyến nghị những ai muốn đăng ký đi “xuất khẩu lao động” nên tìm hiểu trước những thông tin về quyền lợi của người lao động tại thị trường lao động mà mình sắp đến.

 

Ngoài ra, việc tìm hiểu thông tin về công ty sẽ đến làm việc là một động tác vô cùng quan trọng mà người lao động nên làm.

 

Linh Mục Nguyễn Văn Hùng nói “Vì hiện nay có rất nhiều công ty phá sản nhưng họ không công bố ra ngoài. Họ vẫn đi xin Bộ Lao động Đài Loan cho phép họ nhận người. Mà Bộ Lao động Đài Loan đâu có gửi người đến các công ty để xem xét đâu, và họ cũng đâu có qua Bộ Kinh tế để biết được công ty này làm ăn có khá hay không. Họ cứ theo nguyên tắc, thủ tục để phê chuẩn thôi”.

 

Ông cho biết hồi tháng Sáu, có một nhóm 30 công nhân người Việt Nam đã đến nói với ông rằng họ chỉ mới sang Đài Loan được một tháng, nhưng đã bị công ty kêu lên thông báo họ sắp đóng cửa và yêu cầu các công nhân Việt Nam phải đổi chủ.

 

“Mà họ muốn đổi chủ thì bây giờ không có việc cho họ làm. Điều thứ hai là những người công nhân nước ngoài ở Đài Loan mà muốn đổi chủ thì công ty môi giới đòi trả ‘tiền mua việc’, mà ‘tiền mua việc’ này đắt lắm”, Linh mục Nguyễn Văn Hùng giải thích. Ông cho biết có nhiều môi giới đòi công nhân phải trả từ 2.000 -3.000 USD để ‘mua’ một công việc mới.

 

Nhiều công nhân Việt Nam không có khả năng trả khoản tiền này nên đã phải trốn ra ngoài đi làm trong tình trạng bất hợp pháp để kiếm tiền gửi về Việt Nam trả nợ.

 

Theo Linh mục Nguyễn Văn Hùng, người lao động Việt Nam có thể tìm hiểu thông tin về công ty tuyển dụng bằng cách nghiên cứu qua mạng internet hay liên hệ với các cộng đồng, tổ chức ở Đài Loan trước khi quyết định đóng tiền cho công ty môi giới.

 

Ông khuyến cáo thêm “Số tiền mà theo quy định của nhà nước Việt Nam để sang Đài Loan làm việc là chỉ tốn 4.000 USD thôi. Trên 4.000 USD thì đừng đi”.

 

Linh mục Nguyễn Văn Hùng cũng nhắc những người Việt muốn đi lao động ở Đài Loan nên cố gắng liên hệ trực tiếp với các công ty môi giới lớn, có uy tín tại Việt Nam để nộp đơn đi theo diện xuất khẩu lao động, không nên tin vào những lời quảng cáo hay ho của những người môi giới hay thông qua “cò” lao động tại các địa phương.

 

Vị linh mục cũng khuyến cáo người lao động cũng không nên trông chờ vào khả năng giúp đỡ của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam, một cơ quan đại diện cho chính phủ Việt Nam tại Đài Loan, khi bị môi giới lừa đảo.

(Theo datviet.com)