Thuyết tiến hóa ra đời vào thế kỷ 19, khi mà Thuyết vô thần đang chiếm ưu thế. (Ảnh: Tổng hợp)

 

 

Thuyết tiến hóa còn quá nhiều sơ hở không thể giải thích, nhưng tại sao nhiều người lại một mực coi nó là chân lý, mà không dám lật lại vấn đề? Có lẽ điều này liên quan tới bối cảnh xuất hiện của nó. Vào những năm 1800, châu Âu rơi vào khủng hoảng niềm tin và thuyết vô thần trở nên phổ biến. Khi Darwin đề xuất Chọn lọc tự nhiên là cơ chế tiến hóa của sự sống, ông đã khoác lên nó cái mác 'khoa học'.

 

Nhân loại khác với loài vượn như thế nào? Có khá nhiều điểm khác biệt, từ diện mạo, dáng đi cho tới sức mạnh và khả năng giao tiếp. Tuy vậy, một số người lại tin rằng giữa người và vượn có quan hệ họ hàng gần, theo trích dẫn của một tờ báo xuất bản năm 1975, rằng giữa hai loài chỉ có 1% khác biệt về gen. Nhiều nghiên cứu chuyên sâu cho thấy điều này không hề đơn giản như vậy.

 

Năm 2005, Hiệp hội Nghiên cứu và Giải mã trình tự gen của vượn đã nghiên cứu bộ gen của loài này và phát hiện có thêm khoảng 3% khác biệt nữa giữa việc chèn và xóa gen so với bộ gen của người, ông Jon Cohen cho biết trong một báo cáo khoa học vào năm 2007 với tiêu đề: “Khác biệt tương đối: Sự hoang đường của 1%” (Relative Differences: The Myth of 1%). Hơn nữa, các phân tích gen bằng máy tính tại Đại học Indiana cho thấy bộ gen người và vượn có khoảng 6,4% sự khác biệt.

 

Những thách thức từ phương diện Cổ sinh vật học của Thuyết tiến hóa 

Mặc dù nhiều người có xu hướng tiếp nhận thuyết tiến hóa, song nhiều bằng chứng, đặc biệt trong lĩnh vực cổ sinh vật học, lại đặt ra nhiều thách thức cho thuyết tiến hóa.

 

Thứ nhất, Charles Darwin coi tiến hóa là một quá trình chậm, diễn ra từ từ. Nhưng nhiều nhà giải phẫu học và cổ sinh vật học lại phát hiện rằng tiến hóa vi mô (trong một loài) thì có thể giải thích được, nhưng tiến hóa vĩ mô (từ loài này thành loài khác) thì không thể chứng minh được.

 

Thứ hai, hiện tượng tuyệt chủng đã diễn ra trong suốt trong lịch sử. Các nhà khoa học gọi sự biến mất của 0,1 tới 1 loài trên 10.000 loài trong mỗi 100 năm là “tuyệt chủng thông thường”. Một dạng tuyệt chủng khác có thể làm biến mất 75% chủng loài trên thế giới trong một khoảng thời gian địa chất ngắn, gọi là ‘ đại tuyệt chủng’ hay tuyệt chủng hàng loạt. Trong khi tuyệt chủng thông thường có thể giải thích được bằng thuyết tiến hóa thì tuyệt chủng hàng loạt vẫn là một ẩn đố.

 

Thứ ba, đối lập với tuyệt chủng hàng loạt, sự xuất hiện đột ngột của một số lượng lớn các loài thì chắc chắn là một thách thức lớn. Ví dụ như hiện tượng bùng nổ [chủng loài] trong kỷ Cambri cách đây khoảng 540 triệu năm cùng với sự phân hóa mạnh giữa các nhóm sinh vật trong một thời gian ngắn. Bản thân Darwin cũng lấy làm khó hiểu về điều này. Ông viết: “Đối với câu hỏi tại sao chúng ta không tìm thấy nhiều di chỉ hóa thạch thuộc về các giai đoạn… này trước hệ Cambri, tôi không thể đưa ra được câu trả lời thỏa đáng”. Tương tự với đợt tuyệt chủng trong kỷ Trias-Jura, nó mâu thuẫn với mô hình chọn lọc tự nhiên và sinh tồn của những cá thể mạnh nhất.

Thuyết tiến hóa không thể giải thích được sự xuất hiện đột ngột các loài trong Hồ sơ hóa thạch. (Ảnh: James St. John/Flickr)

 

 

Thứ tư, những tiến bộ ở cấp độ phân tử đã hướng các nhà sinh học hiện đại đưa ra thuyết tiến hóa phân tử trung tính. Có nghĩa là, hầu hết các đột biến là trung tính, chứ không phải là các đột biến có lợi. Các đột biến xuất hiện ở một tỷ lệ khá ổn định, độc lập với quần thể, tuổi thọ loài, khả năng sinh sản, hay môi trường sống. Các yếu tố này đã làm suy yếu tầm quan trọng của chọn lọc tự nhiên mà Darwin đề xuất.

 

Thứ năm, một bài viết năm 2009 của Viện Cổ sinh vật học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc chỉ ra rằng các nhà sinh thái học đã phát hiện ra các loài và quần thể vẫn duy trì sự cân bằng với các loài khác cũng như môi trường sống. Nếu chỉ đơn thuần tập trung vào sự sống sót của những cá thể mạnh nhất thì sẽ bị thiên lệch, bởi vì thực tế là các loài dựa vào nhau để cùng tồn tại trong một hệ sinh thái.

 

Những thách thức từ phương diện hóa sinh học 

Ngoài những vấn đề đã đề cập bên trên còn có nhiều lập luận đáng chú ý. Năm 1985, học giả người Úc gốc Anh Michael Denton đã công bố bài viết “Tiến hóa: một học thuyết khủng hoảng” (Evolution: A Theory In Crisis in 1985). Ông viết: “Sự phức tạp của các dạng sống đơn bào đơn giản nhất vốn đã vô cùng phức tạp, tới mức khó có thể chấp nhận rằng chúng lại đột nhiên hòa trộn vào nhau bởi một số hiện tượng kỳ quặc và hầu như không thể xảy ra nào đó. Nếu có thể xảy ra như vậy thì chẳng khác nào một phép màu”.

 

Trong cuốn sách của mình, Denton viết, thật không hợp lý khi ngoại suy tiến hóa vi mô thành tiến hóa vĩ mô và sản sinh ra các loài mới. Trên thực tế, ngay cả bản thân Darwin cũng tuyên bố lực tác động của tự nhiên là từ từ và liên tục. Ông từng viết: “Tự nhiên không tạo ra bước nhảy vọt” (Natura non facit saltum). Nhưng thực tế là, sự phân loại mỗi loài rất khắt khe và không chỉ theo những đặc tính của mỗi loài, mà sự phân loại không liên tục còn phải được củng cố bằng các bằng chứng về DNA và hóa thạch.

Lấy cảm hứng từ cuốn sách Denton, Michael Behe, một giáo sư hóa sinh, đã trở thành người ủng hộ mạnh mẽ cho thuyết thiết kế thông minh. Lấy bẫy chuột làm ví dụ, ông giải thích rằng: “Tất cả các bộ phận như đế, móc mồi, lò xo, cần sập, và thanh giữ, đều phải liên kết với nhau để bẫy chuột hoạt động được, bỏ đi bất cứ bộ phận nào sẽ làm hỏng chức năng của cả cái bẫy”. Nói cách khác, chọn lọc tự nhiên không thể tạo ra một hệ thống phức tạp như vậy. Ông gọi khái niệm này là sự phức tạp không thể tối giản (irreducible complexity, IC).

 

Michael Behe lấy roi của một loài vi khuẩn làm ví dụ để giải thích rõ khái niệm này. Loại vi khuẩn này có một bộ phận để di động, đó là cơ quan tế bào hình roi, gọi là “tiên mao”. Nhìn thì đơn giản, nhưng trên thực tế, “tiên mao” là một hệ thống cực kỳ tinh vi và có chức năng hoàn chỉnh như hấp thụ năng lượng, truyền lực, vận động, định hướng, v.v.. Mà những chức năng này lại đòi hỏi sự tương tác của khoảng 40 bộ phận hữu cơ mới có thể thực hiện. Vì “một hệ thống độc lập được cấu thành từ một số bộ phận tương thích và có tương tác với nhau để góp phần tạo ra chức năng cơ bản, mà nếu loại bỏ bất kỳ bộ phận nào đều khiến hệ thống không hoạt động hiệu quả được nữa”, nên Behe coi “một hệ thống phức tạp không thể tối giản mà thiếu mất một bộ phận sẽ bị kết luận là hỏng. Nghĩa là, nó lẽ ra không thể tiến hóa dần dần thông qua chọn lọc tự nhiên”.

 

Những phát hiện gần đây cũng đặt ra nhiều câu hỏi về thuyết tiến hóa. Ngày 12 tháng 1, Tạp chí Nature của Mỹ công bố bài viết có tiêu đề “Sai lệch đột biến phản ánh sự chọn lọc tự nhiên ở Arabidopsis Thaliana [một loài thực vật thân thảo]” (Mutation bias reflects natural selection in Arabidopsis thaliana). Grey Monroe, tác giả chính của bài viết này của Trung tâm UC Davis, nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn tưởng đột biến, về cơ bản, là ngẫu nhiên trên toàn bộ bộ gen. Nhưng hóa ra đột biến không phải là ngẫu nhiên theo hướng có lợi cho loài thực vật này. Đây là cách nhìn hoàn toàn mới về đột biến”.

 

Thuyết tiến hóa xuất hiện khi thuyết vô thần trở nên phổ biến

Thuyết tiến hóa còn quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải. Nhưng tại sao nhiều người lại một mực coi nó là chân lý, mà không dám lật lại vấn đề? Có lẽ điều này liên quan tới bối cảnh xuất hiện thuyết tiến hóa.

 

Thuyết tiến hóa đã có từ trước cả Darwin. Nhưng chọn lọc tự nhiên mà ông đề xuất lại được khoác lên cái mác khoa học. Khi châu Âu rơi vào giai đoạn khủng hoảng về đức tin vào những năm 1800, thuyết vô thần đã trở nên phổ biến. Năm 1848, Karl Marx xuất bản cuốn “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” (The Communist Manifesto). Năm 1859, 11 năm sau, Darwin xuất bản cuốn “Nguồn gốc các loài” (Origin of Species). Nhiều nhà lịch sử học cho biết Marx đã đọc cuốn sách của Darwin vài lượt và đưa những ý tưởng trong đó vào các tác phẩm của mình. Marx còn đề nghị dành tặng một phần sách của mình cho Darwin, nhưng lời đề nghị này đã bị từ chối.

 

Thuyết tiến hóa của Darwin và thuyết vô thần của Marx đều lấy một cơ sở chung. Tiêu đề đầy đủ cuốn sách của Darwin là “Bàn về nguồn gốc các loài thông qua chọn lọc tự nhiên và sự sinh tồn của kẻ mạnh trong quá trình bảo tồn các loài được chọn” (On the Origin of Species by means of natural selection and the Survival of the Fittest in the Preservation of Favoured Races). Khái niệm đấu tranh sinh tồn rất phù hợp với tư tưởng đấu tranh giai cấp trong xã hội của Marx. Trong phần đầu của “Tuyên ngôn của chủ nghĩa cộng sản”, Marx viết: “Lịch sử của mọi xã hội tồn tại cho đến nay là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp”.

 

Trong thực tiễn, thuyết tiến hóa đã trở thành vũ khí chủ đạo để Marx thúc đẩy thuyết vô thần. Nhà nghiên cứu Hoa Kỳ Conway Zirkle giải thích, “Marx và Engels tán đồng thuyết tiến hóa gần như ngay sau khi Darwin xuất bản cuốn ‘Nguồn gốc các loài’. Tất nhiên, tiến hóa là điều mà những người vô thần cần để giải thích sự xuất hiện của nhân loại mà không có sự can thiệp của bất kỳ lực lượng siêu nhiên nào, họ dùng nó làm nền tảng cho triết học duy vật của mình”.

 

Khoa học của nhân loại vô cùng nhỏ bé để tìm hiểu về ‘Tạo hóa’

Nhiều người tin rằng Nicholas Copernicus, Isaac Newton, và Albert Einstein là những bậc thầy khoa học vĩ đại trong lịch sử bởi những phát minh mà họ mang lại cho nhân loại. Nhưng tất cả họ đều dám đi tìm chân lý, ngay cả khi điều đó có nghĩa là phải thách thức giới khoa học hiện đại.

 

Nhà bác học thiên tài Einstein luôn tin tưởng vào Thần học. (Ảnh: wallpaperflare)

 

 

 

Nhưng khi Thuyết tiến hóa và Chủ nghĩa vô Thần giữ vai trò chủ đạo trong xã hội thì bất cứ ai dám bày tỏ ý kiến trái chiều thường gặp phải sự phản kháng nghiêm trọng. Sau khi hơn 500 tiến sỹ khoa học ký một tuyên bố công khai bày tỏ sự hoài nghi về Thuyết tiến hóa đương đại của Darwin, Trung tâm Giáo dục Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ đã có lời chỉ trích những người ký tên thay vì tập trung vào những câu hỏi chưa có lời giải của họ.

 

Trên thực tế, Copernicus, Newton và Albert Einstein đều rất khiêm nhường và đều phản đối Chủ nghĩa vô thần. Họ coi tri thức là món quà của Thần chứ không phải là vũ khí để chống lại đấng quyền năng.

 

Copernicus viết: “Hiểu được những công trình tuyệt tác của Thượng đế; lĩnh hội được trí huệ, sự uy nghiêm và quyền năng của Ngài; tôn trọng sự vận hành tuyệt diệu của các quy luật của Ngài, chắc hẳn đều là một hình thức kính ngưỡng khiến Đấng Tối Cao hài lòng và chấp nhận, mà đối với Ngài, sự kém hiểu biết còn đáng quý hơn sự hiểu biết”.

 

Newton viết: “Tôi không biết mình có ý nghĩa như thế nào với thế giới, nhưng đối với tôi, có lẽ tôi chỉ như một cậu bé đang chơi đùa trên bờ biển, đôi lúc trong vui vầy, tôi tìm thấy một hòn sỏi trơn nhẵn hơn hay một vỏ ốc đẹp hơn bình thường, trong khi cả đại dương chân lý chưa khám phá được vẫn trải bao la phía trước. Khi không có bất cứ bằng chứng nào khác, thì chỉ riêng ngón tay cái này thôi cũng đủ để thuyết phục tôi về sự hiện hữu của Thần”.

 

Einstein viết, “Tôi muốn biết Thượng đế đã tạo ra thế giới này như thế nào. Tôi không quan tâm hiện tượng này kia ra sao, không quan tâm đến quang phổ của nguyên tố này hay nguyên tố kia. Tôi chỉ muốn biết suy nghĩ của Ngài. Còn lại chỉ là những điều vụn vặt. Tôi thấy một mô hình, nhưng trí tưởng tượng của tôi không sao hình dung ra người đã tạo ra mô hình ấy. Tôi nhìn thấy chiếc đồng hồ, nhưng không sao hình dung ra người tạo ra đồng hồ. Tâm trí con người không thể nhận thức được bốn chiều không gian, vậy làm sao có thể tưởng tượng ra được một vị Thần, mà đối với Ngài, 1.000 năm và 1.000 chiều không gian cũng chỉ như một?”

 

Từ Công xã Paris tới Liên Xô, rồi đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày hôm nay, các chính quyền này đều cổ xúy cho Thuyết tiến hóa và Thuyết vô thần nhằm xóa bỏ các giá trị truyền thống và đạo đức trong xã hội. Họ sẽ không để cho bất kỳ ý kiến trái chiều nào được phép tồn tại. Rốt cuộc, Darwin cổ xúy “mạnh sống yếu thua” (đấu tranh sinh tồn), và Marx cổ xúy “đấu tranh giai cấp”. Ưu tiên cao nhất của họ là sinh tồn của cá thể chứ không phải là mang lại lợi ích cho xã hội nhân loại.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. 

(ntdvn.net - Theo Minh Huệ Net)