Đó là đảo Lord Howe, hòn đảo chỉ dài 11km và rộng 2km có hình dạng như chiếc boomerang nằm cách Sydney 780km về hướng Đông Bắc.

 

Hòn đảo ôm lấy một hồ nước xanh màu ngọc bích bao quanh bởi rạn san hô nằm ở nơi xa nhất thế giới về hướng Nam. Nơi đây được vinh danh là Di sản thế giới Unesco vào năm 1982 vì địa hình núi lửa hùng vĩ, cùng với các loài động vật đặc hữu và các giống cây bản địa không tồn tại ở nơi nào khác trên Trái Đất.

 

Tuy nhiên, mảnh đất thiên đường này nổi tiếng là nơi quá đắt, nhà hàng rất đắt đỏ, vì hòn đảo là nơi có dịch vụ lưu trú cao cấp, có thể đã đặt kín chỗ từ một năm trước. Nơi đây không có phòng nghỉ giá rẻ, cũng không có khu lều cắm trại, còn du thuyền hoàn toàn bị cấm khiến hầu hết dân du lịch không đủ tiền để đến trải nghiệm.

 

 

Nơi không phải cứ có tiền là đến được

Đảo Lord Howe được phát hiện vào năm 1788, và rất nhiều cư dân sống nơi đây là con cháu của những người châu Âu định cư đầu tiên vào năm 1833. Với họ, môi trường trong lành từ lâu đã là miếng cơm manh áo trong gần một thế kỷ, từ khi du khách lần đầu tiên đặt chân đến khu hồ trên những chiếc tàu Sandringham Flying Boats vào cuối thập niên 1940.

 

Vào năm 1981, từ rất lâu trước khi khái niệm "du lịch sinh thái" trở thành từ ngữ thông dụng và khái niệm "quá tải du khách" trở thành điều gây khó chịu, thì khoảng 350 cư dân địa phương tỏ ý quan ngại về tình trạng hủy hoại sinh cảnh, sự xuất hiện của những loài xâm lấn, tình trạng ô nhiễm và phát triển.

 

 

Kết quả là Ủy ban Đảo Lord Howe được bầu, gồm bốn thành viên là dân địa phương và ba thành viên từ chính quyền bang New South Wales, đã giới hạn số du khách trên đảo tại bất kỳ thời điểm nào cũng không được quá 400 người.

 

Từ đó đến nay, quy định này vẫn tiếp tục được áp dụng. Đảo có luật và chính sách môi trường nghiêm ngặt. Ôtô chỉ được dùng cho cư dân thực sự cần đến. Ở đây không có máy lạnh. Ủy ban phải được tham vấn trước khi đốn hạ một nhánh cây hay chọn màu sơn cho nhà cửa.

 

Clive Wilson, một cư dân lâu năm và hướng dẫn viên du lịch ở đảo, nói "Chúng tôi hay đùa rằng bạn cần giấy phép mới được đào trong vườn nhà. Chúng tôi bị cáo buộc là quan liêu đến phát khùng, nhưng mục đích của chúng tôi là bảo vệ môi trường độc đáo và mỏng manh nơi đây".

 

 

 

 

 

Bà Libby Grant, Giám đốc khu nhà nghỉ Capella Lodge, giới thiệu cho tôi về đời sống trên đảo trong chuyến xe ngắn từ sân bay đến một khu nghỉ dưỡng 9 phòng bằng một chiếc xe điện thường dùng cho sân golf. Như mọi cư dân khác, khu nhà nghỉ thu thập nước mưa dùng để uống và sử dụng nước giếng khoan để rửa dọn và làm vườn.

 

Bà cho biết "Một trong những thách thức lớn nhất của chúng tôi có thể là đợi chuyến phà hai tuần một lần đến đảo, mang theo thực phẩm và nhu yếu phẩm từ đất liền".

 

May mắn thay, vườn tược trên đảo có trồng trái cây và rau củ. "Đầu bếp của chúng tôi cũng tìm kiếm rong biển từ khu đất bồi ra biển của hòn đảo, và ngư dân cung cấp cho chúng tôi cá kingfish đánh bắt tươi sống hàng ngày".

 

 

 

 

 

Nơi không có chỗ cho rác thải

Chất thải hữu cơ từ nhà, nhà hàng và các thùng rác công cộng và bùn cống, giấy và hộp carton xé ra được đưa thẳng đến nhà máy ủ phân thẳng đứng, một cơ sở tầm cỡ thế giới, chuyển hóa 86% rác trên đảo thành phân hữu cơ cho cộng đồng.

 

Nhựa tái chế, nhôm và thủy tinh được chuyển về đất liền và bán cho để bù lại cho phí tàu vận tải. Những loại rác không tái chế được sẽ được nén lại và đưa về bãi rác trên đất liền vì trên đảo không còn bãi rác nào nữa.

 

Hệ thống người dùng trả tiền làm giảm thiểu tình trạng rác thải từ hộ gia đình, nghĩa là nếu bạn mua một bộ ghế nệm mới, bạn có thể tốn đến 1.200 USD để chuyển bộ ghế cũ khỏi hòn đảo.

 

Điện cũng đắt vì hệ thống pin điện mặt trời để giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu diesel đắt tiền và gây ô nhiễm đã được lên kế hoạch hoàn tất vào năm 2020.

 

"Chi phí cao dành cho dân đảo và doanh nghiệp là kết quả của đời sống trên đảo xa xôi ngày càng trở nên hiện đại và thân thiện với môi trường", Grant cho biết, đặc biệt khi họ đón những nhóm khách du lịch kỳ vọng có đủ tiện nghi như ở nhà trong quy mô sinh thái nghiêm ngặt của đảo Lord Howe.

 

Tôi vớ lấy một chiếc xe đạp miễn phí từ chỗ để xe và đạp đến thị trấn nhỏ xíu trên đảo lấp ló núp bóng trong những tàng cây nhiệt đới. Có một nhà hát/trung tâm cộng đồng, một tiệm bánh, một hàng thịt và một cửa hàng tạp hóa; một bưu điện, vài cửa tiệm bán đồ lặt vặt một nhà khách Chính phủ, nơi mỗi em bé trên đảo ra đời sẽ được công bố bằng một chiếc "tã" màu hồng hoặc xanh treo trên cột cờ.

 

Lợi nhuận từ cửa hàng bia rượu, do Ủy ban đảo Lord Howe quản lý và điều hành, được đưa lại để phát triển các dự án địa phương trên đảo, nghĩa là "mở một chai bia" đúng nghĩa đen là phục vụ cộng đồng.

 

Quang cảnh trên hòn đảo nhỏ cực kỳ đa dạng, từ rừng mưa dày đặc và núi dốc đứng, vì vậy có hàng chục hoạt động ngoài trời mà bạn có thể thưởng thức, như chơi lướt sóng, đạp xe địa hình và chơi lăn bóng trên cỏ. Tại khu đầm dài 6km, tôi thuê một chiếc thuyền kayak và đạp xe ra Đảo Thỏ, nơi tôi sẽ ăn trưa với đồ ăn mang theo

 

 

 

Quay trở lại bờ biển, tôi bỏ vài món đồ lặn biển trên một chiếc tàu lặn và đi vào đầm lầy đầy những loài vật nhiệt đới dòng chảy từ rạn san hô Great Barrier Reef giao thoa với vùng nước lạnh hơn ở đảo Lord Howe.

 

Sự pha trộn này tạo ra một hệ sinh thái những loài sinh vật và san hô cực kỳ phong phú và khác lạ mà thông thường ta không thể nào thấy chúng sống gần nhau, chẳng hạn như cá ngừ và cá hồi ôn đới bên cạnh cá nhám dẹt nhiệt đới và 86 loài san hô cứng các loại.

 

Sáng hôm sau, tôi theo một nhóm nhỏ cùng đi bộ cả ngày lên đỉnh núi Gower cao 875m lờ mờ hiện ra ở phần mũi phía Nam của đảo bên cạnh ngọn núi nhiệt đới song sinh tên là Lidgbird cũng trên đảo.

 

Jack Shick, hướng dẫn viên của nhóm, là dân đảo đời thứ năm và là thế hệ thứ ba làm nghề hướng dẫn leo núi. Theo lời Jack, khoảng 170 loài chim biển và đất liền sống trên đảo hoặc đến hòn đảo nơi không có loài săn mồi nào ăn thịt chúng.

 

“Giờ tôi muốn tất cả các bạn thét lên thật to". Chúng tôi làm theo lời anh, và lập tức những chú hải âu Providence chao liệng trên đầu đột ngột đáp xuống mặt đất vì tò mò, lạch bạch đi bộ về phía chúng tôi với sải cánh mở rộng.

 

Cuộc đi bộ càng lúc càng trở nên siêu thực khi chúng tôi đến gần đỉnh núi mù sương mây phủ trong rừng, một thế giới như trong truyện của Tolkein với những thân cây cằn cỗi và xương xẩu, với hoa phong lan và những cây dương xỉ treo lơ lửng.

 

Nhưng càng mê say vẻ đẹp tự nhiên của đảo Lord Howe bao nhiêu, thì tôi càng thấy xứng đáng khi trải nghiệm niềm đam mê và sự kiên định của một cộng đồng khăng khít, những người tập trung bảo vệ hòn đảo đẹp như cổ tích này.

 

 

 

 

 

 

Tại Bảo tàng Đảo Lord Howe hấp dẫn với các chủ đề di sản địa phương, lịch sử, xác tàu đắm và thiên nhiên, tôi tìm gặp giám tuyển Ian Hutton, nhà tự nhiên học đã sống tại đảo từ năm 1980 và là tác giả 10 quyển sách về đảo, trong đó có quyển “Hướng dẫn về Di sản Thế giới - Đảo Lord Howe”.

 

“Hòn đảo ở trong tình trạng gần như nguyên thủy so với thời nó được con người tìm ra. Và tất cả chúng tôi đều hành động để đưa hòn đảo về nguyên trạng ban đầu tốt nhất như có thể", Hutton giải thích. Mèo hoang, dê, heo và chuột đều đã bị diệt trừ do chúng hủy diệt các loài cây và động vật đặc hữu trên đảo.

 

Động vật bản địa xuất hiện trở lại sau thời gần như bị tuyệt chủng, như loại gà rừng Lord Howe không biết bay (chỉ còn chừng 30 cá thể còn lại) và một trong những loài côn trùng hiếm nhất thế giới, bọ que đảo Lord Howe. Nơi đây cũng dẫn đầu thế giới trong thành tích diệt trừ các loại cỏ độc hại, giảm thiểu sự tàn phá đến 90%, nhờ một trong những dự án diệt cỏ tham vọng nhất trên đảo có người sinh sống.

 

Từ năm 2001, lòng nhiệt thành của Hutton bắt đầu dành cho dự án “Những người bạn của đảo Lord Howe” làm việc với tình nguyện viên đến thăm đảo và dành nửa thời gian mỗi ngày giúp nhổ cỏ hoặc giúp tái tạo các khu vực cây bụi.

 

Người địa phương và du khách cũng có thể làm việc cùng nhau với vai trò là nhà khoa học công dân, bên cạnh các nhà bảo tồn trong Dự án Tình nguyện Bảo tồn LHI, để bảo vệ sự đa dạng sinh học trên đảo, trải dài từ khu vực đỉnh núi đến Công viên Đại dương đảo Lord Howe rộng 460km² dưới đáy biển được thành lập năm 1999.

 

Vì vậy, năm 2018, Ủy ban Đảo Lord Howe được nhận giải thưởng Gold Banksia, giải thưởng cao nhất về sinh thái của Australia. Mùa thu 2019, sự chú ý của cộng đồng du lịch quốc tế lần đầu tiên hướng về hòn đảo xa xôi khi nơi này được Lonely Planet xếp hạng trong nhóm 10 vùng hàng đầu phải ghé thăm vào năm 2020.

 

Còn với tôi, dù là lần thứ ba đến thăm đảo Lord Howe kể từ năm 1983 nhưng khi chuyến đi kết thúc, tôi nhận ra một sự thật đáng kinh ngạc, đó là nơi này vẫn còn xưa cũ đáng yêu, vắng lặng, không phát triển, cuộc sống hướng về cộng đồng và thậm chí môi trường còn trong lành hơn 36 năm về trước.