Nhiều ngân hàng ở TP. HCM rao bán nhà, xe để giảm tỷ lệ nợ xấu. (Ảnh tổng hợp)

 

 

 

 

Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace ở Phú Mỹ Hưng (TP. HCM) vừa được Ngân hàng BIDV rao bán 356 tỷ đồng.

 

 

Truyền thông trong nước cho biết, những ngày gần đây, hàng loạt tài sản thế chấp từ nhà, xe, đến trung tâm tiệc cưới được các ngân hàng dồn dập rao bán để giảm tỉ lệ nợ xấu. Cụ thể:

 

Ngân hàng BIDV thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất là Trung tâm hội nghị tiệc cưới Crystal Palace tại lô C17-1-2, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM với giá khởi điểm 356 tỷ đồng.

 

 

Trung tâm tiệc cưới này được xây trên khu đất rộng 2.675 m2 gồm 2 tầng hầm, 8 tầng nổi và sân thượng. Thời hạn sử dụng đến năm 2058. Từ cuối năm 2019, trung tâm tiệc cưới Crystal Palace đã được rao bán trên mạng với giá 535 tỷ đồng, giá thuê là 36 tỷ đồng/tháng.

 

 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại lô số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, quận 12, TP. HCM. Đây là khu đất vốn thuộc về Trường Kỹ thuật Tin học Sài Gòn (SaigonTech) cao 12 tầng, diện tích khu đất là 5.600 m2. Giá khởi điểm được ngân hàng đưa ra là 191 tỷ đồng. Ngày tổ chức đấu giá là 11/9. Thời hạn sử dụng đất đến năm 2056.

 

 

 

 

Ngân hàng Sacombank đang thanh lý 19 căn hộ thuộc dự án Xi Grand Court tại địa chỉ 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP. HCM. Diện tích các căn hộ này dao động từ 48 đến 109 m2. Giá đấu khởi điểm từ 3,2 tỷ đến 9,8 tỷ đồng mỗi căn. Ngoài ra, Sacombank thanh lý 13.300 m2 diện tích sàn tầng hầm, hơn 3.000 m2 diện tích sàn thương mại, dịch vụ với giá tổng cộng 577 tỷ đồng.

 

 

Ngân hàng VietinBank chi nhánh Bắc Ninh thông báo thanh lý 2 chiếc ôtô với giá khởi điểm trên 25 triệu đồng/chiếc. VietinBank Thái Bình cũng bán đấu giá một chiếc xe ôtô khách giường nằm 41 chỗ với giá khởi điểm 196 triệu đồng.

 

 

Theo báo cáo phân tích ngành ngân hàng mà Công ty chứng khoán SSI vừa công bố, tính đến cuối tháng 6, tổng nợ tái cơ cấu toàn ngành theo thông tư 01 là 177.000 tỷ đồng, tương đương 2,1% tổng tín dụng.

 

 

Mới đây, trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn, chính quyền TP. HCM cho biết, tổng nợ xấu xác định theo nghị quyết 42 đã xử lý từ tháng 8/2017 đến 31/5/2020 là 123.274 tỷ đồng và chủ yếu được xử lý theo phương thức thông thường (gồm đôn đốc khách hàng trả nợ và mua lại nợ xấu của VAMC).

(Theo ntdvn.com)