Ba học giả ở Mỹ là Daron Acemoglu, Simon Johnson and James A. Robinson, được loan báo là những người đoạt giải Nobel Kinh tế trong một cuộc họp báo tại iện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 14 tháng 10, 2024.
Ba học giả ở Mỹ đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2024 vào ngày thứ Hai cho nghiên cứu khám phá hậu quả của chế độ thực dân để hiểu lý do tại sao sự bất bình đẳng toàn cầu vẫn tồn tại cho đến ngày nay, đặc biệt là ở các quốc gia bị tham nhũng và chế độ độc tài đeo bám.
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nói, Simon Johnson và James Robinson, cả hai đều là người Mỹ gốc Anh và Daron Acemoglu, người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ, được vinh danh vì công trình nghiên cứu về "cách thức mà các thể chế hình thành và ảnh hưởng đến sự thịnh vượng."
Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế, phát biểu tại một cuộc họp báo "Giảm sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các quốc gia là một trong những thách thức lớn nhất của thời đại chúng ta."
"Họ đã xác định được nguồn gốc lịch sử của môi trường thể chế yếu kém đặc trưng của nhiều quốc gia thu nhập thấp ngày nay."
Giải thưởng được trao một ngày sau khi một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy 26 quốc gia nghèo nhất thế giới - nơi sinh sống của 40% dân số nghèo nhất - đang mắc nợ nhiều hơn bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2006, làm nổi bật sự thụt lùi lớn trong cuộc chiến chống nghèo.
Nghiên cứu của những chuyên gia kinh tế học này cho thấy quá trình thực dân hóa của người Âu Châu có tác động sâu sắc nhưng khác biệt trên toàn thế giới, tùy thuộc vào việc thực dân tập trung vào việc khai thác tài nguyên hay thành lập các thể chế lâu dài vì lợi ích của người di cư Âu Châu.
Họ phát hiện ra rằng điều này dẫn đến "sự đảo ngược vận số" khi các thuộc địa trước đây từng giàu có trở nên nghèo đói, trong khi một số quốc gia nghèo hơn - nơi các thể chế thường được thành lập - cuối cùng lại có thể đạt được một mức độ thịnh vượng khái quát thông qua những thể chế này.
Một khám phá khác là về việc thực dân hóa một khu vực "nguy hiểm" như thế nào: tỉ lệ tử vong của thực dân càng cao, sản lượng bình quân đầu người hiện tại càng thấp, một thước đo về sự thịnh vượng.
Nghiên cứu về bất bình đẳng đã được vinh danh trong các giải thưởng gần đây. Năm ngoái, sử học kinh tế gia, ở Đại học Harvard, Claudia Goldin, giành giải thưởng cho công trình nêu bật nguyên nhân gây ra bất bình đẳng tiền lương và thị trường lao động giữa nam và nữ.
Năm 2019, các kinh tế gia Abhijit Banerjee, Esther Duflo và Michael Kremer đã giành giải thưởng cho công trình chống nghèo.
Các học giả Mỹ thống lĩnh Giải Nobel Kinh tế đã kể từ khi giải này được trao lần đầu tiên vào năm 1968, trong khi các chuyên gia nghiên cứu ở Mỹ cũng có xu hướng chiếm một phần lớn trong số những người chiến thắng trong các lĩnh vực khoa học mà những người đoạt giải năm 2024 đã được công bố vào tuần trước.