Người dân đứng chờ xét nghiệm để lấy "giấy thông hành". (Ảnh: NTDVN tổng hợp)
Không chỉ hộ kinh doanh cá thể hàng thực phẩm, tiêu dùng gặp khó, các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài TP HCM cũng đang chật vật khâu tổ chức sản xuất và lưu thông hàng hóa. Tất cả phụ thuộc vào 'giấy thông hành' tốn kém và rất nhiều trở ngại... Trong khi người dân hầu như chẳng nhận được bất kỳ hỗ trợ nào đáng kể do đóng cửa, giờ phải tốn kém thêm rất nhiều chi phí cho việc mưu sinh trong mùa dịch.
Chị Nguyễn Thị Hiếu Hạnh, ở TP.HCM làm việc tại TP. Dĩ An, Bình Dương (xét nghiệm tại bệnh viện TP. Thủ Đức) cho biết: “Để có giấy này, ngày hôm qua tôi phải nghỉ việc một buổi chiều để xếp hàng chờ đợi. Kết quả thì hẹn đến sáng hôm nay mới có, mà lại ghi ngày hôm trước (5/7). Trong khi tờ giấy chỉ sử dụng được có 3 ngày mà mất phí hết 440,000 đồng. Không biết một tháng sẽ phải tốn bao nhiêu tiền để ra vào Dĩ An, Bình Dương".
Quy định có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính là sẽ được vào địa phương nhưng điều này cũng không chắc chắn, khi mỗi nơi quy định mỗi kiểu. Anh Hà Văn Đại tài xế ở TP.HCM thường đi giao hàng các đến các tỉnh Tây Nguyên cho biết, hôm qua ngay sau khi đọc được thông tin bắt buộc phải có giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính mới được vào các tỉnh, anh đã chủ động đi làm xét nghiệm. Sáng nay anh Đại và nhiều tài xế khác đã chuẩn bị giấy “thông hành” nhưng vẫn không được qua chốt kiểm dịch của tỉnh Bình Dương – Bình Phước, phải quay xe ngược trở lại.
Theo anh Đại, lý do không được qua chốt mà lực lượng chức năng giải thích là do bệnh viện sử dụng dấu vuông của khoa khám bệnh đóng vào tờ kết quả xét nghiệm, còn địa phương thì yêu cầu dấu tròn.
Anh Đại bực tức nói “Khi có quy định phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19, tôi cũng chỉ biết đến bệnh viện TP. Thủ Đức để xét nghiệm. Nhưng bệnh viện lại đóng dấu vuông, khi đi đến chốt kiểm dịch Bình Phước với Bình Dương thì họ lại yêu cầu phải có dấu tròn của bệnh viện. Đi làm xét nghiệm tốn gần 450,000 đồng, chờ mất một ngày, trục trặc như hôm nay nữa chạy đi chạy về hết 2 ngày. Nào là tiền xăng dầu, tiền đóng 6 trạm thu phí cả đi và về, thiệt hại rất nhiều".
‘Giấy thông hành’ hay ‘giấy phép con’?.
Phải mất khá nhiều thời gian xếp hàng, ngồi chờ và tốn khoảng 300,000 – 500,000 đồng (tùy bệnh viện) người dân mới có được giấy xét nghiệm SARS-CoV-2, để qua các chốt kiểm dịch của các địa phương. Thế nhưng “giấy thông hành” chỉ có giá trị sử dụng trong vòng 3 ngày đối với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là 5 ngày và Đồng Nai là 7 ngày, tính từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Gọi là test nhanh Covid-19, nhưng nhiều bệnh viện phải mất một buổi mới trả kết quả. Trường hợp đến xét nghiệm buổi chiều thì sáng hôm sau người dân mới nhận được kết quả. Điều đáng nói, phiếu trả lời kết quả xét nghiệm lại ghi theo thời gian lấy mẫu, hiển nhiên “giấy thông hành” bị mất 1 ngày giá trị sử dụng, chỉ được dùng trong 2 ngày.
Theo khảo sát của VnExpress, nhiều doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM và các tỉnh lân cận có lưu thông nguyên vật liệu, thành phẩm với thành phố khá "chật vật" trong việc tổ chức logistics trong những ngày qua.
Nguyên nhân bởi hàng loạt địa phương yêu cầu người ra vào địa giới hành chính phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19, giới tài xế và doanh nghiệp hay gọi quen thuộc là "giấy thông hành".
Từ 5/7, Thành phố Dĩ An (Bình Dương) thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 nên người ra vào phải có "giấy thông hành". Cùng ngày, các chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở Đồng Nai bắt đầu kiểm tra giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 của người từ TP HCM và Bình Dương đi vào tỉnh.
Nhiều tỉnh Tây Nam Bộ cũng có lệnh tương tự. Ví dụ, Vĩnh Long đã quy định người đến tỉnh này từ vùng dịch phải có giấy xét nghiệm âm tính hiệu lực trong 72 giờ từ cuối tháng trước. Hay hôm 7/7, người đến Tiền Giang phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp Realtime RT-PCR không quá 3 ngày.
Ở đầu ra vào TP HCM, sáng 8/7, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tất cả người điều khiển, người phục vụ, hành khách trên phương tiện vận chuyển hành khách, hàng hóa khi từ TP HCM đi các tỉnh, thành phố khác hoặc từ tỉnh, thành phố khác đến TP HCM bắt buộc phải có giấy xét nghiệm âm tính với nCoV.
Doanh nghiệp ‘rên xiết’.
Một doanh nghiệp sản xuất ngành thiết bị điện yêu cầu giấu tên cho biết, vấn đề lớn nhất là ở việc các quy định thuộc Chỉ thị 16 (ra vào thành phố phải có giấy xét nghiệm trong bao nhiêu ngày, thủ tục ra sao, thời hạn có hiệu lực...) vẫn còn chưa thống nhất giữa các tỉnh thành lân cận và thường có sự thay đổi.
Trên mạng xã hội, rất nhiều ý kiến bức xúc với quy định mới này. Một người dùng cho biết: "Tôi là cán bộ cung ứng của bệnh viện. Đường từ TP HCM xuống chỗ tôi bình thường đi hết khoảng năm tiếng đồng hồ, nhưng giờ tài xế đi mất hai ngày cũng chưa tới. Chỗ tôi sử dụng một số dược phẩm cần bảo quản lạnh (từ 2-8 độ C, đóng trong thùng xốp và nước đá khô). Nay công ty dược phẩm báo rằng do đường bị tắc như vậy nên họ sẽ không giao hàng lạnh nữa vì khó bảo đảm tới tay bệnh viện còn đủ nhiệt độ quy định. Điều đó khiến chúng tôi khó khăn trăm bề".
Xét nghiệm nhanh dịch COVID-19 tại Hà Nội, ngày 1/8/2020 (Ảnh: MANAN VATSYAYANA/AFP via Getty Images)
Cùng chung khó khăn khi không thể cung ứng sản phẩm theo kế hoạch do vướng mắc, chậm trễ trong khâu kiểm tra "giấy thông hành", một người dùng khác nói: "Tôi làm bên công ty chuyên về chuỗi cung ứng hàng thực phẩm và thiết yếu. Từ tuần trước đến giờ, tôi và công ty tôi rất đau đầu về việc mỗi nơi ra quy định một kiểu, nơi thì cần giấy test Covid-19 có hiệu lực trong bảy ngày, nơi thì năm ngày, nơi lại ba ngày; nơi thì yêu cầu làm giấy cam kết, nơi thì phải đăng ký thông tin tài xế với Sở công thương... Đã vừa chạy sản xuất để không làm chuỗi cung ứng đứt đoạn, nay chúng tôi phải 'chạy' các giấy tờ kia, rất mệt mỏi".
Người lao động cơ cực.
Một blogger nổi tiếng trên mạng xã hội chia sẻ: “Một anh lái xe 4 chỗ chạy khách ở Đông Nam bộ nói với tôi, giờ muốn ra khỏi tỉnh anh phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Cái giấy đó có giá trị 3 ngày, chi phí xét nghiệm 300 ngàn. Nhưng từ nhà anh đến chỗ xét nghiệm của tỉnh cách một trăm mấy chục cây số, đi xe nhà mất khoảng 600 ngàn tiền xăng và chi phí. Cộng chi phí đi lại và làm xét nghiệm, anh mất 900 ngàn trong 3 ngày, bình quân mỗi ngày anh mất 300 ngàn. Thời buổi giãn cách này rất ít người đi lại, chi phí lại tăng cao, thu nhập của anh chưa bằng 1/10 so với trước. Tức là anh đang nghèo đi 10 lần. Một loạt các nghề khác cũng đang diễn ra tình trạng tương tự.
Tội nghiệp nhất là bà con lao động kiếm sống từng ngày ở Sài Gòn, ở nhiều đô thị khác cũng như bà con nông dân mà sản phẩm làm ra bị ách tắc không lưu thông được. Chính quyền TP. HCM quyết định trợ giúp cho bà con lao động thời vụ mỗi người 50 ngàn đồng/ngày chỉ như muối bỏ biển nhưng chưa biết bao giờ thì có.
Truyền thống lá lành đùm lá rách của đồng bào ta đang được phát huy cao độ nên tạm thời chưa có người chết đói. Những bữa cơm miễn phí đang được đồng bào ta giành cho những người cơ cực, nếu không có những bữa cơm miễn phí đó mà chờ 50 ngàn đồng/ngày của chính quyền đưa đến thì chắc đã có nhiều người Sài Gòn chết đói. Bà con lao động thời vụ, bà con bán vé số, bà con bán hàng rong, bà con buôn thúng bán mẹt, bà con làm công nhật trong các cơ sở dịch vụ … lấy gì ăn khi không thể đi làm ?
Thực hiện chống dịch với biện pháp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế) để chống lây nhiễm là cần thiết, nhưng thực hiện “chống dịch như chống giặc” với các biện pháp cực đoan vừa không hiệu quả vừa gây ra tình trạng bi thảm nói trên về kinh tế và đời sống. Mới nhất là việc áp dụng giấy xét nghiệm âm tính như một giấy thông hành vào các địa phương, chợ búa và một số nơi làm ăn sinh sống của người dân. Biện pháp này có tác dụng rất ít trong phòng chống dịch nhưng hậu quả sẽ là một thảm hoạ về kinh tế và đời sống.
Anh lái xe tôi nói ở trên tuy thu nhập bị giảm 1/10 nhưng vẫn có thể hoạt động được trong nội tỉnh, nhưng hàng chục ngàn người lao động cư trú ở TP.HCM và các tỉnh lân cận đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai và thành phố Dĩ An (Bình Dương) cứ 3 ngày phải có giấy xét nghiệm âm tính một lần (một số tỉnh khác cũng đang bắt đầu áp dụng). Chi phí xét nghiệm cho hàng chục ngàn người lao động này là cực lớn, nếu người lao động gánh chịu thì họ sẽ nghèo đi, nếu doanh nghiệp phải gánh chịu thì chi phí tăng mạnh lợi nhuận giảm mạnh.
Đáng chú ý nhất là bà con tiểu thương và tất cả những người lao động sinh sống dựa vào chợ đầu mối Bình Điền, một chợ đầu mối lớn nhất ở TPHCM, phải chen chúc đi làm xét nghiệm để lấy giấy xác nhận âm tính cứ 4 ngày 1 lần, nếu không có cái giấy này sẽ không được vào chợ. Tại đây dự kiến có 14 ngàn người phải làm xét nghiệm để lấy giấy thông hành vào chợ. Tập trung người đông như thế này (hình trên, VnExpress) vừa đẩy gánh nặng lên đầu người dân vừa đi ngược lại mục tiêu 5K, hoàn toàn phản tác dụng chống dịch.
Và điều lạ lùng là, trong bối cảnh thảm thương như trên thì, theo báo cáo, GDP 6 tháng đầu năm nay của cả nước tiếp tục tăng trưởng 5,64%, cao hơn nhiều so với tốc độ 1,82% của cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 57,8% dự toán năm và tăng 15,3% so với cùng kỳ. Hai quý tới, dù theo kịch bản nào thì nhà nước vẫn bảo đảm mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra cho cả năm, tức là nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
GDP như cách tính của nó, không phản ánh mức độ thịnh vượng của một đất nước. Những con số này chỉ có thể dùng để “điều hành vĩ mô” chứ không nói lên được bản chất thu nhập của doanh nghiệp cũng như của người dân. Sự nghèo đi 10 lần của anh lái xe, gánh nặng thêm 100 ngàn chi phí xét nghiệm mỗi ngày để lấy giấy thông hành của người lao động, sự đứt bữa của bà con lao động thời vụ ở TP.HCM không được GDP tính tới. Nhưng chi phí chống dịch, chi phí xét nghiệm sẽ được cộng vào tăng trưởng GDP. Cũng giống như lâu nay, cháy nhà không trừ đi GDP nhưng chi phí chữa cháy sẽ được cộng vào GDP. Phá rừng không trừ đi GDP, nhưng chi phí chống phá rừng thì được cộng vào GDP. Trộm cướp gây hại không được trừ vào GDP, nhưng chi phí chống trộm cướp được cộng vào GDP. Đại khái thế.
Còn trong khi người dân và doanh nghiệp đang nghèo đi mà thu ngân sách tăng thì chỉ có thể nói là lạm thu, không có cách giải thích khác.
Tóm lại, dựa vào những con số kinh tế đang tăng trưởng mà yên tâm với những quyết định cực đoan chống dịch bằng mọi giá là không hiểu gì về kinh tế, cũng không hiểu gì về dịch bệnh. Đáng buồn là có không ít nhà khoa học hiểu, cả kinh tế lẫn dịch bệnh, nhưng không dám nói vì ngại bị đám đông “ném đá” và ngại bị cấp trên và đồng nghiệp xa lánh. Các “bề trên” của dân, nên đến những nơi phát cơm miễn phí ở Sài Gòn hỏi những người đến lấy cơm, nếu không có những bữa cơm như thế này họ lấy gì để ăn ?
Giải pháp nào cho thời điểm hiện tại?
Mới đây, Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) vừa đưa ra kiến nghị không xét nghiệm PCR với lái xe ra vào vùng dịch để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp với Sở Giao thông Vận tải, Công Thương TP HCM.
Theo VLA, khi ra vào vùng dịch, tài xế được trang bị bảo hộ và chỉ ngồi trên cabin, không ra khỏi xe khi giao và nhận hàng. Đồng thời, tài xế thực hiện nghiêm theo văn bản 898 về hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế. Do đó, theo hiệp hội, rủi ro lây nhiễm từ lái xe ra cộng đồng là rất hiếm.
Trước mắt, doanh nghiệp kỳ vọng việc cấp giấy thông hành được thống nhất giữa TP HCM và các địa phương về thời hạn hiệu lực, quy trình thủ tục và mở rộng các điểm xét nghiệm để giải tỏa quá tải.
“Cân nhắc lợi ích so với chi phí là cách mà hầu hết mọi cá nhân phải tính khi đưa ra quyết định. Hầu hết các doanh nghiệp cũng phải làm như vậy nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh. Chỉ có trong chính quyền thì bất kỳ lợi ích nào, dù nhỏ đến đâu, cũng được coi là xứng đáng với bất kỳ chi phí nào, dù lớn đến đâu”. Lời đó của Thomas Sowell, nhà kinh tế và tư tưởng lớn nhất của nước Mỹ đang còn sống, nói về chính phủ Hoa Kỳ và mọi loại chính phủ khác trên thế giới. Thông điệp ông muốn đưa ra là, một chính quyền vì dân nên làm ngược lại, nghĩa là làm đúng như người dân vẫn làm.
(Theo ntdvn.com)