Cơ quan điều tra xác nhận câu chuyện của "bác sĩ Khoa" không có thật và đang tiếp tục điều tra. (Ảnh chụp màn hình)

 

 

 

 

 

Vụ “Bác sĩ Khoa rút máy thở của mẹ mình để cứu sản phụ sắp sinh" trong tâm dịch COVID-19 đã gây “bão mạng" trong những ngày qua. Cơ quan chức năng xác định câu chuyện trên không có thật và đang điều tra những cá nhân có liên quan.

 

 

Chiều 9/8, Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tp Hồ Chí Minh đã làm việc với hai nhà báo Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ về việc cung cấp thông tin liên quan đến vụ 'bác sĩ rút máy thở của mẹ mình để cứu sản phụ sắp sinh', có nội dung không đúng sự thật trên trang Facebook cá nhân.

 

 

Thanh tra Sở TT-TT TP. HCM đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai nhà báo về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin sai sự thật trên mạng xã hội theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

 

 

Trước đó, tối 7/8, câu chuyện của một nhân vật trên Facebook có tên “Trần Khoa (Bác sĩ Khoa Kute)" đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội.

 

 

Theo nội dung câu chuyện được chia sẻ, nhân vật “bác sĩ Khoa" khi thấy mẹ mình (bị nhiễm COVID-19) khó qua khỏi đã quyết định rút ống thở của mẹ để chuyển sang cứu một sản phụ sắp sinh đôi đang được cấp cứu gần đó. Trong bài viết còn chia sẻ hình ảnh của hai bé song sinh vừa được “bác sĩ Khoa" thực hiện ca mổ thành công.

 

 

Câu chuyện ngay lập tức được cộng đồng mạng chia sẻ như một bài học về sự hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu.

 

 

Trong đó, tài khoản Facebook của nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP. HCM đã chia sẻ nội dung: Khoa là bác sĩ sản khoa, có cha mẹ cũng làm trong ngành y tế đã về hưu nhưng tham gia vào tâm dịch và không may bị mắc COVID-19 rồi trở nặng. Sau đó, cả cha mẹ của “bác sĩ Khoa" đều tử vong do căn bệnh này. Những dòng chia sẻ đầy cảm xúc của nhà báo Nguyễn Đức Hiển được lan truyền nhanh chóng trên mạng.

 

 

Câu chuyện cũng được nhà báo Hoàng Nguyên Vũ chia sẻ trên trang Facebook cá nhân.

 

 

Cộng đồng mạng càng bị thuyết phục và chia sẻ câu chuyện nhiều hơn sau khi Jang Kều - một người làm việc trong các dự án cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam - cho biết cô đã “gọi điện cho bác sĩ Khoa" và trao đổi về câu chuyện.

 

 

Cơ quan chức năng sau đó đã tiến hành điều tra và xác định câu chuyện trên không đúng sự thật.

 

 

Trên trang Facebook cá nhân, hai nhà báo cho biết do mong muốn chia sẻ cảm xúc đối với sự hy sinh của “bác sĩ Khoa”, nhưng do thiếu kiểm chứng thấu đáo nguồn tin, nên đã vô ý chia sẻ nội dung trên. Hai nhà báo cũng đã gửi lời xin lỗi trên trang Facebook cá nhân của mình.

 

 

 

Cộng đồng mạng truy tìm “bác sĩ Khoa".

Sau khi câu chuyện của “bác sĩ Khoa" được đăng tải trên mạng xã hội, nhiều người đã chỉ ra những điểm nghi ngờ trong câu chuyện.

 

 

Theo nhiều thông tin được chia sẻ, “bác sĩ Khoa” làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Lê Văn Việt ở TP. Thủ Đức (TP. HCM). Tuy nhiên, nhiều bệnh viện có khoa sản tại TP. HCM đã lên tiếng phủ nhận không có ca mổ bắt con nào diễn ra trong ngày 7/8 như thông tin đăng tải.

 

 

Cộng đồng mạng sau đó đã tìm được hình ảnh đại diện trên trang Facebook của “bác sĩ Khoa" được lấy từ ảnh trên Facebook cá nhân của Giáo sư - Bác sĩ Nha khoa trợ giảng Toh Wei Seong - đang làm việc tại Viện Đại học Sức khoẻ Quốc gia Singapore (NUSH).

 

 

 

 

Tài khoản Facebook "bác sĩ Khoa" lấy hình ảnh của một bác sĩ đang làm việc tại Singapore. (Ảnh chụp màn hình)

 

 

 

 

 

Đặc biệt, hình ảnh hai em bé song sinh trong câu chuyện của “bác sĩ Khoa" được bác sĩ Cao Hữu Thịnh - người từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM) khẳng định đó là hình ảnh ông mổ cho một sản phụ vào ngày 21/7 và một tấm hình mổ cho sản phụ vào ngày 1/4.

 

 

 

 

 

Hình ảnh hai em bé song sinh trong “ca mổ" và đoạn chat trong nhóm “đồng nghiệp của bác sĩ Khoa" được chia sẻ. (Ảnh chụp màn hình)

 

 

 

 

 

Trao đổi với báo Tiền Phong, bác sĩ Thịnh nói: “Tôi không hiểu sao hình trên facebook cá nhân của mình lại lấy để gán ghép cho những thông tin sai sự thật là bác sĩ Khoa nào đó rút ống thở để cho sản phụ thở và giúp bác sĩ mổ bắt con thành công. Đây là thông tin bịa đặt vô đạo đức".

 

 

 

Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

(Theo ntdvn.com)