Tre có thể là xu hướng bởi vì mọi người nghĩ rằng nó thân thiện với môi trường và liên kết nó với sự bền vững. Nguồn: SBS

 

 

Không phải bất kỳ loại vải sợi tre nào mà bạn mua trên thị trường cũng đều bền vững và thân thiện với môi trường. Trên thực tế, một số loại vải đã trải qua quy trình sản xuất với nhiều hoá chất độc hại.

 

Vải sợi tre đã trở nên phổ biến trong một thập niên qua với các sản phẩm như khăn trải giường, bao gối, tã lót và quần áo.

 

Nhiều người chuyển sang sử dụng vải sợi tre vì cho rằng chất liệu này bền vững và thân thiện với môi trường. Nhưng điều này có hoàn toàn đúng?

 

Một số chuyên gia về dệt may đã gọi việc tiếp thị vải sợi tre trong những năm gần đây là một hành vi “greenwashing”, tức đưa ra những tuyên bố sai lệch về môi trường để trục lợi.

 

 

Một số loại tre có thể phát triển từ một chồi nhỏ đến một cây trưởng thành hoàn toàn trong vòng chưa đầy hai tháng. Nguồn: Getty/Auscape/Universal Images Group

 

Tên gọi khác của vải sợi tre

Bà Rebecca Van Amber, giảng viên cao cấp ngành thời trang và dệt may thuộc Đại học RMIT, cho biết người Úc đã hiểu sai về các loại “vải sợi tre” trên thị trường.
 

Khi người tiêu dùng mua các mặt hàng được dán nhãn “vải sợi tre” trên thị trường, thực chất họ đang mua vải viscose, còn có tên gọi khác là vải rayon, với quy trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất có độc tính cao.

Bà nói “Vải viscose là một trong những loại vải sợi bán tổng hợp có lịch sử lâu đời nhất. Mặc dù nó được tạo ra từ cellulose và có nguồn gốc tự nhiên, nhưng lại sử dụng rất nhiều chất hoá học trong quá trình sản xuất.”

 

Bà Van Amber mô tả quá trình sản xuất vải viscose tương tự như sản xuất giấy, với bột gỗ được phân hủy trong chất lỏng, tuy nhiên trong trường hợp của vải viscose, chất lỏng này là một chất hóa học mạnh.

 

Trong khi đó, vải làm từ sợi tre thực tế được gọi là “bamboo lyocell” và phần lớn được bán bởi một công ty đã đăng ký thương hiệu cho loại vải này.

 

So với vải viscose có nguồn gốc từ tre, rất ít vải lyocell được bán ra thị trường vì quy trình sản xuất đắt đỏ.

 

Mối quan tâm về môi trường và sức khỏe

Một giảng viên khác tại Đại học RMIT, là ông Saniyat Islam, nói với SBS News rằng 99% sản phẩm vải sợi tre mà người Úc mua thực chất là vải viscose có nguồn gốc từ tre.
 

Ông cho biết các hóa chất được sử dụng để tạo ra vải viscose bao gồm “một lượng lớn axit sulfuric, carbon disulphide và natri hydroxit”.
 

Rất nhiều vải viscose có nguồn gốc từ tre được bán tại Úc có xuất xứ từ Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ.
 

Ông nói “Khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch của những quốc gia này khá thấp. Vì vậy, trừ phi điều gì đó như vụ Rana Plaza xảy ra, chúng ta sẽ không biết về những điều đó.”

 

Rana Plaza là một xí nghiệp may mặc ở Dhaka, Bangladesh, được xây dựng bằng vật liệu không đạt tiêu chuẩn và bị sập vào năm 2013, khiến hơn 1.100 công nhân thiệt mạng.

Ông nói “Và có rất nhiều thông tin cho rằng carbon disulphide có thể gây tử vong cho người lao động và những tác động lâu dài đối với sức khoẻ của người sử dụng nó.”

 

Sự mất kết nối giữa hiểu biết của chúng ta về dệt may

Bà Van Amber cho biết nhiều người tiêu dùng đã bị lừa khi cho rằng vải sợi tre được bán tại các cửa hàng ở Úc là thân thiện với môi trường do hình ảnh cây tre xanh và gấu panda được sử dụng trong tiếp thị.


bà nói “Chúng ta đang trải qua một sự mất mát lớn về kiến thức trong lĩnh vực này, mọi người không còn biết may vá, họ thậm chí còn không biết giặt quần áo,”
“Có một sự chảy máu chất xám khổng lồ xảy ra với sự hiểu biết và kiến thức về các loại vải và vật liệu dệt khi tất cả hoạt động sản xuất của chúng ta đều chuyển ra nước ngoài.”

 

Bà cho biết có rất ít nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực này.

“Một người tiêu dùng bình thường có thể không biết sự khác biệt giữa các loại sợi khác nhau hoặc giữa dệt kim và dệt thoi, họ không biết sự phức tạp và các chi tiết của hoạt động sản xuất.”

 

Gối, ga trải giường, tã vải và quần áo là một trong những mặt hàng làm từ vải tre. Ảnh: Getty/Chantal Routhier

 

 

 

Ông Islam kêu gọi chính phủ đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn về nhãn mác sản phẩm.

Ông nói “Chúng ta cần các nhãn mác phù hợp với nội dung trung thực.”

 

Liên minh Châu Âu và Hoa Kỳ đã yêu cầu các nhà sản xuất phải dán nhãn “vải viscose có nguồn gốc từ tre” (“bamboo viscose”) thay vì “vải sợi tre” (“bamboo”).

 

Bên cạnh đó, ông Islam cho biết những người bán vải viscose có nguồn gốc từ tre ở Úc tuyên bố rằng sản phẩm này mang lại những lợi ích như khả năng chống tia cực tím hoặc chống vi khuẩn là không đúng, vì những đặc tính này đã bị mất đi trong quá trình sản xuất.

Ông nói “Những công ty tuyên bố rằng sản phẩm của họ có xếp hạng chống tia cực tím cao hoặc đại loại như vậy, điều đó hoàn toàn là hành động tẩy xanh.”

 

Một phát ngôn nhân của Uỷ ban Giám sát Cạnh tranh và Người tiêu thụ Úc (ACCC) không thể cho biết họ đã nhận được bao nhiêu khiếu nại về các vấn đề liên quan, nhưng khẳng định việc một doanh nghiệp đưa ra tuyên bố sai hoặc gây hiểu lầm là bất hợp pháp.

Ông nói “Điều này bao gồm những thông tin sai lệch về việc sản phẩm có một thành phần hoặc thuộc tính cụ thể nào đó.”

 

ACCC gần đây đã xem xét các khiếu nại về hành vi tẩy xanh của các doanh nghiệp Úc trên mạng, và nhận thấy một số lượng lớn các khiếu nại liên quan đến hàng dệt may.

 

Nhiều yếu tố phải cân nhắc

Bà Van Amber nhấn mạnh bà không bài xích bất kỳ loại sợi cụ thể nào, mỗi loại đều có công dụng riêng, nhưng điều quan trọng là người tiêu dùng phải hiểu chính xác những gì họ mua.
 

Nhìn chung, vải viscose có nguồn gốc từ tre có thể là một lựa chọn tốt hơn trong một số trường hợp.
bà nói “Nó không tệ như vải viscose hoặc rayon được sản xuất từ việc khai thác rừng già và chúng tôi biết điều đó vẫn đang xảy ra.”

 

Và mặc dù tre được xem là một loại cây trồng bền vững, nó cũng có một số vấn đề.

 

Tương tự như dầu cọ, tre được trồng theo kiểu độc canh – tức chỉ trồng một loại cây trong một khu vực nhất định.

Bà nói “Vì vậy, nó không mang lại sự đa dạng sinh học hoặc môi trường sống cho động vật hoặc tác động sinh thái tương tự như một khu rừng.”