Ảnh minh họa: Một tàu chở container tại cảng Sài Gòn, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh chụp ngày 3/5/2020. AP - Hau Din

 

 

 

VIỆT NAM - Theo hãng tin Reuters vào ngày 22/04/2025, bộ Công Thương Việt Nam vừa ban hành chỉ thị ngăn chận tình trạng chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp sang Hoa Kỳ và các đối tác thương mại khác để tránh mức quan thuế cao của Hoa Kỳ.

 

Theo chỉ thị đề ngày 15/04 mà Reuters tham khảo được, bộ Công Thương Việt Nam dự báo gian lận thương mại có khả năng gia tăng trong bối cảnh căng thẳng ngày càng tăng do chính sách quan thuế của Hoa Kỳ. Tình trạng này sẽ khiến việc tránh các lệnh trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập cảng trở nên « phức tạp hơn » nếu gian lận không được ngăn chặn. 

 

Theo chỉ thị này, các quan chức của Bộ Công Thương, Hải quan và các cơ quan khác được yêu cầu tăng cường giám sát và kiểm tra hàng hóa nhập cảng để xác định nguồn gốc của chúng, « đặc biệt là nguyên liệu thô nhập cảng dùng để sản xuất và xuất cảng ».

 

Hiện nay gần 40% hàng nhập cảng của Việt Nam là từ Trung Quốc và Washington đã công khai cáo buộc Bắc Kinh sử dụng Việt Nam làm trung tâm chuyển tải để tránh thuế của Hoa Kỳ. Cụ thể, hàng hóa xuất cảng từ Trung Quốc bị cáo buộc được đưa sang Việt Nam để thay đổi giấy chứng nhận xuất xứ trước khi được xuất cảng vào Hoa Kỳ, và như vậy có thể được hưởng mức quan thuế thấp hơn so với hàng được dán nhãn là sản phẩm của Trung Quốc. Các thủ tục mới nghiêm ngặt hơn sẽ được khai triển để kiểm tra các nhà máy và giám sát việc cấp nhãn « Made in Vietnam ».

 

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam, ngày 22/04, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính cũng đã chỉ thị cho các quan chức phải nỗ lực chống gian lận thương mại, hàng giả và giải quyết các vấn đề khác mà Hoa Kỳ quan tâm vào lúc Hà Nội chuẩn bị bắt đầu đàm phán với Washington về quan thuế.

 

Theo Reuters, việc chính quyền Trump áp mức quan thuế « đối xứng » lên đến 46% đối với (tạm hoãn áp dụng cho đến tháng Bảy) có thể làm suy yếu nghiêm trọng mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào xuất cảng sang Hoa Kỳ và các khoản đầu tư lớn của các hãng sản xuất nước ngoài. 

 

 

(Theo RFI)