Bốn nhà máy của Samsung ở Việt Nam đạt tổng doanh thu hơn 61 tỷ USD trong năm 2023 (Ảnh: BBC Việt ngữ, Getty Images)
VIỆT NAM - Trong khi dòng vốn đầu tư từ Nam Hàn vào Việt Nam đang chững lại do nhiều thách thức, vốn đầu tư từ Trung Quốc và Hong Kong lại có sự gia tăng mạnh mẽ.
Năm 2023, Trung Quốc và Hong Kong vượt mặt Nam Hàn về tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, theo số liệu công bố trên trang web của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Hong Kong (với ngoại lệ vào năm 2019) và Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn Nam Hàn kể từ năm 2014. Số liệu trước năm 2014 không được công bố trên trang của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Việt Nam hiện được coi là một trung tâm sản xuất chế tạo ở khu vực Đông Nam Á và có lượng vốn FDI lũy kế vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn FDI đạt 257,2 tỷ USD, chiếm 72,52% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.
Tính từ khi Việt Nam bắt đầu thu hút FDI vào năm 1988 tới cuối năm 2023, Nam Hàn đứng đầu khi xét về tổng số tiền đầu tư vào Việt Nam với khoảng 85,8 tỷ USD, vượt qua Singapore và Nhật Bản.
Nam Hàn là đối tác đầu tư lâu năm của Việt Nam (Ảnh: BBC Việt Ngữ)
Tương tự, các công ty Nam Hàn như Samsung Electronics và LG từ lâu đã dần đầu trong đầu tư vào Việt Nam, phần nào biến Việt nam thành một trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hồi tháng 6/2023, tập đoàn LG đầu tư thêm 1 tỷ USD cho nhà máy LG Innotek ở Hải Phòng cho giai đoạn 2023 – 2025, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên 2 tỷ USD.
Samsung Electronics là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2023, xếp trên cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, theo Vietnam Report.
Năm 2023, tổng doanh thu của Samsung Electronics từ bốn nhà máy ở Việt Nam đạt khoảng 61,06 tỷ USD, tương đương khoảng 14% GDP Việt Nam cùng năm.
Tuy nhiên, tính cả năm 2023, Nam Hàn chỉ đứng thứ tư về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, xếp sau Singapore, Hong Kong và Trung Quốc.
Tổng cộng, Singapore đầu tư 6,8 tỷ USD, Hong Kong hơn 4,6 tỷ USD, Trung Quốc hơn 4,4 tỷ USD và Nam Hàn hơn 4,4 tỷ USD.
Số vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hong Kong gộp lại đạt hơn 9 tỷ USD, trở thành đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023.
So với năm 2022, FDI từ Trung Quốc tăng hơn 77%, từ Hong Kong tăng hơn 110%.
Vốn đầu tư vào Việt Nam của Trung Quốc và Hong Kong tăng mạnh trong năm 2023 (Ảnh: BBC Việt Ngữ)
Nam Hàn cạnh tranh với Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Nam Hàn đang cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
“Nhiều công ty Nam Hàn gặp khó khăn trong việc mở rộng đầu tư ở Việt Nam do chi phí lao động tăng cao, đặc biệt là khi các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang gia tăng sự hiện diện tại đây,” ông Kim Hyong-mo, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Nam Hàn tại Việt Nam, trả lời phỏng vấn Nikkei Asia tại Hà Nội.
Theo chế độ tăng lương mới, từ ngày 1/7/2024, lương tối thiểu vùng của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp sẽ tăng tối thiểu 6%.
Cũng theo chế độ này, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các doanh nghiệp dự kiến sẽ được tăng khoảng 30%.
Việc tăng lương này sẽ khiến chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng.
Vào tháng 12/2023, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”. Do đó, ông Kim đánh giá rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng có những động thái có lợi cho Trung Quốc nhằm củng cố thêm quan hệ hai nước.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước cuối năm ngoái của ông Tập Cận Bình đến Hà Nội, Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”. Có đánh giá rằng Việt Nam sẽ sẵn sàng có những động thái có lợi cho Trung Quốc nhằm củng cố thêm quan hệ hai nước. (Ảnh: BBC Việt ngữ , Getty Images)
Trong năm 2023, Trung Quốc và Hong Kong tổng cộng đầu tư vào 1.022 dự án ở Việt Nam.
Đáng chú ý, tháng 12/2023, tỉnh Hải Dương thu hút thêm được hai dự án của doanh nghiệp Trung Quốc, tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Nghệ An cũng là địa phương được các nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn với hàng loạt dự án trị giá hàng trăm triệu đô la.
Về phía ông Kim, ông đánh giá rằng việc đầu tư vào Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do những thiếu hụt “đáng kể” về hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hạ tầng điện.
Trong Diễn đàn Kinh tế Xã hội năm 2023 hồi tháng 9/2023, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nhắc tới vấn đề tương tự.
“Ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng có thể kể đến như sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc Việt Nam trong tháng 5 và tháng 6/2023, gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp,” ông Tuấn phát biểu tại diễn đàn.
Theo loạt báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI trong nhiều năm, cơ sở hạ tầng không phải là một lợi thế của Việt Nam khi so sánh với các quốc gia cạnh tranh khác.
Theo một bài viết trên Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội Việt Nam vào tháng 11/2023, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện trên 140 nền kinh tế.
Nhìn chung, kết quả này kém hơn khi so sánh với những thị trường sản xuất lớn khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hoặc Thái Lan, bài viết này cho hay.
Từ nội bộ Việt Nam
Doanh nghiệp nước ngoài đóng một vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam (Ảnh: BBC Việt ngữ, Getty Images)
Trong một sự kiện khác liên quan tới vấn đề nhân công, Reuters từng đưa tin vào tháng Hai rằng Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do thành lập công đoàn trong năm 2024, với mục đích giảm thiểu rủi ro xảy ra tranh chấp thương mại.
Việc thúc đẩy công đoàn độc lập là phù hợp với cam kết quốc tế. Tuy nhiên, Reuters đánh giá động thái này có thể khiến các doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy bất an, khó chịu.
Bài viết cũng viện dẫn cảnh báo của ông Nguyễn Hùng, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại Đại học RMIT Việt Nam. Ông Hùng cho rằng việc phê chuẩn công ước 87 có thể ảnh hưởng đến FDI, bao gồm cả từ Samsung.
Theo một nhà ngoại giao ở Hà Nội, các quan chức Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam cho biết việc phê chuẩn công ước dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10/2024. Các nhà ngoại giao khác đã xác nhận kế hoạch phê chuẩn trong năm nay.
Tuy nhiên, theo Chỉ thị 24-CT/TW của Bộ Chính trị Việt Nam, Việt Nam chỉ "thí điểm" thành lập một số công đoàn trong các doanh nghiệp và tiếp tục xây dựng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - tổ chức công đoàn cấp quốc gia duy nhất tồn tại ở nước này – "vững mạnh". Điều đó cho thấy công đoàn độc lập vẫn là một viễn cảnh chưa rõ ràng.
Chỉ thị trên được đóng dấu “mật”, tức không ai bên ngoài tầng lớp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam được tiếp cận. Tuy nhiên, Dự án 88 (một tổ chức phi chính phủ quốc tế về vận động nhân quyền cho Việt Nam) đã tiết lộ thông tin trong tài liệu này ra ngoài.
Hiện tại, không rõ liệu Việt Nam có phê chuẩn Công ước 87 vào tháng 10 tới hay không, nhưng sự không chắc chắn từ những nguồn thông tin trái chiều có thể sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài chần chừ.
Công đoàn là tổ chức chịu sự quản lý của Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh: BBC Việt ngữ , Getty Images)
Nói về những khó khăn khi đầu tư vào Việt Nam trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia, ông Kim Hyong-mo cũng đề cập tới sự “trì trệ từ cơ cấu trong việc đưa ra các quyết định chính sách”.
Mới đây, việc miễn nhiệm chức vụ chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng làm dấy lên nhiều nghi ngại về sự ổn định chính trị ở Việt Nam.
Một cố vấn cho các doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam cho rằng sự kiện này có thể khiến các quyết định chính sách và hành chính càng trễ nải, khi mà các quan chức phụ trách cứ canh cánh nỗi lo liên quan đến diễn biến của chiến dịch chống tham nhũng.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá rằng bộ máy quan liêu cồng kềnh ở Việt Nam cũng sẽ do các biến động chính trị mà ngày càng trở nên trì trệ.
Một yếu tố khác có thể tác động tiêu cực tới xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài là việc Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia lớn từ năm 2024.
Trong cuộc đàm phán với chính phủ Việt Nam về sắc thuế này, nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đã nói rằng họ có thể dừng các kế hoạch đầu tư mới vào Việt Nam do không được trợ cấp để bù đắp cho khoản thuế bổ sung mới.
Đầu năm 2023, chính quyền [Việt Nam] từng cam kết sẽ có các khoản trợ cấp mới, nhưng hiện vẫn chưa thực sự cung cấp bất kỳ khoản nào.
Liên quan tới sắc thuế nói trên, ông Kim đánh giá với Nikkei Asia rằng:
“Động thái này có thể làm mất đi những lợi thế trong luật thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam và ảnh hưởng tới các quyết định đầu tư trong tương lai. Các doanh nghiệp có thể ngần ngại đầu tư vào Việt Nam trừ khi các biện pháp trợ cấp nhằm thay thế các ưu đãi thuế doanh nghiệp truyền thống được công bố kịp thời.”
(Theo BBC Việt Ngữ)
(Chú thích của DanViet: Ở Việt Nam hiện nay, người ta sử dụng từ “Hàn Quốc” thay cho từ “Nam Hàn”)