Một thiếu niên đang ‘dán mắt' vào màn hình điện thoại di động ở London vào ngày 17 tháng 1 năm 2023. (Leon Neal/Getty Images)

 

 

Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử có thể giúp con bạn giảm nguy cơ mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).

 

 

Một “cơn bão” về sức khỏe tâm thần đang hình thành trong giới trẻ Hoa Kỳ, đặc biệt chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) đã đạt đến mức khủng hoảng. Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng có một giải pháp rất đơn giản cho tình trạng này chính là hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử.

 

Nghiên cứu mới cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng thiết bị công nghệ quá mức và sự gia tăng tỷ lệ rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).

 

Màn hình thiết bị điện tử: 'Thủ phạm chính' của bệnh ADHD

Roger McFillin, chuyên gia tâm lý lâm sàng về tâm lý học hành vi và nhận thức, đã nói với The Epoch Times rằng: “Tâm trí của những người đang trưởng thành có kết cấu làm họ dễ bị gắn kết nhất với những kích thích liên quan trong cuộc sống”.

 

Roger McFillin cho biết thêm rằng màn hình của các thiết bị điện tử kích thích quá mức các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine. Đây là những chất rất quan trọng đối với sức khỏe tâm thần, đồng thời sự rối loạn quá trình điều hòa các con đường dẫn truyền thần kinh này có thể dẫn đến những rối loạn như ADHD và chậm phát triển.

 

Trong một nghiên cứu mới vào năm 2023, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một trong những cuộc điều tra toàn diện nhất về tác động của các thiết bị điện tử đối với trẻ em. Nghiên cứu được thực hiện trên hơn 7.000 trẻ em từ 2 đến 4 tuổi. Các tác giả lưu ý rằng kết quả nghiên cứu tìm thấy mối liên hệ thời gian - đáp ứng giữa nhóm trẻ có thời gian sử dụng thiết bị điện tử dài hơn lúc 1 tuổi và tình trạng chậm phát triển giao tiếp và giải quyết vấn đề ở độ tuổi 2 và 4. Điều này cho thấy tác động lâu dài của các thiết bị điện tử đối với sự phát triển của trẻ em.

 

Theo bác sĩ tâm thần trẻ em Victoria Dunckley, một chuyên gia về tác động của thiết bị điện tử đến hệ thần kinh của trẻ em, thời gian sử dụng các thiết bị điện tử là "thủ phạm chính" đằng sau hiện tượng gia tăng tỷ lệ bệnh ADHD.

 

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Xu hướng khoa học thần kinh và giáo dục vào năm 2019 đã kiểm tra giả thuyết rằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử làm giảm khả năng chú ý của trẻ em. Nhóm nghiên cứu đã chia 30 trẻ ở độ tuổi mẫu giáo thành hai nhóm: một nhóm trẻ được xem những câu chuyện trên màn hình điện tử và nhóm trẻ còn lại đọc to những câu chuyện này.

 

Sau sáu tuần, kết quả điện não đồ cho thấy những đứa trẻ tiếp xúc với màn hình điện tử có đặc điểm não tương tự như những đứa trẻ mắc chứng ADHD.

 

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nhi khoa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng tiếp xúc sớm với màn hình thiết bị điện tử sẽ dẫn đến những vấn đề về tập trung chú ý. Nghiên cứu này đã theo dõi 1.278 trẻ 1 tuổi và 1.345 trẻ 3 tuổi. Sau hơn 6 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng 10% trẻ có vấn đề về tập trung chú ý ở năm 7 tuổi. Số giờ xem tivi mỗi ngày ở độ tuổi 1 và 3 có liên quan đến khả năng tập trung chú ý lúc 7 tuổi.

 

Ngoài ra, trong một phân tích tổng hợp năm 2023 đánh giá 9 nghiên cứu với tổng số hơn 81.000 trẻ em, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tiếp xúc quá nhiều với màn hình thiết bị điện tử có thể đóng vai trò đáng kể trong sự phát triển bệnh ADHD ở trẻ em. Các tác giả viết: “Vì vậy, cần phải giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử mỗi ngày của trẻ để phòng ngừa bệnh ADHD”.

 

Hiện tượng 'ngắn mạch' ở não do màn hình thiết bị điện t

Thời gian tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển ngôn ngữ, xử lý hình ảnh, trí nhớ và nhận thức xã hội.

 

Bác sĩ Dunckley đã nói với The Epoch Times rằng thời gian sử dụng màn hình của các thiết bị tương tác, trong đó bao gồm cả mạng xã hội và các trò chơi trên máy tính bảng hoặc điện thoại, có thể gây kích thích não bộ.

 

Bác sĩ Dunckley nói: “Hoạt động này liên tục đưa hệ thống thần kinh vào trạng thái ‘chiến đấu hoặc bỏ chạy”, tuy nhiên năng lượng của trạng thái này không mang lại lợi ích nào”. Khi tình trạng hưng phấn quá mức xảy ra thường xuyên, thùy trán của não sẽ xuất hiện hiện tượng “ngắn mạch”.

 

Khi hiện tượng này xảy ra ở thùy trán - vùng não chịu trách nhiệm kiểm soát cảm xúc, động lực và chú ý, trẻ sẽ trở nên bốc đồng, bồn chồn, hung hăng hoặc thậm chí là trầm cảm.

 

Các nghiên cứu về ảnh hưởng của màn hình thiết bị điện tử đối với não bộ của trẻ em vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy nội dung có vai trò quan trọng hơn so thời gian sử dụng thiết bị. Một nghiên cứu cho biết: “Cốt truyện kém, nhịp độ nhanh và biên tập nhanh, các kích thích phức tạp hoặc các kích thích quá khác so với thực tế có thể khiến trẻ gặp khó khăn trong thu nhận hoặc khái quát thông tin”.

 

 

Điều trị bằng thuốc quá sớm?

Mối liên hệ giữa việc sử dụng thiết bị điện tử và sức khỏe tâm thần kém ngày càng rõ ràng hơn trong thập kỷ qua. Phần lớn các trường hợp đều được điều trị bằng thuốc. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, vào năm 2021, 8% trẻ em Hoa Kỳ từ 5 đến 17 tuổi được kê các loại thuốc để điều trị các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

 

Bác sĩ Stephen Farone, giáo sư tại Khoa Tâm thần, Khoa học thần kinh và Sinh lý, đồng thời là phó chủ tịch về nghiên cứu tại Khoa Tâm thần và Khoa học Hành vi tại Đại học Y khoa SUNY Upstate, cho biết kể từ đại dịch COVID-19, hầu hết các bệnh lý tâm thần đều gia tăng.

 

Các thuốc dạng amphetamine là loại thuốc kích thích điều trị ADHD được sử dụng phổ biến nhất ở Bắc Mỹ. Điều đáng chú ý ở đây chính là theo một báo cáo trên tạp chí Tâm thần học phân tử, amphetamine cũng là một trong số những loại thuốc kê đơn bị lạm dụng nhiều nhất,.

 

Điều trị amphetamine sớm có liên quan đến tình trạng chậm phát triển chiều cao và cân nặng ở một số trẻ. Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe tâm thần trẻ em cho rằng lợi ích của những loại thuốc này lớn hơn so với những nguy cơ về quá trình tăng trưởng.

 

Chuyên gia tâm lý lâm sàng McFillin cho biết, các biện pháp thay đổi lối sống như giảm thời gian sử dụng các thiết bị điện tử có thể giúp cải thiện nhiều bệnh.

 

Ví dụ: cần tránh sử dụng các thiết bị điện tử như “người giữ trẻ”. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên BMC Public Health đã phân tích thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ mới biết đi. Khi xem một mình, trẻ em có khả năng sử dụng thiết bị điện mức quá mức cao hơn gần chín lần so với với khi xem cùng bố mẹ hoặc cùng những đứa trẻ khác. Trẻ cũng có tỷ lệ sử dụng quá mức thiết bị điện tử cao gấp bốn lần nếu cha mẹ của trẻ cũng sử dụng quá mức.

 

Bác sĩ Dunckley cho biết: “Tôi thường điều trị những đứa trẻ có tiền sử phức tạp và/hoặc kháng trị, và điều đầu tiên tôi thường yêu cầu là giảm sử dụng thiết bị điện tử”. Bước đầu tiên và quan trọng này thường dẫn đến kết quả học tập, cảm xúc, giấc ngủ và khả năng giao tiếp của trẻ cải thiện tốt hơn dù biện pháp này không thể giải quyết được hoàn toàn vấn đề.

 

Bác sĩ Dunckley nói thêm: “Dù chúng ta đang đắm chìm trong nền văn hóa kỹ thuật số nhưng chúng ta vẫn cần phải hoạt động phù hợp với nhu cầu phát triển và sinh lý não bộ chứ không phải làm ngược lại”.

 

(Theo The Epoch Times)

(ntdvn.net, Đức Nhân biên dịch)

 

 

 

Tác giả: Vance Voetberg

Vance Voetberg là ký giả tự do của The Epoch Times tại Tây Bắc Thái Bình Dương. Anh có bằng Cử nhân khoa học trong ngành báo chí và mong muốn trình bày những tin tức liên quan đến sức khỏe trung thực, truyền cảm hứng. Anh là người sáng lập blog dinh dưỡng “Running On Butter”.