Chủng virus biến thể Ấn Độ đã xuất hiện tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Linh Pham/Getty Images)

 

 

 

 

 

 

 

 

Việt Nam đang ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh. Các tỉnh thành đang "chạy đua" với tốc độ tăng nhanh các ca F0 và hàng nghìn F1, F2.

 

 

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc giao phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 10/5, GS.TS Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang ở trong tình trạng báo động cao do nguy cơ và khả năng lây nhiễm của virus mạnh.

 

 

 

Bộ Y tế thay đổi phương thức, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh.

 

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay biến chủng virus SARS-CoV-2 của Anh lây lan nhanh gấp 1,7 lần nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn, đặc biệt là khả năng lây nhiễm trong môi trường không khí.

 

 

 

Từ ngày 28/4 đến nay, Việt Nam ghi nhận các ổ dịch COVID-19 tại: Hà Nam, Vĩnh Phúc - Yên Bái, Đà Nẵng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K Tân Triều, Bắc Ninh.

 

 

Hai ổ dịch mới xuất hiện là ca bệnh nhập cảnh trái phép từ Lào ở Hải Dương và ổ dịch ở Công ty Shin Young (Bắc Giang) có nhiều F0 đi phương tiện công cộng.

 

 

Từ ngày 27/4 đến 10/5, những ổ dịch này đã lây lan ra 26 tỉnh, thành, với 442 ca mắc COVID-19 trong nước.

 

 

Trong những ngày qua, các ca F1, F2 nhanh chóng trở thành F0; lây mạnh trong môi trường kín như: quán bar Sunny ở Vĩnh Phúc, bệnh viện, địa điểm massage, vũ trường... Chỉ trong ngày 9/5 đã có 92 ca lây nhiễm trong nước, và từ 6h sáng đến 12h trưa 10/5, đã có thêm 109 ca mắc mới.

 

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, phải coi xét nghiệm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cần nhanh chóng thực hiện.

 

 

Theo đó, Bộ Y tế sẽ thay đổi phương thức và tăng cường xét nghiệm sàng lọc COVID-19, áp dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh; cho phép các cơ sở, đặc biệt những khu công nghiệp, nhà máy, dịch vụ lưu trú, khu vực tập trung đông người... xét nghiệm một cách thường xuyên. Đối với bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu xét nghiệm kháng nguyên nhanh thường xuyên.

 

 

 

 

Hà Nội tận dụng 48 giờ ‘vàng’ khống chế biến thể virus Ấn Độ lây nhiễm.

 

Trước tình hình dịch bệnh lan nhanh tại Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh dẫn chứng cảnh báo của các nhà khoa học và Bộ Y tế về hầu hết lây nhiễm của biến thể virus Ấn Độ, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn còn khoảng 3 - 4 ngày. Vì vậy, cần tận dụng tối đa 48 giờ "vàng" để truy vết, khống chế dịch lây lan.

 

 

 

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu Ban chỉ huy quân sự huyện Gia Lâm phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Bộ tư lệnh Thủ đô hỗ trợ để lên phương án, thiết lập khu cách ly tập trung ở học viện với quy mô khoảng 600 giường, đặc biệt phải rà soát, kiểm soát đường ngang, ngõ tắt, tăng cường chốt chặn, bảo đảm người từ vùng có dịch không sang khu vực thành phố.

 

 

 

Tính từ 29/4 đến 11h ngày 11/5, TP. Hà Nội đã cách ly y tế 30 địa điểm tại 6 huyện: Mê Linh, Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn, Thường Tín, Thanh Trì; thị xã Sơn Tây, 7 quận: Bắc Từ Liêm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Hoàng Mai.

 

 

 

 

TP. HCM chuẩn bị nâng lên 40.000 xét nghiệm/ngày.

 

Ngày 10/5, TP. HCM đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất.

 

 

Thành phố đã cho tái lập các chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ thành phố, giao lực lượng y tế, công an, quân đội duy trì hoạt động. Lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp như: du lịch, các khu công nghiệp, giao thông vận tải (taxi, xe khách…), kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng dịch ở mức cao nhất; kiểm soát đường hàng không, tiếp nhận vận chuyển người nhập cảnh, đường bộ phải tái lập các chốt kiểm soát thực hiện khai báo y tế…

 

 

Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho hay, ngành y tế thành phố đã kích hoạt tất cả bộ tiêu chí an toàn trên các lĩnh vực.

 

 

Để mở rộng nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, thành phố đã thành lập 200 tổ COVID-19 cộng đồng. Sở Y tế cũng huy động sinh viên các khoa y tế công cộng, sinh viên năm cuối trường y sẵn sàng cho tình huống cần lấy mẫu, truy vết quy mô lớn. Ngành y tế cũng chuẩn bị năng lực 15.000 xét nghiệm mỗi ngày và sẽ nâng lên thành 40.000 xét nghiệm trong thời gian tới.

 

 

Thành phố cũng thiết lập thêm 4 khu cách ly tập trung để chuẩn bị kịch bản dịch lan rộng trong cộng đồng từ thấp đến cao, nâng tổng công suất toàn thành phố lên hơn 10.000 giường. Mỗi quận huyện duy trì ít nhất 1 khu cách ly tập trung công suất 100 giường.

 

 

Ông Bỉnh cũng cho biết, ngành y tế thành phố đang xây dựng kế hoạch tiếp tục thiết lập thêm bệnh viện dã chiến quy mô 5.000 giường, chuẩn bị cho 30.000 ca bệnh.

 

 

 

 

Bắc Ninh bước vào giai đoạn cao điểm.

 

Bắc Ninh đang bước vào giai đoạn cao điểm với điểm nóng huyện Thuận Thành. Tính đến trưa 10/5, Bắc Ninh có 90 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

 

 

Trong đó, huyện Thuận Thành là ổ dịch lớn nhất tỉnh với 79 ca. Các địa phương có dịch khác là huyện Yên Phong, huyện Từ Sơn, huyện Tiên Du, TP. Bắc Ninh và huyện Lương Tài. Trước tình hình dịch bệnh cấp bách, ngành y tế tỉnh Bắc Ninh đã nâng mức chống dịch từ cấp độ 2 lên cấp độ 3.

 

 

Ngày 10/5, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa đã kêu gọi Trường Cao đẳng Y tế Bắc Ninh; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; các cơ sở y tế tư nhân; các y, bác sỹ, dược sỹ quân và dân y, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh tình nguyện tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

 

 

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện cách ly y tế toàn xã hội đối với huyện Thuận Thành gồm 18 xã, thị trấn; 108 thôn, khu dân cư với tổng số hơn 46.700 hộ gia đình và gần 182.000 người. Tỉnh cũng cách ly vùng y tế đối với 2 thôn của xã An Thịnh, huyện Lương Tài; 2 xóm thuộc khu Đa Hội, phường Châu Khê; 3 thôn thuộc 2 xã Hiên Vân và Liên Bão, huyện Tiên Du; 2 thôn thuộc xã Tam Giang và xã Đông Phong, huyện Yên Phong; 1 khu thuộc phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh.

 

 

 

 

Tây Nam Bộ sẵn sàng kịch bản giãn cách xã hội diện rộng.

 

Ngày 9/5, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ ngành đã có cuộc họp khẩn cấp với 6 tỉnh biên giới Tây Nam Bộ.

 

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, diễn biến dịch từ Campuchia vẫn căng thẳng. Do Campuchia đã dỡ phong tỏa nên dự báo những ngày tới lượng người nhập cảnh cả hợp pháp và trái phép từ nước này qua Việt Nam sẽ tiếp tục tăng.

 

 

Do đó, các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ cần tiếp tục thắt chặt kiểm soát biên giới trên bộ, trên biển, chuẩn bị cho kịch bản dịch lan trong cộng đồng…

 

 

Phó Phủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cảnh báo hiện tại vẫn chưa đến đỉnh dịch nên tình hình còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần sẵn sàng cho các kịch bản có thể xảy ra, đặc biệt là có thể phải giãn cách xã hội diện rộng.