(Bài viết dưới đây của thầy Nguyễn Văn Tuấn, được đăng trên trang facebook của Thầy tại địa chỉ:  https://www.facebook.com/t.nguyen.2016)

 

 

 

"Sputnik V của Nga được công nhận là vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả nhất ở Hungary." Đó là cái tít (tít: tựa đề bài báo – ghi chú của DV)  mang tính tuyên ngôn trên một tờ báo lớn ở Việt Nam [1] dựa vào tuyên bố của ông Bộ trưởng Y tế Hungary. Nhưng tôi nghĩ câu đó SAI. Không dễ dàng để nói vaccine này hơn vaccine kia, cho dù có số liệu từ nghiên cứu lâm sàng, huống hồ chi chỉ là số liệu từ một ông bộ trưởng.

 

 

So sánh hiệu quả vaccine rất khó.

 

 

Thử tưởng tượng nếu tôi nói với các bạn rằng nghiên cứu RCT cho thấy hiệu quả của vaccine Pfizer là 95% và vaccine AstraZeneca (AZ) là 70%. Có lẽ tuyệt đại đa số các bạn, ngay cả dân ngành y, sẽ nghĩ rằng vaccine Pfizer có hiệu quả cao hơn vaccine AZ. Nhưng tôi sẽ nói kết luận đó hay suy nghĩ đó là sai lầm. Sai lầm lớn. 

 

 

Sai lầm là vì nhóm chứng của hai vaccine hoàn toàn khác nhau. Trong cái note dưới đây [2], tôi giải thích cụ thể tại sao so sánh như vậy là sai. Nếu muốn so sánh một cách khoa học, người ta phải thiết kế nghiên cứu RCT gọi là 'head-to- head' như sau:

• Nhóm 1: vaccine Pfizer

• Nhóm 2: vaccine AZ

• Nhóm 3: không vaccine (nhóm chứng C)

 

 


Từ đó, hiệu quả của Pfizer H1 = Nhóm 1 - C, và hiệu quả của AZ H2 = nhóm 2 - C. Từ đó, chúng ta có thể ước tính H1 - H2 vì có nhóm C là mẫu số chung.

 

 

Tuy nhiên, loại nghiên cứu head-to-head đó rất ư là tốn kém, và sẽ chẳng có công ti nào muốn làm. Làm nghiên cứu như thế thì chắc chắn sẽ có 1 vaccine kém hơn vaccine kia, và đó là viễn cảnh mà chẳng công ti nào muốn làm.

 

 

 

Vaccine Nga tốt nhứt?

 

Quay lại cái tựa đề bài báo trên, "Sputnik V của Nga được công nhận là vaccine COVID-19 an toàn và hiệu quả nhất ở Hungary", dựa vào số liệu về số ca tử vong sau khi tiêm vaccine ở Hungary chia theo nhóm vaccine mà ông Bộ trưởng Y tế Hungary công bố. Họ tính nguy cơ tử vong trên 100,000 người được tiêm như sau [3]:

• Sputnik: 1

• Sinopharm: 16

• Moderna: 20

• Pfizer: 32

• AZ: 7

 

 

 

Dựa trên con số đó, ông Bộ trưởng Y tế Hungary nói rằng vaccine của Nga là an toàn nhứt. Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố này, Hiệp hội Y khoa Hungary và hàng loạt nhà khoa học (kể cả người có công sáng chế ra vaccine Pfizer [4]) phê phán ông gay gắt. Họ cho rằng ông đã ông đã đánh lừa (mislead) công chúng vì diễn giải sai những con số đó.

 

 

Họ (các nhà khoa học Hungary) chỉ ra rằng vaccine Pfizer được chỉ định dùng cho những nhân viên y tế, những người cao tuổi và có nguy cơ cao hay rất cao, còn vaccine của Nga (Sputnik) thì chỉ dùng cho người khoẻ mạnh và trẻ tuổi  [5]. Ngoài ra, vaccine Pfizer đã được triển khai ngay từ lúc tiêm chủng cho công chúng, còn vaccine Nga chỉ mới triển khai chừng 2-3 tháng qua mà thôi. Nói cách khác, sự khác biệt về con số ca tử vong trên chẳng có liên quan gì đến sự an toàn vaccine cả, và không thể nói vaccine Nga an toàn hay hiệu quả hơn vaccine Pfizer.

 

 

 

Họ còn chỉ ra rằng tuyên bố của ông Bộ trưởng trùng hợp với chiến dịch khuyên dân Hungary đi tiêm chủng vaccine Nga và Tàu. Hiện nay, số người được tiêm chủng vaccine Nga và Tàu rất thấp.

 

 

 

Tôi xin ghi thêm rằng theo báo cáo của Liên minh Âu châu (EU), Nga và Tàu huy động hệ thống truyền thông quốc doanh tung ra những tin giả liên quan đến ảnh hưởng phụ của vaccine các nước phương Tây [6]. Họ giả tạo dữ liệu, nguỵ tạo thông tin để gây nghi ngờ về hiệu quả các vaccine do Đức, Mĩ, Anh sản xuất. Họ đặc biệt xoáy vào những ca tử vong sau khi tiêm vaccine và lợi dụng sự kém hiểu biết về khoa học của công chúng để gây hoang mang.

 

 

Từ những sự thật trên, chúng ta phải nói là không có bất cứ chứng cớ nào để nói rằng vaccine Nga có hiệu quả hay an toàn hơn vaccine phương Tây. Chúng ta cũng không có chứng cớ khoa học để so sánh hiệu quả giữa các vaccine -- bất cứ vaccine nào.

 

 

Tôi phải ghi thêm rằng trên báo Doanh Nhân Sài Gòn [7] có trích một bảng số liệu từ IHME (Institute for Health Metrics and Evaluation) [8] về hiệu quả của các vaccine đối với các biến thể virus Vũ Hán. Vấn đề là DNSG chua một câu diễn giải như sau [7]:

 

"Theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) ở Mỹ, thì hiệu quả của các loại vaccine được tiêm chủng trên thực tế đối với các biến thể Alpha (B1117) ở Anh, Beta (B1351) xuất hiện ở Nam Phi, Delta (B1617) ở Ấn Độ và Gamma (P1) có chênh lệch, tuy vậy vaccine Sputnik của Nga và Sinopharm Trung Quốc đều có kết quả thực tế còn tốt hơn cả AstraZeneca."

 

 

 

Trong thực tế thì đây là một ước tính dựa vào rất nhiều giả định mà IHME nói rất rõ. Quan trọng hơn là IHME không hề dám viết một câu so sánh nào về hiệu quả giữa các vaccine. Các bạn có thể đọc trong tài liệu tham khảo [8] để biết. Thế nhưng báo chí Việt Nam và vài bác sĩ Việt Nam thì lại so sánh và nghĩ rằng vaccine Nga có hiệu quả tốt hơn vaccine của AZ.

 

 

Tóm lại, cho đến nay, chúng ta không thể so sánh hiệu quả và an toàn giữa các vaccine. Một so sánh như thế chỉ có ý nghĩa khi số liệu được rút ra từ một nghiên cứu RCT 'head-to-head', và một nghiên cứu như thế chưa được thực hiện và sẽ chẳng bao giờ thực hiện trong tương lai.

 

 

 

Vậy thì các bạn sẽ hỏi 'tôi nên tin vào vaccine nào?' Cá nhân tôi thì đặt niềm tin vào vaccine dựa trên 2 yếu tố: (1) vaccine được sản xuất bằng công nghệ hiện đại và nhà sản xuất có kinh nghiệm lâu năm trong lãnh vực nghiên cứu vaccine; và (2) vaccine nào mà dữ liệu khoa học đã được công bố một cách minh bạch. Còn những vaccine mà dữ liệu chưa / không công bố, hay công bố không đầy đủ, thì tôi không tin vaccine đó. Hiện nay, các vaccine của Pfizer, AstraZeneca, Moderna, và J&J đáp ứng 2 yếu tố đó.

 

 

 

______

[1] https://laodong.vn/.../hungary-vaccine-covid-19-cua-nga...

[2] Chúng ta không thể so sánh hiệu quả của 2 vaccine từ 2 nghiên cứu khác nhau. Lí do đơn giản nhứt là nghiên cứu RCT về vaccine của Pfizer có một nhóm chứng (control) hoàn toàn độc lập với nhóm chứng của nghiên cứu về vaccine AZ. Tôi lấy ví dụ dưới đây để các bạn dễ hiểu cái logic đằng sau câu nói đó:

• Hiệu quả của vaccine Pfizer: so sánh nguy cơ nhiễm giữa nhóm A và C1 (A là nhóm vaccine Pfizer, C1 là nhóm chứng); hiệu quả Pfizer H1 = A - C1.

• Hiệu quả của vaccine AZ: so sánh nguy cơ nhiễm giữa nhóm B và C2 (B là nhóm vaccine AZ, C2 là nhóm chứng); hiệu quả AZ H2 = B - C2.

Như các bạn thấy, chỉ số H1 và H2 hoàn toàn độc lập với nhau. Nói cách khác hiệu quả của Pfizer là dựa trên C1, còn AZ là dựa trên C2. Mà C1 và C2 rất khác nhau, thì làm sao chúng ta so sánh giữa H1 và H2.

[3] https://dailynewshungary.com/hundreds-have-died-in...

[4] https://hungarytoday.hu/kariko-pfizer-hungary-reaction...

[5] https://hungarytoday.hu/hungary-vaccine-table-vaccines...

[6] https://www.scmp.com/.../coronavirus-china-and-russia-sow...

[7] https://doanhnhansaigon.vn/.../vaccine-tot-nhat-la-loai...

[8] http://www.healthdata.org/.../covid-19-vaccine-efficacy...

 

 

 

Đó là cái tít mang tính tuyên ngôn trên một tờ báo lớn ở Việt Nam dựa vào tuyên bố của ông Bộ trưởng Y tế Hungary. Tuy nhiên, ngay sau khi tuyên bố này, Hiệp hội Y khoa Hungary và hàng loạt nhà khoa học (kể cả người có công sáng chế ra vaccine Pfizer) phê phán ông gay gắt. Họ cho rằng ông đã ông đã đánh lừa (mislead) công chúng vì diễn giải sai những con số đó. (Nguồn: facebook Nguyen Tuan).

 

 

 

Tiến sĩ Katalin Karikó, người có công sáng chế ra vaccine Pfizer phê phán ông Bộ trưởng Y tế Hungary là ông đã đánh lừa (mislead) công chúng vì diễn giải sai dữ liệu về tử vong sau khi tiêm vaccine. (Nguồn: facebook Nguyen Tuan).

 

 

Trên báo Doanh Nhân Sài Gòn (là một tờ báo của Việt Nam – ghi chú của DV) dựa vào bảng số liệu này của IHME và đưa ra nhận xét rằng:

"Theo Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) ở Mỹ, thì hiệu quả của các loại vaccine được tiêm chủng trên thực tế đối với các biến thể Alpha (B1117) ở Anh, Beta (B1351) xuất hiện ở Nam Phi, Delta (B1617) ở Ấn Độ và Gamma (P1) có chênh lệch, tuy vậy vaccine Sputnik của Nga và Sinopharm Trung Quốc đều có kết quả thực tế còn tốt hơn cả AstraZeneca."

Nhưng IHME thì không hề có nhận xét nào như thế cả. Những dữ liệu này dựa vào rất nhiều giả định, nên họ không dám đưa ra so sánh nào cả. (Nguồn: facebook Nguyen Tuan)