Phi hành gia John Glenn bước vào chiếc phi thuyền Friendship 7, trước khi Chuyến bay Mercury-Atlas 6 phóng vào không gian ngày 20/02/1962. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
... Hoa Kỳ nhận thấy rằng mình đã tụt hậu trong cuộc chạy đua vào không gian; một thượng nghị sỹ, hai vị tổng thống, ba phi hành gia, và một con tàu thăm dò đã được huy động để quyết tâm mang chiến thắng về cho Mỹ quốc.
Năm 1952, các khoa học gia toàn cầu đã thống nhất khai triển một nỗ lực mang tính quốc tế nhằm nghiên cứu về Trái Đất, bầu khí quyển và các cực địa lý của nó, cũng như sự tương tác giữa Trái Đất và Mặt Trời trong một dự án có tên là Năm Vật lý Địa cầu Quốc tế (IGY). Dự án IGY bắt đầu vào ngày 01/07/1957 và kết thúc vào ngày 31/12/1958. Với việc Hoa Kỳ và Liên Xô đang đối đầu trong Chiến Tranh Lạnh, họ chắc chắn sẽ dẫn đầu cuộc đua này khi dự án IGY đến gần.
Năm 1955, [Liên Xô] đã bí mật khởi công xây dựng một sân bay vũ trụ gần thành phố Baikonur thuộc nước Cộng hòa Xô viết Kazakhstan. Ba tháng sau khi dự án IGY khởi động và công trình cuối cùng hoàn thành, Liên Xô đã đi nước cờ đầu tiên. Vào ngày 04/10/1957, một quả cầu kim loại có kích thước bằng quả bóng rổ, nặng khoảng 85kg tên là Sputnik 1 được lắp vào hỏa tiễn và phóng vào quỹ đạo. Đây chính là vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh Trái Đất, và nó hoạt động như vậy trong ba tháng, di chuyển hơn 69 triệu km với tốc độ gần 29,000 km/giờ. Một tháng sau khi phóng thành công Sputnik 1, Liên Xô tiếp tục đưa một chú chó lên quỹ đạo bằng vệ tinh Sputnik 2. Người Mỹ đã chấn động trước sự kiện này và hành động ngay lập tức bằng cách nỗ lực phóng vệ tinh nhân tạo mang tên Vanguard lên quỹ đạo vào ngày 06/12/1957. Kết quả của vụ phóng vệ tinh này được báo chí gọi là “Kaputnik” (tạm dịch: vệ tinh hỏng hóc), bởi vì nó chỉ bay lên không trung tầm hơn một mét, trước khi động cơ chính của hỏa tiễn bị mất lực đẩy, rơi ngược trở lại, và tạo thành vụ nổ lớn.
Quyết định mang tính lập pháp
Thành công của Sputnik và thất bại của Vanguard đã dẫn đến cuộc chạy đua vào không gian khốc liệt hơn giữa hai quốc gia này. Hoa Kỳ đã đáp trả bằng một Đạo luật Hàng không và Vũ trụ Quốc gia năm 1958, công trình lập pháp này do Lãnh đạo Đa số Thượng viện Lyndon B. Johnson dẫn đầu. Dự luật này được Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký vào ngày 29/07/1958, đồng thời Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) chính thức được thành lập vào ngày 01/10/1958, gần một năm sau ngày phóng vệ tinh Sputnik.
Mercury-Redstone 1 chuẩn bị phóng vào không gian tại Tổ hợp phóng Cape Canaveral 5, năm 1960. NASA. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Chỉ 6 ngày sau khi NASA thành lập, chương trình đầu tiên được khởi xướng là Dự án Mercury, lấy theo tên hành tinh đầu tiên gần Mặt Trời nhất. Chương trình này mời đến 110 phi công thử nghiệm ưu tú nhưng chỉ có 7 người được chọn. Mùa xuân năm sau, họ được giới thiệu trước công chúng với cái tên là “astronaut” (phi hành gia), tên này dựa trên cách gọi của những người lái khinh khí cầu là “aeronaut” và “Argonaut” trong thần thoại Hy Lạp.
NASA bắt đầu phát triển các loại tàu vũ trụ bay dưới quỹ đạo và trong quỹ đạo, lần lượt là Redstone và Atlas. Đến tháng 05/1961, NASA đã sẵn sàng để đưa người đầu tiên bay vào vũ trụ. Và việc đưa con người lên vũ trụ cũng không còn là cuộc đua nước rút nữa, bởi vì Liên Xô đã đưa phi hành gia Yuri Gagarin bay vào vũ trụ cách đó một tháng và thực hiện một vòng bay quanh địa cầu rồi. Đối với người Mỹ, mục tiêu là dưới quỹ đạo, tức là ở tốc độ thấp hơn so với tốc độ cần thiết để duy trì quỹ đạo quanh hành tinh. Vào ngày 05/05/1961, phi hành gia Alan Shepard ngồi trong con tàu Mercury-Redstone 3: Freedom 7, sẵn sàng được phóng vào không gian. Sau một chút trì hoãn, con tàu MR-3 phóng từ Trạm vũ trụ Cape Canaveral vào lúc 9:34 sáng, đạt đến độ cao khoảng 187 km trước khi hạ xuống Trái Đất. Chuyến bay chỉ kéo dài 15 phút 28 giây, tuy nhiên đây là một sự thành công. Tấm chắn nhiệt của MR-3 chịu được sức nóng 3,000 độ C khi quay trở lại bầu khí quyển, dù cứu sinh bung ra và con tàu đã đáp xuống đại dương an toàn. Người Mỹ cuối cùng cũng đạt được bước tiến lớn trong cuộc chạy đua không gian quốc tế.
Một người Mỹ bay lên quỹ đạo
Sứ mệnh thứ ba của Dự án Mercury đặt ra những mục tiêu cao cả hơn. NASA dự tính đưa người Mỹ đầu tiên bay quanh quỹ đạo Trái Đất. Họ đã chọn phi hành gia John Glenn cho nhiệm vụ này.
Ông Glenn là phi công chiến đấu từng nhận huân chương của Thủy quân Lục chiến trong cả Đệ nhị Thế chiến và Chiến tranh Triều Tiên. Trong 15 ngày cuối cùng ở Nam Hàn, ông đã bắn hạ 3 chiếc phi cơ tiêm kích MiG. Năm 1957, ông lập kỷ lục về tốc độ bay xuyên lục địa từ Los Angeles đến Thành phố New York. Chuyến bay này là chuyến bay xuyên lục địa đầu tiên đạt được tốc độ siêu thanh trung bình, ít nhất là khoảng 1,236 km/h, nhanh hơn tốc độ của âm thanh.
Phi hành gia John Glenn trong bộ đồ du hành vũ trụ của Dự án Mercury năm 1962. NASA. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Chuyến bay vào không gian của ông Glenn dự kiến diễn ra vào ngày 27/01. Mười ba phút trước giờ phóng, chuyến bay đã bị hủy vì lý do thời tiết. Sau khi chuyến bay bị hoãn lại, các thành viên của NASA đã phát hiện ra một chỗ rò rỉ trên vách ngăn của bồn chứa nhiên liệu. Quá trình sửa chữa mất gần một tuần. Lịch phóng dời sang các ngày 14,15 và 16/02, nhưng đều bị hủy vì lý do thời tiết. Cuối cùng, thời tiết thuận lợi trở lại, và phi hành gia Glenn được đưa vào con tàu Mercury-Atlas 6: Friendship 7. Chính trong tuần này năm xưa, vào ngày 20/02/1962, khoảng 4 giây sau giờ cất cánh lúc 9 giờ 47 phút sáng, con tàu MA-6 đã được phóng vào vũ trụ. Phi hành gia Glenn đã bay vòng quanh Trái Đất 3 lần chỉ trong chưa đầy 5 tiếng với tốc độ hơn 27,358 km/giờ.
Trước khi quay trở lại Trái Đất, người ta lo lắng rằng tấm chắn nhiệt bị lỏng. Nếu tấm chắn nhiệt rơi ra trong quá trình trở lại Trái Đất, ông Glenn và toàn bộ con tàu sẽ bị thiêu rụi. Trong khi đáp xuống trái đất, ông Glenn nhận thấy các bộ phận của con tàu vụt qua tấm chắn cửa sổ, tuy nhiên lá chắn nhiệt vẫn trụ vững, và phi hành gia này đã hạ cánh xuống biển an toàn.
Yêu cầu của Tổng thống
Trước chuyến bay vào quỹ đạo của ông Glenn và chỉ vài tuần sau vụ phóng lịch sử của phi hành gia Shepard, Tổng thống John F. Kennedy đã đứng trước Quốc hội và tuyên bố rằng, “Tôi tin rằng quốc gia chúng ta nên cam kết đạt được mục tiêu, trước khi thập niên này qua đi, là đưa một người đàn ông lên Mặt Trăng và đưa anh ta trở về Trái Đất an toàn. Không có một dự án không gian đơn lẻ nào trong thời kỳ này gây được ấn tượng mạnh mẽ hơn đối với nhân loại, hoặc quan trọng hơn cho việc khám phá không gian đường dài; và cũng không có dự án nào khó khăn hoặc tốn kém như vậy để hoàn thành.”
Bảy tháng sau khi phi hành gia Glenn bay quanh quỹ đạo Trái Đất, Tổng thống Kennedy đã nhắc lại mục tiêu tối thượng này tại Houston, trước một đám đông tập trung tại Trường Đại học Rice, với lời tuyên bố nổi tiếng, “Chúng ta lựa chọn lên Mặt Trăng … trong thập niên này và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác, không phải vì chúng dễ dàng mà bởi vì chúng rất khó khăn.”
Tổng thống John F. Kennedy phát biểu tại Đại học Rice vào ngày 12/09/1962. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Mặc dù Tổng thống Kennedy bị ám sát một năm sau đó, nhưng phó Tổng thống Lyndon B. Johnson, người đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập NASA, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống, và tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn về việc đổ bộ lên Mặt Trăng của cố Tổng thống Kennedy.
Tìm một nơi để hạ cánh
NASA quyết định cách tốt nhất để lên Mặt Trăng là tìm ra địa điểm hạ cánh tốt nhất. Để tìm được các vị trí tối ưu này, NASA đã khởi động Chương trình Ranger, và sử dụng 9 con tàu vũ trụ không người lái có trọng lượng từ 306kg đến 367 kg. Sáu nhiệm vụ Ranger đầu tiên hoặc là thất bại trong quá trình phóng, hoặc bay trượt Mặt Trăng, hoặc chỉ hoàn thành một phần nhiệm vụ. Con tàu Ranger 7 phóng vào ngày 28/07/1964 đã thành công hơn so với sáu con tàu trước đó. Thông qua hệ thống truyền hình, nó đã có thể truyền về hơn 4,300 bức ảnh cho NASA. Tuy nhiên, sứ mệnh tiếp theo mới là nhiệm vụ có tác động lớn nhất, cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Ngày 17/02/1965, sau khi phóng vào không gian và bay tới Mặt Trăng, tàu vũ trụ Ranger 8 đã truyền về 7,300 bức ảnh có độ phân giải cao. Và cũng trong tuần lễ này của lịch sử, vào ngày 20/02/1965, đúng ba năm sau chuyến bay của phi hành gia Glenn, Ranger 8 đã thực hiện cú hạ cánh như dự tính xuống Mặt Trăng sau khi truyền xong hình ảnh. NASA đã chính thức tìm được vị trí đổ bộ lên Mặt Trăng. Ranger 8 đánh dấu vị trí này là: Mare Tranquillitatis (Vùng Tĩnh Lặng).
Chưa đầy 5 năm sau và trước khi thập niên này kết thúc, vào ngày 20/07/1969, các phi hành gia của con tàu Apollo 11 đã trở thành những người đầu tiên đổ bộ và bước đi trên Mặt Trăng.
Phi hành đoàn đổ bộ lên Mặt Trăng của tàu Apollo 11: (từ trái sang phải) Chỉ huy Neil A. Armstrong, phi công khoang điều khiển Michael Collins; và phi công khoang đổ bộ Edwin E. Aldrin Jr. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
(Epochtimes Việt ngữ - Hoàng Long biên dịch)
(Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times)
Dustin Bass
BTV EPOCH TIMES TIẾNG ANH
Ông Dustin Bass là người dẫn chương trình “About the Book” của Epoch TV, một chương trình giới thiệu những cuốn sách mới cùng tác giả biên soạn. Ông là cây bút kiêm đồng chủ trì kênh podcast The Sons of History.