Ảnh minh họa: Yan Krukau/Pexels.
Theo một nghiên cứu từ Đại học Valencia, đọc văn bản in có thể nâng cao kỹ năng tiếp thu gấp sáu đến tám lần so với đọc nội dung kỹ thuật số.
Theo The Guardian, các nhà nghiên cứu tại Đại học Valencia đã phân tích hơn hai chục nghiên cứu (gần 470.000 đối tượng) về khả năng tiếp thu từ năm 2000 đến năm 2022. Họ đã kết luận rằng việc đọc sách/văn bản in trong một thời gian dài có thể nâng cao kỹ năng tiếp thu gấp sáu đến tám lần so với việc đọc trên nền tảng kỹ thuật số.
Ladislao Salmerón, giáo sư tại Đại học Valencia, cho biết: “Mối liên hệ giữa tần suất đọc sách kỹ thuật số để giải trí và khả năng đọc hiểu văn bản gần bằng 0”.
Ông giải thích thêm, điều này có thể là do “chất lượng ngôn ngữ của văn bản kỹ thuật số có xu hướng thấp hơn so với chất lượng ngôn ngữ truyền thống của văn bản in”. Ví dụ, văn bản trên mạng xã hội có thể mang tính chất đàm thoại và thiếu cú pháp cũng như lý luận phức tạp.
Salmerón nói rằng “tư duy đọc” đối với văn bản kỹ thuật số cũng có xu hướng nông cạn hơn so với tài liệu in, trong đó, người đọc có thường đọc lướt nhiều hơn. Điều này có thể có nghĩa là người đọc “không hoàn toàn đắm chìm vào câu chuyện hoặc không nắm bắt đầy đủ được các mối quan hệ phức tạp trong một văn bản nhiều thông tin”.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, mặc dù có mối quan hệ tiêu cực giữa việc đọc và hiểu trên nền tảng kỹ thuật số, đối với học sinh tiểu học, học sinh trung học và sinh viên đại học, kết quả lại tích cực hơn.
Salmerón gợi ý rằng điều này có thể là do trẻ nhỏ ít có khả năng điều hướng các yếu tố gây xao lãng như tin nhắn hay các thông báo gửi đến khi chúng đọc trên thiết bị kỹ thuật số.
Ông nói: “Chúng ta biết rằng khả năng điều chỉnh nhận thức của chúng ta phát triển mạnh mẽ trong thời niên thiếu. Trẻ nhỏ có thể không được trang bị đầy đủ để tự điều chỉnh sự chú ý của mình trong quá trình đọc văn bản thông tin hoặc giải trí trên thiết bị điện tử”.
Các nhà nghiên cứu cũng cho biết trẻ nhỏ đọc sách kỹ thuật số thường xuyên có thể học ít từ vựng mang tính học thuật hơn “trong giai đoạn quan trọng khi chúng chuyển từ học đọc sang đọc để học”.
Nhà nghiên cứu Lidia Altamura cho biết nhóm nghiên cứu không có ý “chống lại việc đọc kỹ thuật số”. Bà nói: “Chỉ là, dựa trên những gì chúng tôi đã tìm thấy, thói quen đọc sách kỹ thuật số không mang lại nhiều lợi ích như đọc sách in. Đó là lý do khi khuyến khích hoạt động đọc sách, các trường học và lãnh đạo nhà trường nên nhấn mạnh việc đọc sách in hơn là đọc sách điện tử, đặc biệt là đối với độc giả nhí”.
(Theo ZNews)