AUSTRALIA - Một nghiên cứu của Đại học Tây Úc cho thấy nguy cơ cao huyết áp ở người trưởng thành có thể bắt nguồn từ trước khi họ được sinh ra.

 

Ảnh minh họa (Nguồn: AP)

 

 

Trong nghiên cứu được công bố ngày 3/3 trên Tạp chí Tăng huyết áp, các nhà khoa học đã sử dụng số liệu thống kê từ Nghiên cứu Raine, vốn theo dõi một nhóm thanh niên trong suốt cuộc đời của họ kể từ khi họ còn là những đứa trẻ sơ sinh.

 

Các nhà nghiên cứu sau đó sử dụng các phương pháp đo siêu âm để lập mô hình quỹ đạo phát triển trong tử cung ở các giai đoạn khác nhau của thai kỳ. Họ nhận thấy rằng huyết áp cao hơn ở tuổi trưởng thành có liên quan đáng kể đến sự phát triển bị hạn chế của thai nhi và tốc độ tăng trưởng thấp kéo dài.

 

Ông Ashish Yadav, tác giả chính của nghiên cứu và là bác sĩ sức khỏe cộng đồng, cho biết: “Chúng tôi phát hiện trẻ sơ sinh phát triển đầu và bụng dưới mức trung bình, có nguy cơ bị tăng huyết áp khi trưởng thành với chỉ số huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) cao hơn 3,5 mmHg."

 

Các nghiên cứu dân số đã chỉ ra rằng huyết áp cao hơn 3,5 mmHg ở người trưởng thành tương ứng với nguy cơ tử vong do bệnh tim cao hơn 6-10% và nguy cơ đột quỵ cao hơn 10%.

 

Ông cho biết nghiên cứu này cung cấp bằng chứng mới cho thấy có các mô hình phát triển khác nhau của bào thai và chúng đóng một vai trò quan trọng dẫn tới nguy cơ tiến triển các bệnh tim và đột quy trong tương lai.

 

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng lối sống và các yếu tố môi trường của các thai phụ cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ của thai nhi sau này.

 

Theo ông Yadav, việc hút thuốc hay cân nặng và tăng huyết áp của các sản phụ và bệnh tiểu đường thai kỳ đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Các can thiệp y tế sớm để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ trên có thể làm giảm khả năng mắc bệnh tim mạch trong tương lai.