Kết quả một nghiên cứu công bố mới đây tại Úc cho thấy: Trẻ em dành quá nhiều thời gian trước màn hình TV hoặc máy tính có thể sẽ bị giảm sút kết quả học tập.

 

 

Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI) đã tiến hành phân tích dữ liệu của 1.239 em, dựa trên kết quả của Chương trình Đánh giá quốc gia về kỹ năng đọc viết và tính toán (NAPLAN) ở Úc.

 

 

Kết quả cho thấy: Đối với những trẻ 8 và 9 tuổi, việc xem TV 2 giờ đồng hồ mỗi ngày có thể làm ảnh hưởng đến khả năng đọc khi các em lên 10 và 11 tuổi, trong khi dành hơn 1 giờ đồng hồ mỗi ngày trước màn hình máy tính cũng dẫn tới suy giảm kỹ năng tính toán.

 

 

 

 

 

Hình: CNN.

 

 

 

Theo đó, trẻ ở độ tuổi 8 - 9 xem TV hơn 2 giờ/ngày có điểm đọc và tính toán thấp hơn 12 điểm so với những trẻ xem TV ít hơn 2 giờ/ngày.

 

 

Trong khi đó, điểm số môn toán ở những trẻ dùng máy tính hơn 1 giờ/ngày cũng thấp hơn 14 điểm. Tuy nhiên, nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ giữa việc chơi trò chơi điện tử và kết quả học tập.

 

 

Chuyên gia Lisa Mundy tại MCRI cho biết: TV và máy tính đã trở thành hình thức giải trí phổ biến nhất đối với trẻ em. Song việc dành quá nhiều thời gian trước các thiết bị điện tử này có thể làm sa sút kết quả học tập và giảm khả năng tập trung.

 

 

Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện này sẽ có thể là cơ sở để các bậc phụ huynh, giáo viên và bác sỹ cân nhắc loại hình và thời lượng tiếp xúc với TV và máy tính trong việc lập kế hoạch học tập cho trẻ em.