-- --

Việc nghe nhạc tích cực giúp vượt qua các ký ức đau buồn. (Ảnh: Getty Images)

 

 

Hai nghiên cứu mới của Khoa tâm lý của viện công nghệ Georgia đã chỉ ra tác động của âm nhạc trong việc thay đổi nhận thức về các sự kiện quá khứ, đồng thời cũng là yếu tố nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức.

 

Âm nhạc từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong đời sống con người, mang lại nhiều lợi ích về tâm lý và sức khỏe tinh thần. Trong thực tế, âm nhạc được sử dụng rộng rãi, từ các vận động viên dùng để nâng cao tinh thần, tăng khả năng tập trung và chịu đựng, đến trường học sử dụng âm nhạc để giúp trẻ em học bảng chữ cái, hay toán. Nghiên cứu của Đại học Texas A&M cũng chỉ ra rằng nhạc nền trong quảng cáo có thể kích thích vùng thùy trán, nơi điều khiển cảm xúc và sự chú ý, từ đó cải thiện thái độ đối với thương hiệu và làm tăng ý định mua hàng.

 

 

(Ảnh: Getty Images)

 

 

Hai nghiên cứu của Georgia Tech’s School of Psychology được dẫn dắt bởi Yiren Ren, một nghiên cứu sinh chuyên về các phương pháp chụp ảnh não, như fMRI và EEG, để nghiên cứu về trí nhớ con người. Ngoài ra, với đam mê âm nhạc và tâm lý học, Ren muốn muốn sử dụng công cụ này như một liệu pháp chữa trị cho các bệnh về tâm lý, hoặc trầm cảm.

 

Trong thí nghiệm đầu tiên, Ren và nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm trên 44 sinh viên không gặp vấn đề tâm lý. Các sinh viên này được yêu cầu nhớ lại các ký ức buồn, đồng thời được cho nghe những đoạn nhạc tích cực hay tiêu cực. Nhóm nghiên cứu hi vọng tìm ra được bằng chứng cho thấy cảm xúc âm nhạc mang lại sẽ có tác động đến cảm xúc trong quá khứ của người nghe. Theo đó, các kết quả quan sát thông qua fMRI cho thấy rằng dù ký ức của người tham gia về sự kiện là như thế nào, âm nhạc có tác động rõ rệt lên cảm xúc của người tham gia khi họ nghĩ về các ký ức đó, và hiệu ứng này kéo dài sau khi thí nghiệm kết thúc. Khi được hỏi nhớ lại các ký ức đó, cảm xúc của họ đã hay đổi bằng cảm xúc của loại nhạc mà họ nghe.

 

Ở thí nghiệm thứ hai, nhóm nghiên cứu sử dụng tài năng của Ren trong việc soạn nhạc để tạo ra một phiên bản có giai điệu du dương, nhịp điệu rõ ràng. Đồng thời cũng với các nốt nhạc đó, cô cũng tạo ra một đoạn nhạc có cấu trúc lộn xộn. 48 người tham gia thí nghiệm được yêu cầu ghi nhớ hình ảnh trong lúc nghe các đoạn nhạc này. Kết quả cho thấy, những người nghe bản nhạc có cấu trúc rõ ràng ghi nhớ hình ảnh tốt hơn nhiều so với những người nghe bản nhạc lộn xộn.

 

Hai nghiên cứu này đã cho thấy rõ tiềm năng của âm nhạc trong việc giúp con người tái nhận thức và vượt qua những ký ức đau buồn, cũng đồng thời là một công cụ hữu ích để mọi người cải thiện khả năng học tập. Ren dự định tiếp tục làm nghiên cứu hậu tiến sĩ để phát triển âm nhạc như một liệu pháp chữa trị cho các bệnh lý như trầm cảm, PTSD và suy giảm trí nhớ.

 

Nguồn: [1][2]