DV xin trích đăng bài viết “SỤT LÚN, SẠT LỞ: VIỆN ĐỊA CHẤT GIẢI THÍCH NHƯ TRẺ CON” của thầy giáo Chu Mộng Long, hiện đang sống và làm việc tại Việt nam. Bài viết này được thầy Chu Mộng Long viết và đăng trên trang mạng facebook cá nhân của Thầy tại : https://www.facebook.com/Chumonglong

 

 

 

SỤT LÚN, SẠT LỞ: VIỆN ĐỊA CHẤT GIẢI THÍCH NHƯ TRẺ CON

 

VTV phỏng vấn các chuyên gia thuộc Viện Địa chất Việt Nam về hiện tượng sạt lở vừa qua ở Quảng Nam. Các chuyên gia đều giải thích: mưa to, lớp đất trên bề mặt nặng hơn, với độ dốc của núi đồi, lớp đất đó sẽ đổ ập xuống.

 

 

Giải thích như vậy mà cũng học đến giáo sư tiến sĩ!

 

 

Tôi xem hình ảnh trên VTV, nơi sạt lở là nơi trồng toàn bạch đàn. Rễ cây bạch đàn chỉ bám trên bề mặt. Theo lời người dân, mưa mới chỉ có một ngày chứ không phải dài ngày. Tôi khẳng định, chính rừng cây bạch đàn đã làm cho lớp đất trên bề mặt núi đồi bị oằn nặng và trượt nhào xuống. Nó giống như trò chơi cầu tuột của trẻ em vậy!

 

 

VTV dựa vào lời của các chuyên gia mà cảnh báo: nguy cơ sạt lở sẽ còn tiếp tục, cần di dời dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Đó là biện pháp mà các chuyên gia và VTV cho là “lâu dài và bền vững”. Khốn khổ cho dân tôi!

 

 

Hàng ngàn năm người đồng bào thiểu số sống ở các triền núi, sao không có chuyện sạt lở đồng loạt như vậy? Là bởi rừng núi xưa kia đa dạng sinh thái, có cây cổ thụ, có lớp thực bì bao phủ. Rễ cây bám chặt vào từng lớp đất, các lớp địa chất gắn kết với nhau rất chặt chẽ. Người dân tộc thiểu số sống bám vào rừng, rừng thành nơi che chở cho con người chứ không phải là thảm họa.

 

 

Bây giờ thì hãy hình dung sâu hơn.

 

Trước khi có sạt lở thì thường đã xảy ra rạn nứt và sụt lún. Rạn nứt và sụt lún là do lòng đất bị rỗng. Lớp vỏ bọc trên bề mặt trái đất bị bong vỡ và chỉ cần một cơn mưa thôi đã có thể đổ sập. Rạn nứt, sụt lún hiển nhiên là do các mạch ngầm đã hoàn toàn bị khô kiệt. Có thể hình dung khi các mạch ngầm khô kiệt ắt tạo ra những địa đạo khổng lồ. Ngày xưa, ở vùng núi và trung du, chỉ cần đào giếng vài mét là mạch nước trào ra. Chính rừng cây đã duy trì các mạch ngầm đó. Ngày nay đến mùa nắng, các giếng đào khoan đến cả trăm mét cũng không thấy nước đâu. Không nghi ngờ gì, chính rừng cây bạch đàn đã hút nước đến cạn kiệt. Loài cây này giết chết luôn cả lớp thực bì bao phủ trên bề mặt, hủy hoại môi sinh. Đó là lý do, các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… không trồng bạch đàn trên đất nước họ mà thuê rừng Việt Nam để trồng.

 

 

Trong cách nhìn phong thủy xưa, rừng núi linh thiêng vì chính nó tạo ra các long mạch. Phá rừng cũng đồng nghĩa với cắt đứt các long mạch. Xem ra, ngày nay không cần thái thú Cao Biền trảm núi, chặt đứt long mạch nữa, người ta chỉ cần bỏ ra một số tiền thuê rừng trồng bạch đàn là linh khí cạn kiệt!

 

 

Thật đấy! Các chuyên gia địa chất và VTV “định hướng tuyên truyền” về thiên tai mà không nói đến nhân tai thì khác nào cổ vũ phá rừng và tàn hại môi sinh? Đến lúc cần quy hoạch việc trồng cây nguyên liệu, không để phá rừng nguyên sinh, trồng bạch đàn bừa bãi từ Nam chí Bắc nữa thì mới là biện pháp bền vững để phục sinh đất nước và ổn định đời sống của muôn dân.

Chu Mộng Long