Một con cá mập hổ (Viện Khoa học Hàng hải Úc cung cấp). Ảnh: Viện Khoa học Hàng hải Úc
QUỐC TẾ - Một nghiên cứu quốc tế mới về hàng trăm rạn san hô trên khắp thế giới đã phát hiện việc đánh bắt quá mức đang khiến cá mập sống tại các rạn san hô bị tuyệt chủng. Tuy nhiên, cá mập sống tại các rạn san hô tại Úc đang phát triển tốt hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới.
Một nghiên cứu mới phát hiện quần thể cá mập sống tại rạn san hô và cá đuối trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn nhiều so với những gì từng suy nghĩ.
Thủ phạm dẫn đến sự tuyệt chủng của chúng là gì? Đó là việc đánh bắt quá mức và tràn lan.
Hơn 150 nhà nghiên cứu từ hơn 120 tổ chức trên khắp thế giới đã đóng góp vào một nghiên cứu quan trọng, kéo dài trong 5 năm, là một phần thuộc chương trình Global FinPrint, và công trình đã được xuất bản trên tạp chí Khoa học ngày 16 tháng 6.
Các kết quả được tập hợp từ 22.000 giờ quay phim từ các camera đặt dưới nước có gắn mồi, tại 391 rạn san hô ở 67 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Giáo sư Joshua Cinner thuộc trường Đại học James Cook là đồng tác giả của nghiên cứu.
Các rạn san hô trên thế giới chỉ có khoảng một phần ba số lượng cá mập đang sinh sống, so với những gì bạn mong đợi, nếu không có hoạt động đánh bắt cá. Và đặc biệt, chúng tôi đã nghiên cứu gần 400 rạn san hô nhiệt đới trên khắp thế giới, để biết rằng số lượng của năm loài cá mập rạn san hô chính đã cạn kiệt tới mức 63%, cũng như chúng đã biến mất hoàn toàn khỏi gần 15% số lượng rạn san hô.
Năm loài cá mập chính sống trên các rạn san hô là cá mập rạn san hô xám, cá mập rạn san hô blacktip, cá mập rạn san hô trắng, cá mập nurse và cá mập rạn san hô Caribbe.
Tiến sĩ Conrad Speed là một nhà sinh thái học về biển tại Viện Khoa học Biển Úc, ông nói cá mập đóng vai trò sinh thái quan trọng.
Hầu hết mọi người khi nghĩ đến cá mập, họ sẽ ngay lập tức nói rằng chúng ăn những loài cá khác, đúng không nào? Đó cũng có lẽ là một trong những vai trò chính của cá mập. Nhưng tôi nghĩ vai trò của chúng còn xa hơn thế. Khi săn mồi nhiều loài cá khác, nghĩa là chúng giúp duy trì mức độ ổn định trong cộng đồng cá của chúng ta. Chúng cũng có những vai trò khác mà chúng ta đang bắt đầu tìm hiểu thêm, chẳng hạn những thứ như chuyển giao chất dinh dưỡng xung quanh chúng, ngay trong các môi trường sống khác nhau của chúng, chẳng hạn như các đỉnh rạn san hô đến các khu vực đầm phá và phía sau rạn san hô. Và chúng tôi bắt đầu nghĩ rằng cá mập có thể đóng một vai trò trong việc giúp các rạn san hô phục hồi, sau những xáo trộn do lốc xoáy gây ra chẳng hạn.
Các nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhận thấy một xu hướng, đó là tại các quốc gia giàu có hơn thì đàn cá mập có xu hướng sinh sôi khỏe mạnh hơn, trong khi tại các quốc gia nghèo hơn có xu hướng mất nhiều cá mập rạn san hô hơn.
Tiến sĩ Cinner nói nghiên cứu này thực sự chỉ ra sự cần thiết phải quản lý tốt hơn cá mập rạn san hô trên toàn cầu.
Cá mập rạn san hô có thể là một nguồn thu nhập chính cho du lịch. Mọi người đến đây từ khắp nơi trên thế giới để lặn với cá mập rạn san hô. Vì vậy, những nơi đã đánh bắt cạn kiệt nguồn cá mập rạn san hô đang thực sự bỏ lỡ một cơ hội kinh tế và một tiềm năng vô cùng quan trọng.
Nghiên cứu cũng cho thấy Úc thực sự có kết quả tốt hơn so với phần còn lại của thế giới.
Tiến sĩ Cinner giải thích.
Đối với chúng ta, đó là một tin tốt vì bờ biển phía đông của Úc là một trong những điểm sáng trên toàn cầu đối với đàn cá mập rạn san hô. Và ở đây, quần thể cá mập rạn san hô chỉ cạn kiệt khoảng 25%. So với những nơi khác, điều này thực sự rất tốt. Chỉ khoảng bốn khu vực pháp lý khác mà chúng tôi nghiên cứu có mức độ cạn kiệt thấp hơn. Nhưng, nó còn lâu mới đạt được sự nguyên sơ như Úc. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là phải nhận ra rằng chúng ta đã làm rất tốt, và có thể tự hào về bản thân, nhưng cũng không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế; vẫn còn chỗ để cải thiện.
Ông nói kết quả tốt là nhờ các khu bảo tồn biển của Úc.
Tiến sĩ Speed nói hoạt động của con người có thể khiến kết quả thay đổi.
Những gì chúng tôi tìm thấy với nghiên cứu mới đó là chính áp lực đánh bắt cá đã thực sự tạo ra mức độ khác nhau của các rạn san hô. Và do đó, Rạn san hô Scott không có được sự bảo vệ sinh thái biển tốt bằng những nơi như Rowley Shoals chẳng hạn. Vì nó có nhiều áp lực đánh bắt cá hơn. Và chúng ta cũng có một biên bản ghi nhớ với chính phủ Indonesia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh cá truyền thống tại Rạn san hô Scott. Vì vậy, tôi muốn nói rằng những khác biệt thực sự lớn mà chúng ta đang nhìn thấy, ví dụ, ở Tây Úc trong các rạn san hô vừa kể trên và, thực sự là các rạn san hô khác trên khắp thế giới, là do áp lực từ đánh bắt cá gây ra.
Tiến sĩ Cinner nói thông thường những gì họ tìm thấy trong nghề cá trên khắp thế giới, thì các loài săn mồi, như cá mập, là mục tiêu đầu tiên của nghề cá.
Trường hợp đặc biệt là khi mọi người đều muốn có vây cá mập. Họ đi đánh bắt cá mập, cắt vây và thường ném xác trở lại. Chuyện này đã bị coi là bất hợp pháp ở một số nơi, nhưng nó vẫn còn phổ biến. Và vì vậy, cá mập bị nhắm mục tiêu nặng nề, chúng khá dễ bắt vì chúng sẽ ra ngoài săn mồi rất nhiều. Vì vậy, đó thực sự là một trong những lý do chính khiến việc đánh bắt quá mức trở thành một vấn đề.
Tiến sĩ Speed nói nghiên cứu này đã đặt các rạn san hô của Úc vào bối cảnh toàn cầu.
Bạn biết đấy, bạn có thể ra ngoài và lấy mẫu và nói, 'Chà, chúng tôi đã thấy những loài cá này và đây là số lượng chúng tôi đã thấy.' Nhưng điều đó có nghĩa là gì? Làm thế nào có thể so sánh chúng ta với các rạn san hô khác trên thế giới. Vì vậy, tôi nghĩ sức mạnh thực sự của công việc này là chúng tôi có một sự hợp tác lớn toàn cầu và chúng tôi có thể lấy mẫu từ rất nhiều rạn san hô nhiệt đới trên khắp thế giới.