Vietsciences- Nguyễn Đức Hiệp, 18/02/2009

(phần 2)

 

 

Không phải là một phương pháp thiết lập hệ tri thức nào, khoa học hay nghệ thuật, là đúng hơn và triệt tiêu lẫn nhau. Nhưng sự đa dạng của các phương pháp hệ tri thức là điều mà chúng ta nên cổ võ vì chúng thuộc hai phạm trù khác nhau và có thể hỗ tương với nhau. Ta cũng có thể nói rằng vật lý là tri thức kiểm chứng với những dữ kiện cảm nhận (sense-data) và nghệ thuật là tri thức kiểm nghiệm dùng dữ kiện cảm nhận tạo ra từ người nghệ sĩ (8). Wolfgang Paalen, nhà họa sĩ người Áo sống ở Mexico, đã đưa ra chủ trương và ý tưởng “Bổ sung” (“Complementarity”) giữa hai lãnh vực nghệ thuật và khoa học, dựa vào từ của Niels Bohr đã dùng cho Nguyên lý bổ sung (Complementary Principle) trong vật lý lượng tử về hạt và sóng vào các năm 1942-1944 trong tạp chí Dyn do Paalen xuất bản (2). Nghệ thuật chú trọng về phẩm, chất lượng, có cái nhìn toàn thể trong khi khoa học chú trọng về số lượng. Sự lưỡng cực này trong triết lý đã có từ trước trong lịch sử giữa cái nhìn định tính của các nhà triết học Hy lạp và định lượng từ Galileo hay giữa Goethe về sự nhận thức cảm tính qua tổng thể ánh sáng và Newton về thực nghiệm phân tích ánh sáng qua quang phổ. Paalen cho rằng cả hai cái nhìn mặc dầu khác nhau nhưng bổ sung cho nhau trong một lý thuyết tổng thể và vì thế không triệt tiêu và tạo ra sự hiểu lầm lẫn nhau giữa nghệ thuật và khoa học.

 

“Đối với tôi, dường như chúng ta phải đi đến một ý niệm có nhiều tiềm năng về hiện thực, dựa vào các hướng đi mới của vật lý cũng như của nghệ thuật, một ý niệm mà tôi gọi là dynatic (từ chữ Hy lạp tó dynaton: sự có thể được). Một lý thuyết về 'Sự có thể’, qua đó chúng ta hiểu nghệ thuật như phương trình nhịp điệu của thế giới thực thể, nó là một sự bổ sung không thể thiếu được của phương trình logíc mà khoa học tạo ra. Bởi vì chỉ có sự hợp tác của hai lãnh vực thì mới tạo ra được một đạo lý (ethics) mới đánh tan đi cái u tối của siêu hình và tôn giáo”.    

Wolfgang Paalen – L’enclume (1952) – Frey Norris Gallery 

 

 

Tuy nhiên Paalen cũng cảnh báo các nghệ sĩ siêu thực về sự lạm dụng các ý niệm vật lý, các từ ngữ ngoài khung cảnh khoa học không đúng vào phạm trù nghệ thuật. Những nhận xét của Paalen rất là tiên tri khi chúng ta được chứng kiến sự tranh luận giữa các nhà xã hội học và khoa học qua sự kiện Sokal vào cuối thế kỷ 20 (4).

 

(b) Gaston Bachelard – khoa hoc và thi sĩ

 

 

Gaston Bachelard (1884– 1962), giáo sư sử học và triết lý khoa học ở đại học Sorbonne và cũng là thi sĩ, trong hai tác phẩm nổi tiếng Le nouvel esprit scientifique (“Tinh thần khoa học mới”) ("The New Scientific Spirit ") (1934) and La formation de l'esprit scientifique (“Sự thành hình của tinh thần khoa học”, "The Formation of the Scientific Spirit ") (1938) là người đầu tiên cho thấy cơ sở kiến thức, cơ nguồn và đặc tính của sự thay đổi trong sự phát triển khoa học mà mãi 30 năm sau này Thomas Kuhn mới đề ra quan niệm tương tự, qua sự thay đổi mẫu hình (paradigm), bằng tiếng Anh trong tác phẩm “The Structure of Scientific Revolutions”.

 

Sự phát triển của thuyết lượng tử trong ba thập niên đầu của thế kỷ 20 từ khi Max Planck khai phá là mầm mống và cơ sở lý luận để Bachelard đưa ra nhận thức và triết lý mới về sự đột phá có tính cách nhảy vọt không từ từ liên tục trong sự phát triển lý thuyết khoa học. 

 

Bachelard cho thấy là trong 2000 năm, hình học Euclid ngự trị và không thay đổi là do sức mạnh của tâm trí, trí óc con người đã không được thể hiện và kìm hãm trong thời gian lâu như vậy. Vượt qua chủ thể và vật thể, khoa học dựa vào đề án (projet). Trong tư tưởng khoa học, suy tư về vật thể bởi chủ thể đều theo dạng của một đề án. Mỗi lý thuyết đều thể hiện sự năng động của trí tuệ con người thiết lập ra lý thuyết đó, có nghĩa là lý thuyết tượng trưng cho sự thay đổi tâm trí con người. Trong sự nghiên cứu phát triển hình thành của lý thuyết khoa học thì vai trò của tâm lý (psychology) trong sự nhận thức của con người là chủ yếu. Bachelard lấy thí dụ trong sách của Heisenberg về nguyên lý của thuyết lượng tử (Physical principles of the quantum theory), khi Heisenberg đã dùng có lúc thuyết sóng (wave), có lúc thuyết hạt tử (particle) hoàn toàn đối nghịch để giải thích các hiện tượng, bổ túc thuyết sóng khiếm khuyết bằng cách dùng thuyết hạt tử hay ngược lại. Điều này cho thấy là tâm lý con người trong khoa học một khi đối diện với khó khăn qua một niềm tin, thì ngay khi ấy con người xử dụng quan điểm đối nghịch để cố gắng lý giải. Sự ảnh hưởng của diễn giải Copenhagen về thế giới lượng tử đến sự tiếp cận của Bachelard trong vai trò của tâm lý vào sự phát triển khoa học đến đây là rất rõ. 

 

Bachelard cho rằng trong sự tìm hiểu tiếp cận với thế giới, sự tranh luận giữa các phương pháp như thực nghiệm, lý tính, quy nạp, hữu định, vô định... là tất yếu trong quá trình nhận thức và các lý thuyết tạo ra từ các phương pháp sẽ đối chọi nhau hay sẽ đi đến bế tắc không giải thích được các hiện tượng. Cuối cùng tâm trí và nhận thức con người sẽ đi đến một trình độ mới trong những tình huống mới và không ngờ trước được. Đó là sự ra đời của một mẫu hình mới. Mẫu hình này sẽ giải thích và hóa giải các bế tắc của các lý thuyết cũ và tạo ra một tâm tư hay phương pháp nhận thức mới trong tâm lý suy tư của con người. Phương thức suy tư này có thể cần thời gian lâu để biết được và trở thành quen thuộc. Vì thế trong lịch sử khoa học, tiếp nhận tri thức mới đều trải qua những bước nhảy (như lượng tử, quantum) vượt qua hay phá vỡ (“rupture epistémologique”) những hàng rào chướng vật ngăn cản (“obstacles epistémologiques”) của tâm lý nhận thức cũ. Tất cả các sự thật mới đều sinh ra trái ngược với sự hiển nhiên. Bachelard không coi sự tiến triển trong lịch sử khoa học là một sự tiến bộ liên tục mà là các bước gián đoạn, nhảy vọt phản ảnh qua tâm thức con người vượt qua các rào cản và các lý thuyết mới mở rộng thêm các quan niệm (như thuyết tương đối) và bao gồm các lý thuyết củ (như vật lý Newton).   

 

Vì cũng là thi sĩ, Bachelard để nhiều thời gian nghiên cứu hình ảnh tưởng tượng trong thơ, mộng ngày trong bối cảnh thế giới hình ảnh, thế giới ý tưởng. Kiến trúc không nên được thiết kế theo lý tính về chức năng của mỗi bộ phần mà phải để tự chúng ta cảm nghiệm trong các thành phần của kiến trúc và chúng cho phép ta dễ mộng (rêve) ngày. Trong tác phẩm 'Lautréamont’ nói về nhà thơ siêu thực Comte de Lautréamont (Lucien Ducasse) với tác phẩm thơ 'Les Chants de Maldoror, ông đã so sánh nội lực, sức đẩy của hình ảnh, vần thơ với năng lượng, vận tốc, khối lượng của vật lý. Theo Bachelard thì sự tưởng tượng cách mạng trong thơ của Lautréamont cũng như thuyết lượng tử hay tương đối của Einstein trong vật lý thay đổi, tổng quát hóa và bao trùm vật lý cổ điển. Sức mạnh chuyển hóa của tưởng tượng trong thơ siêu thực cũng giống như sức mạnh chuyển hóa cách nhìn và nhận thức của vật lý mới. Nhiều người không hiểu tại sao chỉ một số họa sĩ, nhà thơ siêu thực hiểu được Lautréamont. Đây không có gì lạ, cũng tương tự như chỉ có một số ít nhà toán học tụ tập chung quanh Einstein vì họ hiểu được thuyết Einstein. Bachelard là gạch nối giữa khoa học và nghệ thuật và như đã nói ở trên có ảnh hưởng quan trọng về tư tưởng trong cả hai lãnh vực.

 

Ngoài André Breton, sách “Tinh thần khoa học mới” của Bachelard đã có ảnh hưởng sâu rộng với các nhà thơ, văn và họa sĩ siêu thực như Roger Caillois, Tristan Tzara, Jules Monnerot, Jacques Spitz, Nicolas Calas trong nhóm Groupe d’Études pour la Phénomenologie và họ đã trở thành bạn với nhau.  Bachelard thường đến quán cà phê Deux Magots ở Paris, nơi các nhà nghệ sĩ siêu thực thường tụ tập, để hàn huyên. Bachelard viết bài về chủ nghĩa siêu thực trong tạp chí Inquisitions của nhóm siêu thực và ngược lại Caillois viết trên tạp chí Recherches Philosophiques do Bachelard làm chủ bút. Các bài của Spitz, Tzara, Caillois về siêu thực đều dùng ý tưởng vật lý mới mà Bachelard mang vào trong tư tưởng hiện đại. 

 

Ngoài nhóm siêu thực trong Groupe d’Études pour la Phénomenologie, những nhà văn, nghệ sĩ chịu ảnh hưởng của tư tưởng Bachelard là Georges Bataille, Louis Aragon, Paul Eluard, Salvador Dali, Denis de Rougement, Pierre Mabille, René Crevel, Marcel Duchamp, Zdeno Reich... Paul Eluard đã dùng các đoạn văn của Bachelard trong các bài viết trên tạp chí Minotaure. Tác phẩm 'Au carrefour de l’amour, la poesie, la science et la revolution’ (“Ở ngã tư của tình yêu, thi ca, khoa học và cách mạng”) (1935) của nhà văn René Crevel cho thấy tư tưởng 'rupture epistemologiques’ của Bachelard áp dụng vào trào lưu văn học Pháp lúc đó. Crevel cũng cố gắng mang tư tưởng, khám phá mới trong vật lý vào lý luận để ủng hộ tư tưởng chính trị duy vật biện chứng và marxist của ông, gọi là xã hội chủ nghĩa khoa học (scientific socialism).

 

Khuynh hướng tư tưởng của các thập niên 1920, 1930 ở lục địa Âu châu trong nghệ thuật và xã hội là thiên về thực chứng và duy vật song song với sự phát triển khoa học vật lý lượng tử và triết lý thực chứng của nhóm Vienna. Nhấn mạnh vào quan sát, gạt bỏ siêu hình và xóa bỏ sự phân biệt giữa chủ thể, chủ quan và vật thể, khách quan mà thực chứng và vật lý lượng tử đem lại qua trung gian Bachelard, các nghệ sĩ mà đa số theo chủ nghĩa xã hội hay marxist đã vui vẻ đón nhận. Sau khủng hoảng kinh tế thế giới 1929, chính phủ Leon Blum của mặt trận bình dân cầm quyền ở Pháp được sự ủng hộ và tham gia của nhiều nhà nghệ sĩ và trí thức như nhà vật lý Paul Langevin trong nội các Leon Blum. Sự ảnh hưởng về tư tưởng của nghệ sĩ từ vật lý lượng tử càng sâu đậm. 

 

Nicolas Calas trong tác phẩm 'Foyers d’ Incendie' cho rằng thái độ chủ quan, biểu hiện trong văn học qua các tác phẩm của James Joyce và Marcel Proust và trong nghệ thuật bởi trường phái ấn tượng (Impressionism), được thay thế bởi ý chí khách quan, vật thể hóa trong nghệ thuật siêu thực. Ông cổ võ tư tưởng Bachelard chống lại sự đem trở lại tư tưởng Descates và Bergson của một số nghệ sĩ lấy triết lý Bergson để xây dựng mỹ thuật chủ quan trong phong tào hiện đại (2). 

 

Bachelard có ảnh hưởng đến những triết gia sau này như Louis Althusser trường phái cấu trúc luận (structuralism) và Michel Foucault, Jacques Derrida của hậu hiện đại (post-modernism).

 

 

Chủ nghĩa hậu hiện đại 

Theo thực chứng thì khoa học hay “sự thật” chỉ có thế có và chấp nhận khi chúng ta có thể quan sát và kiểm chứng được. Hiện tượng có trước và quan sát trước khi ta tìm được lý thuyết hay sự thật khách quan nằm sau giải thích được hiện tượng đó. Nhưng sự thành công của thuyết lượng tử và tương đối cho thấy sự giới hạn của khoa học dựa vào thực chứng. Lý thuyết có thể đi trước và tiên đoán được những hiện tượng có thể xảy ra dẫn đường cho chúng ta thiết lập cơ sở để thấy và quan sát được. Như vậy một sự thật khách quan có thể được tìm thấy qua lý thuyết và triển khai mà không cần phải có hiện tượng gắn liền trước tiên. Karl Popper đã giải toả được sự hạn chế của thực chứng và cho rằng một tri thức hay lý thuyết được gọi là khoa học khi nó cho ta có nhiều cơ hội để kiểm nghiệm là nó có thể sai và nó phải táo bạo tiên đoán được những hiện tượng chưa được quan sát và kiểm nghiệm.  Ông đã thiết lập có hệ thống phương pháp để xác định một lý thuyết được cho là khoa học khác với “ngụy khoa học” qua khả năng phản nghiệm (falsificationism).  

 

Nhưng có thật là đàng sau hiện tượng là luôn có một tri thức, lý thuyết hay một sự thật tuyệt đối khách quan nào đó mà ta nhận thức được và triển khai giải thích được sự vận hành của hiện tượng không? hay lý thuyết, cái mà ta cho là sự thật khách quan ấy chỉ là sản phẩm của tư tưởng, nhận thức tùy thuộc vào hoàn cảnh và môi trường văn hóa xã hội do con người tạo nên, hay nói khác hơn nó cũng chỉ là một hư cấu, một sản phẩm hiện tượng do chúng ta tạo ra?

 

W. Paalen cho rằng sự tưởng tượng tạo ra hiện thực cũng như nó đã được tạo ra bởi hiện thực, chúng ta nên hiểu là các hình ảnh của nghệ thuật không phải là sự thể hiện hão huyền tự đắc của người nghệ sĩ, hay các thiết kế cho các công cụ mà chính là các thiết kế (blueprint) cho chính con người (2) 

 

Hậu hiện đại đi xa hơn nữa và cho là tất cả thế giới chung quanh ta chỉ là hiện tượng và tri thức, cảm nhận về các hiện tượng đều khác nhau ở mỗi người và đều chủ quan, không có tri thức nào là đúng hơn, tất cả đều tương đối. Ý tưởng này rất gần với ý tưởng mà vật lý lượng tử đặt ra về hiện thực (reality) qua vai trò của nhận thức (consciousness) và sự phủ nhận về sự hiện diện của một thế giới vật thể có ý nghĩa nằm ngoài kia độc lập với nhận thức bên trong của chủ thể.

 

Hậu hiện đại bắt nguồn từ hiện đại và phát triển rộng rãi sau khi Thomas Kuhn đưa ra lý thuyết chuyển mô hình (paradigm shift) về lịch sử phát triển khoa học trong cuốn sách 'The Structure of Scientific Revolution'. Nhà văn và triết gia hậu hiện đại, Michel Foucault, trong sách 'Les Mots et les choses. Une archéologie des sciences humaines’ (1966) đã dùng ý tưởng về sự bất liên tục từ một hệ thống quan niệm xã hội, tư tưởng văn hóa đến một hệ thống khác trong lịch sử, rất giống với ý niệm chuyển mô hình của Kuhn. Michel Foucault chịu ảnh hưởng từ người bạn và cũng là thầy của ông là nhà lý thuyết cấu trúc Louis Althusser nổi tiếng qua sự phân tách cấu trúc lý thuyết duy vật của Marx. Như đã đề cập phần trên, Althusser đã dùng lý thuyết và ý tưởng của Bachelard “rupture epistémologique” để phân tách lý thuyết chủ nghĩa. 

 

 

Tuy vậy Foucault đã đi xa hơn và cho rằng các quy ước, hệ thống con người suy nghĩ nhận thức qua các biểu tượng, ngôn ngữ đều tương đối, thay đổi tùy thời gian, hoàn cảnh văn hóa và ông cũng cho thấy rằng các quy ước hiện đại, ngay cả có vẽ hiển nhiên, thật ra đều phiến diện. Bức tranh của họa sĩ siêu thực René Magritte 'La trahison des images’ (sự bội phản của hình ảnh - Vietsciences chú thích) vẽ một ống điếu thuốc nhưng dưới có viết 'Ceci n’est pas une pipe' ('Đây không phải ống điếu thuốc'), cho thấy hiện thực cũng có thể bị “giả mạo” và bất định, cũng là đề tài về sự vô lý, nghịch lý và phiếm diện của hiện thực theo nhận thức của chủ thể qua biểu tượng trong cuốn sách của Foucault với tựa đề 'Ceci n’est pas une pipe'. 

 

Nhà hậu cấu trúc luận, Jacques Derrida, được biết nhiều qua ý niệm 'giải cấu trúc' (deconstruction), cũng là học trò của Althusser, cho rằng luôn có một sự bất định (undecidable) trong sự chọn lựa để hiểu nghĩa chính xác của một văn bản nào và không có sự khách quan trong lúc đọc văn bản, rất giống với quan niệm bất định (uncertainty) và chủ quan của vật lý lượng tử. Mục đích của giải cấu trúc trong các văn bản là mang đến hay cho thấy tất cả các nghĩa khác có thể tìm tàng hay bị chôn vùi ngoài cái nghĩa của cấu trúc mà tác giả văn bản muốn xây dựng. Để giải cấu trúc, Derrida dùng ý niệm về sự nhận thức ngôn ngữ, nghĩa qua sự liên hệ với các sự thể khác và ngữ cảnh khác nhau chứ không phải trực tiếp trong một trường hợp mà ông gọi là 'differance' (kết hợp của từ difference và deferral). Trong tác phẩm 'La verité en peinture', Derrida cũng dùng tranh của Magritte, Van Gogh trong đề tài 'giải cấu trúc' (decontruction) của tranh qua lý thuyết về mỹ thuật của Kant, Heidegger và về sự bất định của 'sự thật' qua lá thư của Cezanne nói về sự thật trong tranh và sự thật liên quan đến tranh.  

 

 

Gần đây, Artigiani đã so sánh sự thay đổi tư duy từ duy lý, khách quan, cấu trúc của hiện đại đến tương đối, chủ quan, giải cấu trúc của hậu hiện đại trong văn học cũng song song và tương đương với sự thay đổi cách mạng trong nhận thức về thế giới thiên nhiên từ vật lý cổ điển Newton đến vật lý lượng tử trong vật lý (12).

 

Sự khám phá bất ngờ trong vật lý lượng tử về thế giới hiện thực đã đặt ra những câu hỏi sâu xa triết lý về thế giới hiện thực, gây vấn nạn cho triết học và cũng chính vật lý lượng tử có ảnh hưởng hay nói chính xác hơn là đã có tác dụng kích thích sự phát triển trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật cho đến ngày nay. Những câu hỏi về hiện thực là gì, ý nghĩa của thế giới lượng tử liên quan đến hiện thực, vai trò của nhận thức mà vật lý lượng tử đặt ra đã cho thấy là “hiện thực lạ lùng hơn ta nghĩ và hiện thực lạ lùng hơn ta có thể nghĩ đến ”, tương tự như nhà vật lý Arthur Eddington đã nói trước đây về vũ trụ (“Not only is the universe stranger than we imagine; it is stranger than we can imagine.”). Vật lý lượng tử là tiên phong của khoa học ngày nay và tiên phong là những gì mà các tiền vệ (avant-garde) của nghệ thuật luôn luôn giang tay đón nhận. 

 

 

Tổng luận

 

Khi Max Planck đặt ra ý niệm lượng tử, ông chỉ xem đó là một phương tiện để giải bài toán khó mà Kirchoff đã đặt ra. Điều quan trọng là ông đã giải thích được sự phát sóng từ vật đen một cách thật chính xác và đầy đủ không ngờ, hoàn toàn phù hợp với dữ kiện thí nghiệm. Ý tưởng lượng tử về sự không liên tục của năng lượng không bận tâm ông. Ông không nghĩ là nó sẽ có những hệ quả lớn lao về tư tưởng và phát triển khoa học vật lý lượng tử và ảnh hưởng vào đời sống con người trong mọi lãnh vực kể cả nghệ thuật sau này. 

 

Như ta đã thấy thuyết lượng tử của ông sau đó được Bohr mang vào thế giới ở tầng vi mô của vật lý nguyên tử, và từ đó đã đưa đến vật lý cơ học lượng tử với sự đóng góp sau đó của các nhà vật lý như Heisenberg, Dirac. Một sự khám phá thành công nhất về tri thức của ngành vật lý nói riêng và khoa học nói chung ở thế kỷ 20 và cho đến thế kỷ 21 này. Ngoài phương diện khoa học kỷ thuật, kinh tế xã hội, mặc dầu không được biết đến nhiều, nhưng ảnh hưởng của nó vào tư tưởng triết học, văn hóa nghệ thuật cũng to lớn không kém như đã mô tả ở trên. Gần đây, đã có các lý thuyết và các nghiên cứu trong lãnh vực triết học, sinh học lượng tử, tâm lý và vật lý thần kinh cho rằng nhận thức (“consciousness”) phát sinh từ các hiện tượng, quá trình lượng tử trong và giữa các tế bào thần kinh (neuron) trong sinh vật (mô hình Penrose-Hammeroff), tức là nhận thức xảy ra sau và qua sự hiện hữu của vật thể và hiện tượng lượng tử (14), cũng như sự đối ngẫu (duality) của vật thể (matter) và tinh thần (mind) là hệ quả của quá trình lượng tử (13).

 

Cuối thế kỷ 20, tác phẩm “Mây lượng tử“ (“Quantum Cloud”) của nhà điêu khắc Antony Gormley được hoàn thành năm 1999 vừa kịp để được đặt dựng kế công trình kiến trúc Millenium Dome tại London, đánh dấu con người bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ 21. Thuyết lượng tử đã làm cuộc cách mạng khoa học ở thế kỷ 20 và cũng sẽ mang đến những ứng dụng và ảnh hưởng to lớn cho thế kỷ hiện nay của chúng ta. Nghệ thuật và khoa học không bao giờ gặp nhau trong tư tưởng chăng? Vật lý lượng tử đã chứng tỏ điều này sai và không có cơ sở. Khoa học gia và người nghệ sĩ là bạn đồng hành trên con đường tiếp cận với thế giới hiện thực, tìm tri thức cùng khai phá sáng tác và làm cuộc sống tâm thức con người có ý nghĩa.    

  

  Tham khảo 

 

  1. Ball, P., Quantum weirdness and surrealism, Nature, Vol. 453, 19 June 2008, p. 983-984.
  2. Parkinson, G., Surrealism, Art and Modern Science, Yale University Press, 2008.
  3. Bachelard, G., The new scientific spirit, transl. by A. Goldhammer “Le nouvel esprit scientifique”, Beacon Press, Boston Massachusetts, 1986.
  4.  Triết lý khoa học hiện đại
  5. Malin, Shimon, Nature loves to hide: Quantum Physics and Reality, a Western Perspective, Oxford University Press, 2003.
  6. Barthes, R., Writing degree zero (transl. by Annette Lavers, Colin Smith), Hill and Wang, New York, 1999.
  7. Faye, Jan, Niels Bohr and the Vienna Circle, 2007, http://philsci-archive.pitt.edu/archive/00003737/
  8. King, Mike, From Max Ernst to Ernst Mach – Epistemology in Art and Science, Research into Practice conference, University of Hertfordshire, July 2002, http://www.jnani.org/mrking/writings/post2000/ErnsttoMachintro.htm
  9. Evelyn Fox Keller, "Cognitive repression in contemporary physics," 47(8), 718-721 (1979).
  10. Merali, Zeega, Reincarnation can save Schrödinger 's cat, Nature, Vol. 454, 3 July 2008, pp. 8-9.
  11. Ciara Muldoon, Did Picasso know about Einstein?, PhysicsWorld, Nov. 2002, http://physicsworld.com/cws/article/print/11359.
  12. Artigiani, R., From epistemology to cosmology: Post-modern science and the serach for new cultural cognitive maps, in 'The Evolution of Cognitive Maps: New Paradigms for the twenty-first century', Edited by Ervin Laszlo, Ignazio Masulli, Gordon and Breach Publishers, 1993, pp. 29-57.
  13. Zohar, Danah, Quantum Self – Hunman nature and consciousness defined by the new physics, Harper Perennial, New York, 1991. 
  14. Hameroff, Stuart, Penrose, Penrose, Orchestrated Objective Reduction of Quantum Coherence in Brain Microtubules: The "Orch OR" Model for Consciousness, In: Toward a Science of Consciousness - The First Tucson Discussions and Debates, eds. Hameroff, S.R., Kaszniak, A.W. and Scott, A.C., Cambridge, MA: MIT Press, pp. 507-540 (1996)

 

Trích từ Max Planck, Người Khai Sáng Thuyết Lượng Tử, Kỷ yếu mừng sinh nhật thứ 150.

©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Đức Hiệp