Ảnh ghép từ nguồn được trích dẫn trong bản tin.
Đức nêu trách nhiệm lên tiếng về vấn đề Biển Đông
Chúng tôi thấy cần có trách nhiệm phải lên tiếng về vấn đề Biển Đông vì là quốc gia thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Đó là trả lời của Đại sứ Đức tại Việt Nam, Tiến sĩ Guido Hildner, vào hôm 30/9 khi được báo giới hỏi về tuyên bố gần đây của Anh, Pháp, Đức trong vấn đề Biển Đông và công hàm mà 3 nước này gửi lên Liên Hiệp Quốc hồi giữa tháng 9 phản bác yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu trên của Đại sứ Đức Guido Hildner đưa ra trong cuộc họp báo tại Hà Nội vào cùng ngày.
Đại sứ Đức còn khẳng định rằng quan điểm của 3 nước Anh, Pháp và Đức về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và không thay đổi. Theo Đại sứ Đức tại Việt Nam thì UNCLOS là kim chỉ nam để giải quyết các vấn đề trên biển vì công ước này có đầy đủ nội dung, bao trùm và hoàn thiện mọi vấn đề từ chủ quyền biển đảo đến việc giải thích các thuật ngữ được sử dụng và cách giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh.
Ông Guido Hildner nêu lý do vì sao 3 nước Anh, Pháp và Đức ra tuyên bố về Biển Đông vào thời điểm này: trước hết vì tất cả những gì liên quan đến an ninh, tự do hàng hải và hàng không đều liên quan đến quyền lợi của Liên minh Châu Âu (EU); việc lên tiếng nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình và các nước khác là thành viên trong UNCLOS 1982.
Phía Đức đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong định hình trật tự thế giới của thế kỷ 21 (ảnh: Đại sứ quán Đức).
Tân Thủ tướng Nhật Bản muốn đến thăm Việt Nam vào tháng 10
Theo tờ Nikkei, Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đang cân nhắc tới thăm Việt Nam vào giữa tháng 10 trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức hồi đầu tháng 9. Ngoài Việt Nam, ông Suga cũng dự tính tới thăm Indonesia.
Đây sẽ là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi nhậm chức.
Theo truyền thông Nhật Bản, ông Suga sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc liệu có thực hiện chuyến công du này hay không sau khi đánh giá tình hình dịch Covid-19 tại hai quốc gia Đông Nam Á nói trên, nơi dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả hơn so với những quốc gia ở Mỹ và châu Âu.
Nếu đến Việt Nam, ông Suga sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trao đổi việc nối lại việc đi lại và kinh doanh giữa hai nước.
Ngoài ra, ông Suga cũng muốn phối hợp các nỗ lực với Việt Nam và Indonesia liên quan đến vấn đề Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng kinh tế và quân sự Mỹ – Trung tiếp tục nóng lên. Các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cảnh báo rằng tranh chấp có thể leo thang thành xung đột cục bộ.
Nhật Bản nhiều khả sẽ cố gắng kêu gọi các đối tác ASEAN đảm bảo ổn định khu vực trong nỗ lực kiềm chế tham vọng thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc.
Tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (ảnh: Reuters/File Photo).
Việt Nam thiếu hơn 45.000 giáo viên mầm non
Các địa phương tại Việt Nam hiện vẫn thiếu hơn 45 ngàn giáo viên mầm non dù đã được bổ sung hơn 20 ngàn giáo viên mầm non vào biên chế trong năm học 2019-2020.
Thông tin trên được Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh cho biết tại Hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 được báo Tổ quốc đăng tải hôm 30/9.
Theo ông Minh, trên toàn lãnh thổ Việt Nam có hơn 15.000 trường mầm non nhưng có gần 24.000 điểm trường lẻ (nhóm lớp tư thục). Những địa bàn có khu công nghiệp hệ thống trường mầm non chỉ đáp ứng 44,4% nhu cầu, số còn lại phải gửi vào các nhóm lớp tư thục.
(Theo dkn.tv)