Ông Nguyễn Ngọc Thủy còn được biết đến là một "cá mập" trong lĩnh vực đầu tư. (Ảnh: Shark Tank Việt Nam)
VIỆT NAM - Gần đây, truyền thông trong nước Việt Nam đồng loạt đưa tin ông chủ của tập đoàn giáo dục Apax English, ông Nguyễn Ngọc Thủy, bị Bộ Công an Việt Nam khởi tố vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ông Thủy nổi tiếng ở Việt Nam khi được đài truyền hình mời tham gia chương trình Shark Tank Vietnam.
Vay tiền cho giáo dục nhưng đổ vào BĐS đầu cơ
Ngày 26/3/2024, cơ quan cảnh sát điều tra của Việt Nam đã khởi tố bị can là ông Nguyễn Ngọc Thủy (hay còn gọi "Shark" Thủy). Biệt danh Shark Thủy được tung hô và nổi như cồn trên các kênh truyền thông dòng chính ở nước này (cùng với nhiều "Shark" khác hiện đang vướng nghi án hoặc các tai tiếng về đa cấp tiền ảo,...). Nổi danh trên truyền thông cũng là bàn đạp hiệu quả, tạo uy tín cho Shark Thủy huy động vốn để rót tiền vào lĩnh vực đầu cơ và sinh lời gia tốc là bất động sản (BĐS); cách làm này dẫn tới sự sụp đổ của cả mảng kinh doanh truyền thống về giao dục (gồm các trung tâm anh ngữ thương hiệu Apax English, mô hình nhà trẻ của Úc,...).
Ông Nguyễn Ngọc Thủy sinh năm 1982 tại Hà Nội. Theo truyền thông Việt Nam, ông này khởi nghiệp từ năm 2008, ở tuổi 27, với công ty Egame; một ứng dụng công nghệ vào giáo dục qua trò chơi có tên Chinh phục vũ môn. Đáng ngạc nhiên là một người trẻ với sản phẩm đầu tay đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Giai đoạn 2014 - 2017, với sự đồng hành của Bộ Giáo dục Việt Nam, Chinh phục vũ môn của Shark Thủy đã được tổ chức cho học sinh toàn quốc. Nhưng chương trình này nhanh chóng bị chỉ trích. Theo các phụ huynh và học sinh, phần mềm này kiếm tiền theo kiểu game nên không có nhiều giá trị trong việc đạt giải hay thành tích, theo phóng sự của Dân Trí.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Egroup tăng tốc trong các sản phẩm kinh doanh giáo dục. Nổi bật nhất là chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders. Trong thời "hoàng kim", mô hình này có đến hơn 200 cơ sở trên cả nước Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số mô hình giáo dục tiếng Anh khác của Egroup nở rộ trong thời gian này là Englishnow, eKidEnglish...
Năm 2018, Egroup tiếp tục cùng với đối tác Hàn Quốc đưa mô hình đào tạo năng lực tư duy CMS Edu Hàn Quốc về Việt Nam. Ngoài ra ông Thủy còn đầu tư và phát triển trường mầm non song ngữ STEAMe GARTEN và hợp tác cùng Firbank Grammar School (Úc) xây dựng mô hình trường liên cấp. Trong giai đoạn này, ông Thủy là nhà đầu tư tham gia chương trình truyền hình thực tế "Thương vụ bạc tỉ - Shark Tank" trong hai mùa 2018 và 2019.
Biệt danh "Shark" Thủy cũng bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, các thương vụ đầu tư trong Shark Tank của ông này hầu như không thành công. Như hầu hết các đại gia khác ở Việt Nam, Shark Thủy nhận thức được rằng mảng giáo dục không mang lại lãi ròng lớn; ông này đã chuyển sang bất động sản. Theo quảng bá của Tập đoàn Egroup thì đây là BĐS giáo dục!
Các dự án BĐS của Shark Thủy cho thấy không có mối liên hệ nào với cái mỹ danh "BĐS giáo dục" như Egroup hay Apax Holding tuyên bố. Ví dụ về một số dự án của Shark Thủy: (i) Tại Bắc Giang là 25 lô đất nền nằm ở các huyện Huê Vận, Tân Sơn, Đồi Gai, Nhã Nam và Thúy Cầu, đã có quyền sử dụng đất. Diện tích các lô đất này là từ 45 - 775 m2, tương ứng giá trị từ 680 triệu tới 2,1 tỷ VND; (ii) 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại Chương Mỹ, Hà Nội; (iii) bất động sản tại tỉnh Bình Phước với giá trị 200 - 300 triệu VND/nền hoặc 500 - 700 triệu VND/nền,... Đây đều là những dự án mà Shark Thủy tuyên bố dùng để gán nợ cho các chủ nợ của Egroup vào cuối năm 2023. Có thể thấy, những dự án manh mún này đều nằm ở tỉnh, hoặc đô thị vùng ven các tỉnh, và được xếp vào phân khúc dự án đầu cơ, hiện đang dư cung lớn trên thị trường BĐS Việt Nam.
Các dự án mang tính "BĐS giáo dục" khác mà Egroup quảng bá dường như mới chỉ là những dự án trên giấy như: dự án 7.000 m2 đất ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để xây dựng Trường liên cấp quốc tế Firbank Australia hay kế hoạch rót tiền vào dự án khu du lịch Hồng Quang Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhằm thí điểm triển khai dịch vụ trải nghiệm giáo dục chất lượng cao.
Huy động vốn rủi ro
Shark Thủy kêu gọi phụ huynh trả tiền trước cho lịch trình học tiếng Anh từ 1 năm tới 12 năm cho con. Ngoài ra, các hình thức huy động vốn vay ẩn dưới dạng trái phiếu doanh nghiệp (phát hành riêng lẻ), Hợp đồng góp vốn, hay Hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng đã giúp Shark Thủy huy động được hàng nghìn tỷ VND.
Theo Dân Việt, tính tới thời điểm ngày 31/12/2022, nợ phải trả của Apax Holdings là 3.076 tỷ VND, trong đó tổng vay và nợ thuê tài chính là 1.915 tỷ VND, trong đó vay ngắn hạn là 617 tỷ VND và vay nợ dài hạn là 1.298,4 tỷ VND. Tại phần thuyết minh cho thấy, tại thời điểm 30/9/2023, cổ phiếu Apax Holdings (IBC) có dư nợ trái phiếu ở mức 1.130,9 tỷ VND. Nhiều công ty con trong hệ sinh thái của Egroup đã trở thành công ty phát hành trái phiếu cho Shark Thủy; chủ yếu là trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Tại khoản mục Thuế và các khoản phải nộp hồi cuối năm 2022, số dư lên tới 166 tỷ VND. Ngoài ra còn có các khoản khác như: phải trả người bán 196 tỷ VND (nợ tiền thuê nhà,...), người mua trả tiền trước là 113 tỷ VND (là khoản nợ học phí của phụ huynh), phải trả người lao động (nợ lương giáo viên, nhân viên) gần 59 tỷ VND.
Chị H (45 tuổi) cho biết chỉ cách đây 3 năm, chị được mời tham gia hợp đồng góp vốn với một trong các công ty con trong hệ sinh thái của Egroup, thậm chí còn được mời tham gia vào đội cộng tác viên huy động vốn với hoa hồng 6% cho số tiền huy động được. Nhưng sau khi xem xét kỹ lưỡng, chị H đã từ chối. Chia sẻ với NTDVN, chị H nói: "Tôi tin rằng một tập đoàn giáo dục cần tìm các nhà đầu tư chuyên nghiệp về giáo dục. Công ty của Shark Thủy nếu thực sự làm tốt mảng giáo dục, họ có quá nhiều cơ hội cho việc này". Chị H nói tiếp: "Tôi đã đọc kỹ cái gọi là 'Hợp đồng góp vốn', nó đầy rẫy rủi ro cho người gửi gắm niềm tin vào Shark Thủy, nó không bảo vệ người góp vốn chút nào. Chưa kể, là 'Hợp đồng góp vốn' nhưng bản chất lại là nhận nợ lãi cao có kỳ hạn. Lãi ẩn dưới các khoản chi khác nữa".
Điều khiến chủ nợ tin tưởng và rót tiền cho Egroup là: danh tiếng của Shark Thủy, kết quả kinh doanh được quảng bá của Apax và tài sản đảm bảo từ BĐS (từ các dự án đầu cơ ở trên). Thực ra hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác kinh doanh như vậy rất phổ biến ở các công ty phát triển bất động sản Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Tái cấu trúc nợ và mô hình Ponzi tài chính BĐS
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi các con nợ như Shark Thủy và các công ty phát triển BĐS khác không thể trả nợ đúng hạn hoặc mất khả năng trả nợ, phương pháp "tái cấu trúc nợ" - cách gọi khác của phương án trả nợ - chính là gán BĐS lấy nợ; một cách buộc các chủ nợ của họ trở thành nhà đầu tư bất đắc dĩ vào những dự án BĐS xa xôi, không nhiều tiềm năng và tính thanh khoản thấp (do bị dư cung) trong thời kỳ này. Nhiều chủ nợ không muốn mất tiền sẽ được nhận tài sản đảm bảo nhưng họ còn phải trả thêm tiền cho con nợ là Shark Thủy để sở hữu.
Như vậy, các doanh nghiệp phát triển BĐS hay Shark Thủy đều không thiệt hại về tài chính hay bị tính là "trái pháp luật" trong trường hợp này. Nguyên nhân truy tố ông Thủy cũng không phải do phát hành trái phiếu hay do huy động vốn dưới dạng hợp đồng hợp tác kinh doanh, mà là do không giữ cam kết với phụ huynh trong việc cung ứng dịch vụ giáo dục. Các trung tâm Apax English phải đóng cửa trong đại dịch Covid-19 và không thể phục hồi sau đó trong khi Shark Thủy đã nhận tiền trả trước của phụ huynh với các cam kết cung ứng dịch vụ giáo dục dài hạn.
Nếu mô hình giáo dục của Shark Thủy chỉ đơn thuần là thu tiền học hàng tháng, thuê nhà, tổ chức đào tạo thì ngay cả có Covid cũng không thể dẫn tới sự sụp đổ. Suy cho cùng, mô hình kinh doanh giáo dục như của Apax English linh hoạt hơn nhiều trong việc đóng cửa hoặc mở cửa trở lại so với các hình thức kinh doanh khác trong ngành công nghiệp, dịch vụ. Rõ ràng, các khoản thu trước cả chục năm từ phụ huynh, các khoản huy động dễ dàng trên thị trường tài chính thiếu kiểm soát của Việt Nam để đổ vào đầu cơ BĐS mới là nguyên nhân dẫn tới sụp đổ cả "hệ sinh thái" của tập đoàn này và là nguyên nhân khiến ông Thủy bị khởi tố.
Khi thị trường BĐS đóng băng, các ông chủ công ty phát triển BĐS như Shark Thủy sẽ không thể bán BĐS để trả nợ, lúc này công ty của họ trở thành công ty xác sống (zombies - doanh nghiệp dựa vào vay nợ để tồn tại), mô hình kinh doanh của họ nhanh chóng trở thành mô hình lừa đảo tài chính Ponzi (dù mục đích ban đầu không phải thế); lấy tiền của người huy động từ chủ nợ sau trả cho chủ nợ trước. Cho tới khi không có nạn nhân nào tìm đến họ nữa, mô hình đó tự động sụp đổ.
Hiện tại, không có thống kê được công bố về các khoản huy động tài chính qua hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng vay vốn cá nhân của các doanh nghiệp phát triển BĐS ở Việt Nam. Mặc dù vậy, theo Bộ Tài chính Việt Nam, năm 2024 có khoảng xấp xỉ 330.000 tỷ VND trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đến hạn thanh toán; trong đó, TPDN BĐS chiếm tới 47%. Dự báo, một tỷ lệ lớn TPDN BĐS sẽ phải vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Điều này dễ hiểu khi thị trường không còn nhiều nạn nhân tham gia vào trò hơi huy động vốn đầy rủi ro và bất bình đẳng này.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Vietnam.
(ntdvn.net; Quang Nhật)