Ảnh chụp màn hình báo VietNamNet.
Vì phải chờ chuyên gia từ Nga sang khảo sát cũng như đinh neo đưa về chậm nên tiến độ của dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long (Hà Nội) đang lo trễ.
Thông tin trên báo Thanh niên, đơn vị thực hiện dự án cho biết, hiện đoàn chuyên gia tới chuyển giao công nghệ đã làm visa nhưng nay chưa có mặt tại Việt Nam do dịch Covid-19 và hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến.
Trong khi đó, việc thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt trực tiếp của chuyên gia.
Theo kế hoạch, ngày 5/9, một số chuyên gia bắt đầu tới Việt Nam, sau đó phải cách ly 14 ngày theo quy định. Dự kiến ngày 20/9, chuyên gia mới có mặt trực tiếp tại hiện trường để triển khai công việc.
Ảnh chụp màn hình báo VietNamNet.
Có mặt tại dự án vào chiều 31/8, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, theo tiến độ, dự án sửa chữa cầu Thăng Long phải hoàn tất để thông xe trước ngày 31/12. Vì vậy, không thể cứ làm việc trực tuyến và “ngồi chờ” chuyên gia mà phải có con người cụ thể trên công trường.
Ông Thể cũng yêu cầu trong vài ngày tới cần phải có nhóm chuyên gia Trung Quốc tới trước để đáp ứng yêu cầu công việc. Nếu cứ phụ thuộc vào lịch 5/9 hoặc sau đó, thì công việc sẽ khó khăn, gây chậm tiến độ dự án.
Tại công trường dự án, ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Ban quản lý dự án 3 (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, dự án sửa chữa cầu Thăng Long đã hoàn thành lắp đặt xong hai trạm trộn bê tông, hai nhà mái che di động dài 240m, tháo dỡ xong hệ thống hộ lan hiện hữu dài 3,3 km.
Với các hạng mục hàn đinh neo, cốt thép, bê tông nhựa polyme, đơn vị thi công đã hoàn thành thí nghiệm đầu vào, đang nhập vật liệu để chuẩn bị thi công – thông tin trên VietNamNet.
Tổng mức đầu tư dự án sửa chữa cầu Thăng Long gần 270 tỷ đồng. Trước đó, cầu Thăng Long đã được sửa chữa lớn năm 2009, giai đoạn 2012 – 2013 cũng được sửa chữa, khắc phục lớp bê tông nhựa bằng công nghệ của Mỹ, nhưng nhiều vị trí cũng hư hỏng trước khi hết bảo hành. Từ năm 2016 đến nay, đơn vị quản lý đường bộ cũng thực hiện sửa chữa cục bộ.
Ảnh chụp màn hình báo Tin Tức/TTXVN.
Giáo sư Việt đi đâu hết cả rồi?
Nói về việc tiến độ sửa chữa mặt cầu Thăng Long bị trễ do phải “ngồi chờ” chuyên gia, tác giả Lê Thanh Phong của báo Lao Động đã có bài viết trình bày quan điểm của mình về vấn đề trên. Dưới đây chúng tôi xin được trích lại:
“Mời chuyên gia Nga sang sửa chữa mặt cầu Thăng Long, có lẽ họ cũng phải bóp trán suy nghĩ, chẳng lẽ Việt Nam không làm nổi cái việc sửa mặt cầu, vậy thì giáo sư, tiến sĩ họ “ấp” ra đi đâu mất rồi?
Để thực hiện sửa chữa mặt cầu Thăng Long, Tổng cục Đường bộ mời chuyên gia Nga để hỗ trợ hợp tác. Và để chuyên gia hợp tác được, phải chuyển tài liệu cho họ nghiên cứu trước, đồng thời phía Nga sẽ tổ chức đoàn đi khảo sát tình hình thực tế.
Không có người giỏi thì mời chuyên gia nước ngoài, đành phải vậy thôi. Nhưng càng nghĩ càng thấy khó hiểu quá.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng năm 1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Đã 35 năm trôi qua, chẳng lẽ Việt Nam không đào tạo ra được đội ngũ kỹ sư, chuyên gia cầu đường có thể sửa chữa được cái mặt cầu đã xây cách đây chừng đó năm. Quá vô lý.
Trong rất nhiều năm, du học sinh Việt Nam học ở Liên Xô cũ, sau này là Nga, nghiên cứu sinh ngành xây dựng cầu đường không ít, vậy thì nay họ đi đâu?
So với thời đại này, công nghệ xây cầu Thăng Long đã quá lạc hậu. Chẳng lẽ giáo sư, tiến sĩ của Việt Nam không thể cải tiến để xử lý tốt hơn hay sao? Công nghệ ngày nay tiến quá xa, sao lại bó tay trước cái mặt cầu xây theo công nghệ của 35 năm trước.
Vậy thì 4.0, vậy thì cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vậy thì “Make in Việt Nam” chỉ là câu khẩu hiệu.
Và bi kịch phụ thuộc chuyên gia là ở chỗ, không có họ thì việc không chạy. Thi công thảm bê tông mặt cầu Thăng Long phải có sự có mặt của đoàn chuyên gia nước ngoài mới có thể triển khai, nhưng chuyên gia chưa có mặt tại Việt Nam do dịch Covid-19, hiện nay hàng ngày vẫn phải họp trực tuyến.”
(Theo dkn.tv)