Suốt 5 ngày qua, chị Chung đã đến trước cổng nhà ông Đức để đòi lại số tiền 682 triệu đồng - ảnh: Pháp luật và Bạn đọc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Sáng nay không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, đã có 114 bệnh nhân âm tính từ 1-3 lần

 

 

6h ngày 21/8, Bộ Y tế thông báo không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới, tổng số bệnh nhân cả nước hiện vẫn là 1.007, trong đó có 666 lây nhiễm trong nước, đặc biệt từ nay 25/7 đến nay ghi nhận 525 ca bệnh.

 

Trong số 1.007 bệnh nhân, đã có 542 bệnh nhân được điều trị khỏi, và hiện còn 114 người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 từ 1-3 lần, sẽ được ra viện trong thời gian sớm tới đây.

 

 

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là 100.569, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 1.818; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 31.333; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 67.418.

 

 

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ tính đến 6 giờ sáng 21/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận trên 239.000 ca bệnh COVID-19, trong đó trên 5.600 ca đã tử vong. 

 

 

 

 

Bộ Y tế: ‘Ổ dịch ở Hải Dương cơ bản được kiểm soát’

VNE đưa tin, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 vào chiều 20/8, đại diện Bộ Y tế cho biết đến nay ổ dịch ở Hải Dương “cơ bản được kiểm soát, hai ngày không phát hiện thêm ca bệnh Covid-19 mới”.

 

 

Với ổ dịch tại Hải Dương, đến nay đã ghi nhận 12 trường hợp, tất cả đều liên quan đến nhà hàng Thế giới bò tươi, chủng virus lây bệnh tương đồng với chủng virus tại Đà Nẵng. 

 

Hai ngày nay không phát hiện thêm ca mới. Đến nay ổ dịch tại Hải Dương cơ bản đã được kiểm soát. Bộ Y tế đang tiếp tục phối hợp với địa phương khẩn trương truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng… để nhanh chóng dập dịch.

 

 

Từ kinh nghiệm từ Hải Dương, đại diện Bộ Y tế cho rằng, ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng, nếu chính quyền địa phương phối hợp với cơ quan y tế triển khai nhanh, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, thì sau khoảng hơn một tuần có thể kiểm soát tình hình.

 

 

 

 

Dỡ phong tỏa Bệnh viện E

Chia sẻ với VNE chiều 20/8, bác sĩ Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E, cho biết từ ngay tối nay, người bệnh có thể tới khám, chữa bệnh bình thường. Quy trình sàng lọc người khám bệnh sẽ chặt chẽ hơn, phải qua khâu sàng lọc trước, đeo khẩu trang, sát khuẩn.

 

 

Như vậy Bệnh viện E ngừng hoạt động khám, chữa bệnh một ngày đêm, sau khi ghi nhận ca nghi nghiễm là bệnh nhân điều trị nội trú tại viện.

 

 

Bệnh viện E được dỡ cách ly do ca nhiễm ghi nhận tại đây xét nghiệm âm tính 3 lần, được rút khỏi danh sách bệnh nhân Covid-19.

 

 

Bệnh viện E dỡ hàng rào phong tỏa ngay sau khi Bộ Y tế công bố rút “bệnh nhân 994” ra khỏi danh sách nhiễm. Toàn bộ người tiếp xúc với bệnh nhân này xét nghiệm đều âm tính.

 

 

 

 

Thêm 16 bác sĩ, kỹ thuật viên của tỉnh Nghệ An tình nguyện hỗ trợ Đà Nẵng chống Covid-19

Theo Thanh Niên, bác sĩ Trịnh Xuân Nam – Trưởng đoàn y bác sĩ tỉnh Nghệ An cho biết, đoàn chi viện cho Đà Nẵng, là 16 người, gồm: các bác sĩ hồi sức cấp cứu, bác sĩ truyền nhiễm, bác sĩ xét nghiệm, cùng các kỹ thuật viên huyết học, kỹ thuật viên sinh hóa và kỹ thuật viên vi sinh.

 

 

Đây là những bác sĩ, kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm, làm việc tại các bệnh viện lớn của Nghệ An, như: Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP…

 

 

Các thành viên trong đoàn đi chuyến này với quyết tâm cao và xác định khi nào tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng được khống chế mới trở về. “Đoàn chúng tôi sẽ trao đổi với ngành y tế Đà Nẵng để được phân công công việc và cụ thể sẽ nhận nhiệm vụ ở bệnh viện nào”, bác sĩ Nam nói.

 

 

Như vậy, sau lời kêu gọi của Đà Nẵng, đến nay, đã có 4 đoàn y bác sĩ do các địa phương lựa chọn những y bác sĩ tình nguyện, gồm: Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Bình Định và Hải Phòng.

 

 

 

 

 

Bắt Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội

Tối 20/8, ông Võ Tiến Hùng (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thoát nước Hà Nội) bị bắt về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

 

 

Theo nguồn tin trên báo Người lao động, hành vi sai phạm của ông Hùng có liên quan đến việc mua độc quyền chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ ô nhiễm trên địa bàn TP. Hà Nội.

 

 

Đây cũng là một trong ba vụ án đang được Bộ Công an làm rõ trách nhiệm liên quan của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Hôm 11/8, ông Chung bị Thủ tướng đình chỉ công tác 90 ngày.

 

 

 

 

Sau 5 ngày bị vây đòi tiền, nguyên Phó Công an huyện thừa nhận nhân 682 triệu đồng của giúp việc

Theo Pháp luật và Bạn đọc, chiều tối 20/8, ông Nguyễn Quốc Chương – Chủ tịch xã Đồng Văn (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, khoảng 18h cùng ngày, ông Trần Đình Đức (trú xóm Phượng Sơn; nguyên Phó Công an huyện Thanh Chương) đã làm bản cam kết xin trả lại số tiền 682 triệu đồng cho chị Ngô Thị Chung trú cùng xóm sau 5 ngày bị vây nhà đòi tiền.

 

 

Cụ thể, trưa ngày 20/8, ông Trần Đình Đức xin gặp Chủ tịch xã Đồng Văn để nhờ tổ chức buổi hòa giải giữa ông Đức với chị Ngô Thị Chung về việc giải quyết chuyện vay tiền.

 

 

Ban đầu, ông Đức vẫn giữ nguyên quan điểm chưa bao giờ nhận tiền của chị Chung. Nhưng vì 5 ngày qua chị Chung và người dân tập trung đông trước cửa nhà đòi tiền nên cuộc sống gia đình ông Đức bị đảo lộn, ảnh hưởng.

 

 

Đến khoảng 18h, làm việc cùng Công an huyện Thanh Chương, ông Đức thừa nhận việc mình có cầm số tiền 682 triệu đồng của chị Chung như lời chị này phản ánh.

 

 

“Sau khi làm việc, ông Đức đã làm bản cam kết hứa sẽ trả đủ số tiền này cho chị Chung trong vòng 2 tháng. Hiện tại, ông Đức đã đưa trước số tiền 182 triệu đồng cho chị Chung. Số còn lại là 500 triệu đồng sẽ được trả trong 2 tháng”, ông Chương nói.

(Theo dkn.tv)