Thỏ tụ tập quanh một hố nước ở trại thử nghiệm bệnh nấm da trên đảo Wardang năm 1938. Ảnh: Wikimedia

 

 

Khi nước Úc sử dụng vũ khí sinh học để tiêu diệt thỏ cách đây 73 năm, số lượng thỏ giảm mạnh từ 600 triệu con xuống 100 triệu con, kéo theo một thảm họa ở Âu châu.

 

Vào thập niên 1950, nông dân chăn cừu và gia súc ở Úc quyết định giải quyết vấn đề thỏ trong nước bằng một vũ khí sinh học là virus myxoma gây bệnh nấm da. Loại virus thuộc nhóm poxvirus này chỉ gây ra triệu chứng nhẹ ở vật chủ tự nhiên là thỏ đuôi bông, nhưng thường gây tử vong ở giống thỏ Âu châu dồi dào tại Úc. Việc sử dụng virus giảm đáng kể số lượng thỏ tại Australia, dẫn tới phục hồi kinh tế nhanh chóng đối với ngành công nghiệp sản xuất len và thịt, tạo ra hàng triệu USD trong vòng hai năm. Tuy nhiên, nỗ lực áp dụng biện pháp sinh học tương tự tại châu Âu kết thúc trong thảm họa, theo Amusing Planet.

 

Thỏ được giới thiệu lần đầu tiên ở Úc vào năm 1788 để lấy thịt, ban đầu nhân giống trong những trang trại và chuồng nuôi thỏ, cho tới khi một cư dân quyết định thả thỏ trong sân nhà để các vị khách săn bắn mua vui. Một số con thỏ trốn thoát và bắt đầu sinh sôi. Trong vòng vài năm, thỏ lan khắp cả nước, ăn hoa màu, cây bụi và cây trồng, gây xói mòn đất và phá hủy sinh thái.

 

Năm 1887, thiệt hại do thỏ gây ra lớn đến mức Ủy ban thỏ liên thuộc địa treo thưởng 31.813 đô-la cho "bất kỳ ai nghĩ ra biện pháp mới hiệu quả để tiêu diệt thỏ". Họ nhận được hàng nghìn đề xuất. Săn bắn và đầu độc thỏ là biện pháp phổ biến nhất được đưa ra để giải quyết vấn đề. Cuối cùng, một hàng rào khổng lồ được dựng lên vào năm 1901 - 1907 để ngăn chặn thỏ từ các vùng đồng cỏ ở Tây Úc. Mang tên hàng rào ngăn thỏ, ban đầu công trình trải dài 1.800 km, sau đó nó được mở rộng và gia cố thêm, nhưng không thành công. Thỏ tiếp tục gây đau đầu cho nông dân chăn nuôi gia súc.

 

Năm 1906 - 1907, Jean Danysz ở Viện Pasteur tại Paris, tiến hành thử nghiệm một chủng vi khuẩn Pasteurella do ông phát triển, có thể khiến thỏ tử vong. Tuy nhiên, thí nghiệm không cho kết quả như mong muốn. Dù người kế nhiệm Danysz là Frank Tidswell tiếp tục thí nghiệm của ông với loại vi khuẩn khác, chính phủ liên bang từ chối cấp kinh phí. Tình hình thay đổi khi nhà virus học người Australia chứng minh virus myxoma giết chết thỏ trong vòng 9 - 11 ngày và tỷ lệ tử vong gần đến 99,8%. Để chứng minh với nhà chức trách rằng virus vô hại với con người, Fenner và hai đồng nghiệp thậm chí tự tiêm virus myxoma mà không bị ảnh hưởng.

 

Năm 1950, virus myxoma được tiêm lần đầu tiên vào quần thể thỏ. Trong vòng 3 tháng, số lượng thỏ giảm mạnh từ ước tính 600 triệu con xuống khoảng 100 triệu con. Dù cuối cùng, thỏ phát triển đề kháng với dịch bệnh, cho phép một số con sống sót và quần thể phục hồi tới mức nhất định, nhưng không bao giờ trở lại mức trước năm 1950.

 

Tin tức về hiệu quả của virus myxoma truyền tới Âu châu, nơi nhà vi khuẩn học người Pháp Paul-Félix Armand-Delille quyết định sử dụng nó ở dinh thự rộng 243 hecta của ông tại Maillebois ở Eure-et-Loir, cách không xa Paris. Armand-Delille tiêm virus vào hai con thỏ lấy từ một phòng thí nghiệm ở Lausanne, và thả đôi thỏ vào dinh thự. Trong vòng 6 tuần, 98% số thỏ ở dinh thự của ông chết. Tuy nhiên, sau 4 tháng, virus đã lây lan khi nhà chức trách phát hiện xác một con thỏ nhiễm bệnh ở cách đó 50 km.

 

Trong vòng một năm sau đó, gần một nửa số thỏ hoang dã ở Pháp chết do dịch bệnh, cùng với 1/3 thỏ nuôi. Dịch bệnh tiếp tục lan khắp Tây Âu, tiêu diệt quần thể thỏ ở Hà Lan, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Anh và nhiều nơi khác. Tác động tới quần thể thỏ ở Pháp gây choáng váng. Trong mùa săn vào năm giải phóng virus (năm 1952 - 1953) tổng số lượng thỏ bị giết trong 25 đợt săn lên tới 55 triệu con. Vào năm 1956 - 1957, chỉ 1,3 triệu con thỏ bị bắn bởi thợ săn, giảm 98%.

 

Armand-Delille hứng chịu sự chỉ trích từ thợ săn thỏ nhưng nhận được sự khích lệ từ các nông dân và người trồng rừng. Ông bị khởi tố vào tháng 1/1955, buộc tội và phải nộp phạt 5,000 franc. Dù vậy, sau này ông được vinh danh, nhận huân chương vàng vào tháng 6/1956 để ghi nhận thành tích từ Bernard Dufay, bộ trưởng Bộ sông ngòi và lâm nghiệp Pháp. Huân chương có hình Armand-Delille ở một mặt, và, mặt còn lại in hình xác một con thỏ.

 

Qua nhiều thập niên, quần thể thỏ ở Âu châu đã tăng dần khi loài vật phát triển sức đề kháng tự nhiên với dịch bệnh. Một cuộc khảo sát tiến hành ở Anh năm 2005 ghi nhận quần thể thỏ tăng 2/3 lần cách mỗi hai năm.

 (Theo Amusing Planet)