Các nhà khoa học thuộc Đại học RMIT (Úc) đã phát triển thành công da nhân tạo có cảm giác đau cũng như cảm nhận được nhiệt độ hoặc áp suất giống như da người. Bước đột phá này hứa hẹn sẽ giúp thay thế phương pháp cấy ghép da bằng các giải pháp nhân tạo.
Ảnh: RMIT
Giáo sư Madhu Bhaskaran của Đại học RMIT cho biết da nhân tạo có thể phản ứng khi áp suất hoặc nhiệt độ được điều chỉnh đến ngưỡng gây đau. Da điện tử được tạo ra nhờ kết hợp 3 công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của nhóm nghiên cứu gồm công nghệ tạo ra các bộ nhớ điện tử giống não bộ; các thiết bị điện tử đeo trên người có thể uốn cong, khó đứt gãy và mỏng như nhãn dán; lớp phủ đặc biệt nhạy cảm với độ mỏng hơn 1.000 lần so với tóc của con người.
Ông Bhaskaran cho biết nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển các công nghệ trên để ứng dụng vào lĩnh vực y sinh. Da nhân tạo có thể trở thành lựa chọn mới cho các bác sĩ thực hiện cấy ghép da không xâm lấn nếu phương pháp truyền thống không đem lại hiệu quả. Trong tương lai, phần điện của lớp da nhân tạo có thể được gắn với các dây thần kinh của cánh tay, từ đó, não bộ của bệnh nhân có thể nhận được những tín hiệu cảm giác mà không cần phải trải qua phẫu thuật.