Đà Nẵng dành giải thưởng "Thành phố bền vững về môi trường" của các nước ASEAN năm 2011. (Ảnh: Pixabay)

 

 

 

 

 

 

Với tổng kinh phí ước tính hơn 15.000 tỉ đồng, Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” đặt ra lộ trình đến năm 2030 xây dựng thành phố theo hướng đô thị sinh thái; tạo ra sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, du khách, các nhà đầu tư…

 

 

Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030 vừa được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt trong tháng 4/2021.

 

 

Đề án có tổng kinh phí ước tính 15.546 tỉ đồng (trong đó, vốn ngân sách là 5.436 tỉ đồng, vốn ODA là 3.200 tỉ đồng, vốn xã hội hoá là 6.910 tỉ đồng). Đề án đưa ra 31 tiêu chí hướng tới mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường đang có.

 

 

Theo đề án, đến năm 2025, TP Đà Nẵng đặt ra mục tiêu giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm, kiểm soát tốt chất lượng môi trường; đến năm 2030, thiết lập được hệ thống quản lý môi trường theo hướng đô thị sinh thái, tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố.

 

 

Theo đó, các mục tiêu môi trường sẽ được thực hiện đồng bộ ở 4 nhóm thành phần trọng tâm là:

 

-Phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm;

-Cải thiện môi trường, giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm;

-Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

-Tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

 

 

 

Đến năm 2030, thành phố đặt ra mục tiêu có ít nhất 3 khu công nghiệp sinh thái; 25% xe buýt công cộng chạy bằng động cơ điện trên tổng số xe buýt đang hoạt động tại địa phương; 100% dân số được cung cấp nước sạch; tỉ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn 95%; các điểm nóng ô nhiễm môi trường được cải tạo; các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý…

 

 

Thành phố cũng đưa ra các tiêu chí bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, với mục tiêu giữ vững và khuyến khích việc gia tăng tỉ lệ che phủ rừng, bảo đảm duy trì diện tích đất được bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học; diện tích đất cây xanh công cộng bình quân đầu người ở khu vực nội đô là 9m2.

 

 

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết sẽ huy động các nguồn lực trong xã hội kết hợp với tăng chi ngân sách; áp dụng hiệu quả nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả chi phí xử lý và bồi thường thiệt hại; người hưởng lợi từ các giá trị do công tác xử lý, duy trì bảo vệ môi trường phải trả phí tương xứng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và người dân trong bảo vệ môi trường.

(Theo ntdvn)