(Hình minh họa: Shutterstock)

 

 

 

Phần 7, Phần 8.

 

 

Bất kể chúng ta dù già hay trẻ, dù đến từ đâu, hãy làm quen và tìm hiểu về mọi người xung quanh. Hãy tìm tòi, đặt câu hỏi để hiểu rõ quan điểm của họ; hãy lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt. Mỗi người đều là duy nhất. Mỗi người đều có một câu chuyện riêng.

 

 

Sinh ra vào năm 1957 và lớn lên ở nước Đức bị chia cắt, tôi may mắn được sống ở Tây Đức, nơi mà những gì xảy ra dưới chế độ Đức Quốc xã được ghi vào sách lịch sử trong các chương trình học trung học. Chúng tôi được dạy về chiến tranh, điều gì đã dẫn đến chiến tranh và những hành động tàn bạo. 

 

 

Một trong những điều tôi nhớ rất rõ cho đến ngày nay là những bộ phim do những người lính Đồng minh quay trong thời gian giải phóng các trại tập trung. 

 

 

Trong một vài chuyến đi đến các nước Châu Âu khác khi còn là một thiếu niên, tôi đã gặp những người tránh né tôi vì tôi là người Đức. Ở tuổi ấy, tôi nhận ra sự vô nhân đạo của những gì Đức Quốc xã đã gây ra. 

 

 

Tôi đã phải mất nhiều năm và nhiều cuộc trò chuyện với chồng - là một người Mỹ - để hiểu rõ lịch sử quê hương và loại bỏ cảm thấy xấu hổ vì bản thân là một người Đức.

 

 

Tôi lớn lên ở một cảng biển nơi các tàu buôn và hải quân quốc tế thường cập bến. Bạn sẽ rất dễ nhận ra đó là tàu quốc tế thông qua việc quan sát họ mua hàng và nghe họ nói bằng một thứ ngôn ngữ khác. Cha mẹ tôi đã nuôi dạy chị gái và tôi trở nên bao dung với những người khác chúng tôi về văn hóa, chủng tộc hay tôn giáo... Trường học và nhà thờ cũng dạy chúng tôi về điều ấy.

 

 

Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thích tìm hiểu về các quốc gia và nền văn hóa khác, mê mẩn mọi thứ “khác biệt” và mới mẻ. Cùng với gia đình và bạn bè, tôi đã du lịch đến các nước Châu Âu khác cũng như Liên Xô cũ và một số nước Châu Á. Tất nhiên, thời đó chưa có điện thoại di động và mạng xã hội - và tôi luôn trân trọng những trải nghiệm cá nhân ấy.

 

 

Trong cuộc đời làm việc của mình, tôi đã gặp rất nhiều người đến từ các quốc gia và hoàn cảnh khác nhau. Một đồng nghiệp trước đây của tôi là một trong những người Việt Nam di cư để tạo dựng cuộc sống mới ở một đất nước tự do. 

 

 

Trong một chuyến đi đến nước Mỹ này, tôi và chồng đã gặp một người phụ nữ lớn tuổi, lớn lên ở Ba Lan. Bà đã cùng gia đình trốn vào rừng khi quân lính Đức Quốc xã đốt phá ngôi làng nhỏ của họ. Họ ẩn náu trong rừng và cuối cùng lên đường đến Mỹ.

 

 

Mục đích tôi chia sẻ những điều trên chỉ để muốn nói với các bạn rằng - bất kể chúng ta dù già hay trẻ, dù đến từ đâu - hãy làm quen và tìm hiểu về mọi người xung quanh. Hãy tìm hiểu, đặt câu hỏi để hiểu rõ quan điểm của họ; hãy lắng nghe và chấp nhận sự khác biệt. Mỗi người đều là duy nhất. Mỗi người đều là một câu chuyện riêng.

 

 

Một tổ chức mà tôi làm việc đã khuyến khích nhân viên trong quá trình đào tạo nội bộ nên ngồi với những người từ các bộ phận khác - để hiểu nhau và hiểu những thách thức trong công việc mà đồng nghiệp của mình phải giải quyết ở vai trò của họ.

 

 

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghĩ về hai thủy thủ người Anh. Bởi lẽ, không lâu sau khi chúng tôi gặp nhau tại quê tôi, con tàu của họ thuộc hạm đội được triển khai đến Quần đảo Falkland trong một cuộc chiến ngắn ngủi. Tôi thường tự hỏi: liệu họ đã về đến nhà hay chưa?

 

Sigrid Alexander, Colorado

 

(ntdvn.com - Hà Phương Theo The Epoch Times)