Ảnh ghép từ nguồn được trích dẫn trong bản tin.
Lộ quốc tịch Síp, ông Phạm Phú Quốc xin thôi đại biểu Quốc hội
Liên quan đến vụ đại biểu Quốc hội TP.HCM Phạm Phú Quốc có quốc tịch Síp. Báo Dân Trí đưa tin, chiều 1/9 chính quyền thành phố đã họp báo, cho biết ông Quốc đã nộp đơn xin thôi việc, thôi làm đại biểu Quốc hội.
Người phát ngôn của chính quyền thành phố – ông Hà Phước Thắng nói rằng năm 2018 ông Phạm Phú Quốc có quốc tịch thứ 2 mà không khai báo là không gương mẫu, trung thực.
Ngày 25/8, ông Quốc có đơn xin thôi việc (Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận – doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) và thôi đại biểu Quốc hội. Ngày 27/8, ông Quốc có đơn giải trình gửi tới cơ quan chức năng.
Theo ông Thắng, trong tuần này, các cơ quan của thành phố sẽ có báo cáo cơ quan thẩm quyền để bãi miễn đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc. Đồng thời sẽ có quyết định đình chỉ Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận với ông Quốc.
Đại biểu Phạm Phú Quốc (ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội).
Chiếm đoạt tiền của bệnh nhân tại bệnh viện Bạch Mai, 3 cán bộ bị khởi tố
Bộ công an Việt Nam vừa có quyết định khởi tố vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai, Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS, và các đơn vị có liên quan, theo Vietnamnet.
Bộ này cũng ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Đức Tuấn (sinh năm 1979, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty BMS) và Ngô Thị Thu Huyền (sinh năm 1983, Phó Giám đốc Công ty BMS).
Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Lê Hoàng, sinh năm 1978, Thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (Công ty VFS).
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy một số cá nhân tại công ty BMS, Công ty VFS có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Khởi tố kế toán trưởng Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội
Báo VnExpress dẫn tin từ Bộ Công Việt Nam cho biết, hôm 1/9 Bộ này có quyết định khởi tố, khám xét, cấm đi khỏi nơi cư trú với Hoàng Kim Thư (33 tuổi) ở Hà Nội, về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị can Hoàng Kim Thư bị xác định có vai trò đồng phạm với giám đốc Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cùng một số người khác thực hiện hành vi sai phạm, nhằm nâng giá máy xét nghiệm virus Vũ Hán cao hơn nhiều lần giá thực tế.
Đây là diễn biến mới nhất trong quá trình mở rộng điều tra vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung Tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thuộc Sở Y tế Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.
Trước đó, hôm 22/4, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố bắt giam 7 bị can cùng tội danh trên
Bị can Hoàng Kim Thư tại cơ quan điều tra (ảnh: Bộ Công an).
Hiệp định Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ hết hiệu lực
Hiệp định Hợp tác nghề cá trong vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc hết hiệu lực từ 30/6, ngư dân Việt trở lại bám biển, sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam.
Thông tin trên được Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cung cấp trong thông tin báo chí định kỳ tháng 8/2020, theo Tuổi trẻ.
Hiệp định Hợp tác nghề cá ở vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (Hiệp định) được ký kết ngày 25/12/2000, có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004 đến ngày 30/6/2019.
Năm 2019, được sự đồng ý của chính phủ hai nước, Hiệp định được gia hạn hiệu lực thêm một năm đến ngày 30/6/2020.
(Theo dkn.tv)