Những con gấu túi (koala) thoạt nhìn có vẻ đáng yêu nhưng chúng lại ẩn chứa một bí mật đáng sợ: bệnh chlamydia – bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên người.

 

Dấu hiệu đầu tiên là mùi – mùi này giống như mùi của một đám cháy pha với nước tiểu. Dấu hiệu thứ 2 là phần sau của con gấu túi – nó bị viêm và ẩm ướt, với những vệt màu màu nâu. Đó là khi bạn biết con gấu túi đang có vấn đề.

 

Jo – con vật đang nằm cuộn tròn trên bàn mổ – có cả 2 triệu chứng này.

 

 

 

 

 

 

Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm vaccine phòng chlamydia trên koala để phục vụ việc sản xuất vaccine dành cho người. Ảnh: New York Times.

 

 

 

 

Chìa khoá để phát triển vaccine cho con người

 

Jo là một con koala hoang dã đang được kiểm tra sức khoẻ tại trung tâm thú y sinh học Endeavour, một đơn vị chuyên điều trị những con koala mắc bệnh ở Australia. Các bác sĩ phát hiện rằng trong 2 lần gần nhất nhìn thấy nó trong rừng, Jo có dấu hiệu mắc bệnh.

 

 

Vì vậy họ đưa nó và đứa con 1 tuổi của nó đến phòng khám chính của cơ sở – nằm ở một cánh rừng hẻo lánh tại Toorbul, phía bắc thành phố Brisbane – để kiểm tra sức khoẻ toàn diện.

 

 

Bằng mắt thường, chuyên gia thú ý Pip McKay đã nhận ra ngay vấn đề của Jo là gì.

 

Cô nói “Nhìn vào nó, có lẽ là nó bị chlamydia”.

 

Con người không phải là loại động vật duy nhất mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Hàu có thể bị herpes, thỏ có thể mắc giang mai, cá heo bị mụn sinh dục và chlamydia – loài vi khuẩn đơn bào, hoạt động như virus – đã thành công trong việc lây nhiễm cho mọi loài động vật từ ếch, cá đến vẹt đuôi dài, con người và cả koala.

 

 

Tính phổ biến này của bệnh chlamydia đã khiến một số nhà khoa học cho rằng việc nghiên cứu và bảo tồn gấu túi có thể là chìa khoá để phát triển một phương pháp chữa trị lâu dài cho căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất ở con người.

 

 

“Chúng (gấu túi) ở ngoài đó, chúng mắc chlamydia và nếu chúng ta có thể cho chúng một loại vaccine chúng ta có thể quan sát hiệu quả thực tế của loại vaccine này”, ông Peter Timms, nhà vi sinh học tại Đại hoc Sunshine Coast ở bang Queensland, nhận định.

 

 

Ông Timms đã dành cả thập kỷ qua để phát triển vaccine trị bệnh chlamydia trên gấu túi, và đang tiến hành thử nghiệm trên gấu túi hoang dã, hy vọng rằng công thức của ông sẽ sớm được sử dụng rộng rãi hơn.

 

 

Ông Timms giải thích “Bạn có thể thử nghiệm trên những con koala những điều mà bạn không thể làm trên người”.

 

 

Khác với trên con người, bệnh chlamydia gây tổn thương cực kỳ nghiêm trọng với koala, chúng có thể bị mù, vô sinh và chết sau khi nhiễm bệnh. Loại vi khuẩn gây bệnh trên koala vẫn khá tương đồng với loại gây bệnh trên người, vì trên thực tế vi khuẩn chlamydia chỉ có 900 gen hoạt động, ít hơn nhiều so với các vi khuẩn truyền nhiễm khác.

 

 

 

 

 

 

Bên cạnh cháy rừng và mất sinh cảnh, bệnh chlamydia là mối đe doạ lớn nhất đối với sự tồn vong của loài gấu túi Australia. Ảnh: New York Times.

 

 

 

 

Do những điểm tương đồng này, các thử nghiệm vaccine trị chlamydia trên koala mà tiến sĩ Timms và trung tâm Endeavour đang thử nghiệm có thể cung cấp manh mối quý giá cho các nhà nghiên cứu toàn cầu đang phát triển vaccine cho người.

 

 

Căn bệnh phổ biến ở cả người và gấu túi.

Với 131 triệu ca nhiễm mới được phát hiện mỗi năm, chlamydia là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất trên thế giới. Một trong 10 thiếu niên ở Mỹ nhiễm bệnh này, theo tiến sĩ Toni Darville, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Đại học North Carolina.

 

 

Thuốc kháng sinh có thể chống lại bệnh, nhưng như thế là không đủ vì theo tiến sĩ Darville, chlamydia là “sinh vật tàng hình”, ít gây triệu chứng và thường không bị phát hiện trong nhiều năm.

 

 

Tiến sĩ Darville nhận định “Chúng ta có thể phát hiện người nhiễm và điều trị họ, nhưng nếu bạn không điều trị cho các bạn tình của họ, bạn chỉ cần một mùa nghỉ xuân là mọi người lại nhiễm bệnh trở lại. Họ có thể bị nhiễm trùng âm ỉ lâu dài mà không hề biết về điều đó. Đến khi 28 tuổi và sẵn sàng có con, thì họ phát hiện ra mọi thứ là một mớ hỗn độn”

 

 

Vào năm 2019, tiến sĩ Darville và các đồng nghiệp của bà đã nhận được khoản tài trợ trị giá 10,7 triệu USD từ Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia nhằm phát triển một loại vaccine. Lý tưởng nhất là kết hợp một vaccine cho bệnh chlamydia và lậu với loại vaccine đang được sử dụng để phòng chống nhiễm virus HPV, vốn đang được tiêm chủng cho trẻ em và thiếu niên.

 

 

Bà Darville nói  “Nếu chúng ta kết hợp được cả 3, về cơ bản chúng ta sẽ có một loại vaccine phòng chống các bệnh ung thư cơ quan sinh sản”.

 

 

Chlamydia là một vi khuẩn lén lút, và nó được chia thành 2 giai đoạn khi đi vào cơ thể con người. Ban đầu nó là một cấu trúc cơ bản, lẻn vào tế bào và ẩn náu hệ thống miễn dịch của cơ thể. Sau khi xâm nhập tế bào thành không, nó hình thành một lớp màng bao bọc, chiếm quyền điều khiển tế bào chủ và bắt đầu tung ra những bản sao của chính nó. Những bản sao này hoặc thoát ra khỏi tế bào hoặc được giải phóng vào máu để tiếp tục hành trình đi tới các nơi khác trong cơ thể.

 

 

“Chlamydia khá độc đáo. Nó đã tiến hoá để tồn tại cực kỳ tốt trong một môi trường ngách cụ thể, không giết chết vật chủ và chỉ gây ra tác động thật sự sau một thời gian dài”, ông Ken Beagley, giáo sư về miễn dịch học tại Đại học Công nghệ Queensland, giải thích.

 

 

Vi khuẩn có thể tồn tại trong đường sinh dục trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, phá huỷ hệ sinh sản. Sẹo và tình trạng viêm mạn tính có thể dẫn đến vô sinh, mang thai ngoài tử cung hoặc bệnh viêm vùng chậu. Bằng chứng cho thấy vi khuẩn chlamydia cũng gây hại cho khả năng sinh sản của nam giới.

 

 

 

Hình ảnh 3D của vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây bệnh chlamydia ở người. Đây là bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock.

 

 

 

 

Các nhà nghiên cứu nhận ra có sự tương đồng lớn giữa vi khuẩn chlamydia ở người và ở gấu túi. Sự khác biệt duy nhất là mức độ nghiêm trọng, ở gấu túi, vi khuẩn nhanh chóng đi lên đường niệu đạo và có thể nhảy từ cơ quan sinh sản tới bàng quang.

 

Những điểm tương đồng này đã khiến sĩ Timms cho rằng gấu túi có thể đóng vai trò như “liên kết bị thiếu” trong công cuộc tìm kiếm một loại vaccine phòng chlamydia hoạt động trên người.

 

Ông Timms nhận định  “Gấu túi không chỉ là một động vật lạ mắt. Chúng thật sự rất hữu ích trong việc nghiên cứu về con người”.

(Theo Zing)