-Báo DanViet xin đăng lại bài viết “Ăn chay có hại cho xương?” của tác giả Nguyen Tuan được đăng trên trang facebook của chính tác giả tại địa chỉ trang mạng https://www.facebook.com/t.nguyen.2016
-Sau đây là bài viết:
Ăn chay có hại cho xương?
Tác giả: Nguyen Tuan, https://www.facebook.com/t.nguyen.2016
Những cái tít làm người ăn chay và tu sĩ Phật giáo phải quan tâm: "Cảnh báo nguy cơ gãy xương khi ăn chay trường" [1] và "Người ăn chay thuần có nguy cơ gãy xương cao gấp đôi" [2]. Nhưng nếu xem xét nghiên cứu cẩn thận thì người ăn chay có nguy cơ gãy xương thấp hơn người ăn mặn! Tại sao có mâu thuẫn như thế? Cái note này sẽ giải thích cho các bạn rõ.
Ăn chay: vegetarian và vegan
Một nghiên cứu mới công bố [3] cho rằng người ăn chay và ăn cá có nguy cơ gãy xương cao hơn người ăn mặn. Phát hiện này được giới báo chí trong và ngoài nước rất quan tâm [1,2,4,5]. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như báo chí hay tác giả nghiên cứu muốn chúng ta hiểu.
Trong y khoa, người ta phân biệt 2 nhóm ăn chay chánh: vegetarian và vegan. Vegetarian là người không ăn thịt, cá, côn trùng, và bất cứ cái gì liên quan đến giết động vật. Tuy nhiên, vegetarian có thể ăn trứng, uống sữa, và mật ong. Còn vegan là người vegetarian nhưng không ăn trứng, uống sữa, và mật ong; không dùng dụng cụ làm bằng da, không dùng đồ len (wool), tơ (silk), xà bông từ động vật, và mĩ phẩm. Trong thực tế thì phân biệt hai nhóm phức tạp hơn, nhưng tôi cố làm đơn giản để dễ hiểu.
Nghiên cứu mới nhứt cho ra kết quả như sau: so với người ăn mặn, nguy cơ gãy xương đùi (hip fracture) ở người vegetarian tăng 26%, người ăn cá tăng 25%, và người vegan tăng 2.3 lần. Nói cách khác, người ăn chay thuần tuý (tức giới tu sĩ Phật Giáo đại thừa) có nguy cơ gãy xương cao nhứt.
Vấn đề đặt ra là chúng ta hiểu kết quả nghiên cứu này như thế nào?
Con số tăng nguy cơ 25% hay 2.3 lần, thoạt đầu mới nghe qua, thì rất cao và gây hoang mang. Nhưng đó là con số tương đối. Con số tương đối nó không nói lên hết sự thật. Một sự thật quan trọng khác là con số tuyệt đối. Chẳng hạn như nếu tôi nói nhóm A có nguy cơ gãy xương là 0.4% và nhóm B là 0.3%, thì mô tả theo số tương đối, nhóm A có nguy cơ cao hơn nhóm B đến 33% (tức 0.4/0.3), nhưng mô tả theo con số tuyệt đối thì khác biệt giữa hai nhóm chỉ 0.1% (tức 0.4-0.3) mà thôi. Nói cách khác, con số tương đối thường phóng đại kết quả và do đó không phản ảnh hết sự thật. Chúng ta phải xem xét con số tuyệt đối.
Con số tuyệt đối trong trường hợp này là tỉ suất (rate) gãy xương. Chúng ta thử tưởng tượng có 1000 người và mỗi người được theo dõi 1 năm, thì nguy cơ gãy xương là bao nhiêu? Bảng số 2 trong bài báo [3] cho chúng ta kết quả nguy cơ gãy xương đùi như sau (tác giả không báo cáo, nhưng chúng ta có thể tính toán):
· Nhóm ăn thịt: 1.2
· Nhóm ăn cá: 0.9
· Nhóm ăn chay vegetarian: 0.6
· Nhóm ăn chay thuần tuý vegan: 1.2
Ah ha! kết quả trên cho thấy nhóm ăn cá và ăn chay vegetarian có nguy cơ gãy xương đùi THẤP hơn nhóm ăn thịt. Còn nhóm ăn chay thuần tuý có nguy cơ y như nhóm ăn thịt!
Vậy thì tại sao tác giả cho rằng ăn chay và ăn cá có nguy cơ gãy xương cao hơn nhóm ăn mặn? Họ đã sai? Không hẳn. Lí do là họ lí giải rằng nhóm ăn thịt có tuổi trung bình (50) cao hơn các nhóm ăn cá (43 tuổi), ăn chay vegetarian (40) và ăn chay thuần tuý (39). Ngoài ra, còn có sự mất cân đối với phân bố giới tính giữa các nhóm, như nhóm ăn thịt có nhiều nữ (77%) hơn nhóm ăn chay thuần tuý (64%). Do đó, họ phải dùng đến phương pháp hồi qui [6] để hiệu chỉnh.
Và, sau khi hiệu chỉnh họ thấy nhóm ăn cá và ăn chay có nguy cơ gãy xương cao hơn nhóm ăn mặn! Nói cách khác, kết quả mà họ báo cáo và kết luận là 'sản phẩm' của phân tích bằng mô hình thống kê; nó không phải là kết quả thật.
Câu hỏi kế tiếp là tại sao hiệu chỉnh bằng mô hình thống kê lại cho ra kết quả ngược lại với kết quả quan sát? Câu hỏi này khó trả lời, vì nó liên quan đến kĩ thuật và suy nghĩ hơi trừu tượng. Hai chữ 'hiệu chỉnh' (hay adjustment) trong nghiên cứu dịch tễ học và lâm sàng nhằm trả lời câu hỏi sau đây: nếu tất cả 4 nhóm (ăn thịt, ăn cá, ăn chay tài tử, và ăn chay thuần tuý) có cùng độ tuổi, cùng giới tính, cùng cân nặng, và cùng lối sống, thì nguy cơ gãy xương ra sao?
Câu trả lời theo kết quả phân tích của mô hình là: nếu tất cả 4 nhóm ăn mặn, ăn chay và ăn cá có cùng độ tuổi, cùng cân nặng, cùng lối sống, thì nhóm ăn cá và ăn chay có nguy cơ cao hơn nhóm ăn mặn. Nói cách khác, đó là một kết quả hoàn toàn theo mô hình, chớ không phải kết quả quan sát.
Hiểu như thế nào?
Câu hỏi quan trọng khác là: vậy kết luận của tác giả có đáng tin cậy không? Câu trả lời theo tôi là: KHÔNG. Tại sao? Có 3 lí do chánh:
1. Về mặt sinh học, thực phẩm ăn chay có nồng độ acid thấp trong xương (so với ăn mặn), giúp sự chu chuyển xương chậm hơn và do đó có tác động tích cực đến xương. Kết quả của nghiên cứu này không nhứt quán với qui luật sinh học, và do đó nó (kết quả) có thể sai lệch.
2. Về mặt phương pháp luận, khi một kết quả nghiên cứu trước khi hiệu chỉnh hoàn toàn khác với sau khi hiệu chỉnh bằng mô hình thống kê thì đó là tín hiệu cho thấy nghiên cứu có vấn đề về bias và yếu tố nhiễu mà tác giả không thể nào kiểm soát được [7]. Do đó, kết quả mà tác giả báo cáo bị sai lệch hay không phản ảnh sự thật.
3. Về mặt y văn, trước đây, chúng tôi đã có vài nghiên cứu với hàng trăm trích dẫn [8-9] cho thấy người ăn chay thuần tuý có sức khoẻ xương chẳng khác gì người ăn mặn. Tuy nhiên, họ (người ăn chay) có lượng calcium và vitamin D từ thực phẩm kém hơn người ăn mặn.
Đây là một bài học kinh điển về diễn giải kết quả nghiên cứu y khoa và phương pháp nghiên cứu. Không phải nghiên cứu nào cũng đáng tin cậy hay có độ tin cậy như nhau. Kết quả thống kê khác với kết quả quan sát thật -- đây là điều mà nhiều người không nhận ra.
Đây là nghiên cứu quan sát, chớ không phải nghiên cứu can thiệp, và do đó tác giả không thể kết luận theo kiểu nhân quả (causal inference) rằng ăn chay có hại cho sức khoẻ xương. Trong thực tế, kết quả thật của chính tác giả cho thấy nhóm ăn chay và ăn cá có nguy cơ gãy xương thấp hơn nhóm ăn mặn!
Do đó, chúng ta phải kết luận rằng ăn chay không có ảnh hưởng xấu đến loãng xương. Thật ra, có chứng cứ [10] cho thấy người ăn chay có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch (IHD) thấp hơn người ăn mặn. Ăn chay, theo cá nhân tôi thôi, có lợi cho sức khoẻ hơn là ăn mặn nhưng người ăn chay nên có lượng calcium và vitamin D đầy đủ để duy trì bộ xương cho tốt.
____
[1] https://thanhnien.vn/.../canh-bao-nguy-co-gay-xuong-khi...
[2] https://vtv.vn/.../nguoi-an-chay-thuan-co-nguy-co-gay...
[3] https://bmcmedicine.biomedcentral.com/.../s12916-020...
[4] https://vov.vn/.../khong-an-thit-lam-tang-nguy-co-gay...
[5] https://www.independent.co.uk/.../vegan-diet-nutrition...
[6] Xem video https://www.youtube.com/watch?v=lhxzJI-eg9s
[7] https://www.sciencedirect.com/.../pii/S2405525520301084
[8] https://www.nature.com/articles/ejcn2011131
[9] https://academic.oup.com/ajcn/article/90/4/943/4597049
[10] https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22677895