Hai người chết do ngạt khí dưới hang sâu ở Cao Bằng

VnExpress đưa tin sáng 1/7, bà Nông Thị Huyên, Phó chủ tịch xã Đoài Dương cho biết, lúc 8h ngày 30/6, ông Hứa Văn Háy, 44 tuổi, ở xã Đoài Dương dùng máy tuốt lúa để bơm nước từ hang Sa Đeng (cửa hang rộng 2m) lên bờ ruộng.

 

 

Ảnh chụp màn hình Thethaovanhoa

 

 

Đến 12h, thấy ông Háy xuống hang kiểm tra máy hơn 20 phút chưa lên, bà Nông Thị Thiên (vợ ông Háy) xuống tìm, sau 5 phút cũng không trở lại. Đang ở trên miệng hang, ông Hứa Văn Phùi xuống tìm, thấy bà Thiên có dấu hiệu khó thở.

 

Ông Phùi dìu bà Thiên lên đến cửa hang thì cả hai cùng ngất, được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Trùng Khánh. Sau đó, bốn người cùng xóm gồm Hứa Văn Thượng, Nông Văn Cán, Nông Văn Bình và Nông Văn Dụ cùng xuống hang cứu ông Háy.

 

Tuy nhiên, đi chừng được 30m thì anh Cán và Bình thấy khó thở nên quay lại. Hai người còn lại tiếp tục xuống đến vị trí của ông Háy thì một người ngất tại chỗ, một người quay ra đến cửa hang thì đổ gục.

 

 

Đến 16h30 cùng ngày, đội cứu hộ xã Đoài Dương tới hiện trường, do không đủ dụng cụ nên không thể xuống hang. Đến 20h, sau khi dùng bình dưỡng khí, họ xuống đến đáy hang, đưa thi thể anh Hứa Văn Háy và Nông Văn Dụ lên.

Theo Phó chủ tịch xã Đoài Dương, thời điểm xảy ra sự việc, trong hang nồng nặc mùi khí thải máy bơm, người gặp nạn đều do ngạt khí độc.

 

 

Đại dịch khiến số người mất việc làm ở Việt Nam tăng cao

Tính đến tháng 6 năm 2020, có đến 7,8 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc làm hoặc nghỉ việc luân phiên, giãn việc… vì đại dịch viêm phổi Trung Quốc.

 

Thông tin vừa nêu được ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động và Thương binh Xã hội cho biết hôm 29/6  trong Hội nghị “tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về lao động, việc làm cho doanh nghiệp”.

 

Ông Bình cũng cho biết cả nước có gần 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.

 

Người lao động mất việc do đã có 35.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, và có đến 75% số doanh nghiệp đăng ký phải thu hẹp quy mô lao động, chỉ trong quý I năm 2020, theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

 

Doanh nghiệp cho nhiều lao động nghỉ nhất là Công ty PouYuen Việt Nam dự kiến từ nay đến hết tháng 8 năm 2020 sẽ chấm dứt hợp đồng lao động 2.786 người; Công ty Dệt may Huê Phong sẽ cắt giảm hơn 2.000 lao động; Công ty gỗ Woodworth Wooden dự kiến cắt giảm hơn 2.000 lao động.

 

Tại Hội nghị, đại diện các Doanh nghiệp nói rằng họ đang tìm cách giữ chân lao động. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết khó tiếp cận và thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của chính phủ. Ví dụ như doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như không có doanh thu, bị cắt giảm 50% lao động.