(Bài viết này của tác giả Nguyen Tuan, được đăng trên trang facebook của chính tác giả tại: https://www.facebook.com/t.nguyen.2016)

 

 

 

 

 

 

Đa số chúng ta không phân biệt được 'sếp' (boss) và 'lãnh đạo' (leader), và hay nghĩ rằng hễ ai làm sếp là làm lãnh đạo. Nhưng trong thực tế thì không phải như vậy: sếp và lãnh đạo rất khác nhau về tố chất. Trong cái note này tôi chia sẻ vài cách hiểu của tôi.

 

 

 

Cách đây hơn 10 năm tôi được gởi đi học một lớp huấn luyện về kĩ năng lãnh đạo (tiếng Anh gọi là leadership skills). Ở Úc, người ta xem chức vụ 'professor' là một lãnh đạo, và thời đó, bất cứ ai được đề bạt lên chức danh 'professor' đều phải đi học lớp này, do các chuyên gia tâm lí và doanh nghiệp giảng. Không biết mấy người khác thì sao, nhưng tôi rất thích lớp học 2 ngày này, vì nó cho tôi một cái nhìn rất khác với những công việc thường qui. Một trong những điều tôi học được là sự khác biệt giữa người sếp và người lãnh đạo. Học xong và liên tưởng đến nhiều trường hợp, tôi thấy mình thật may mắn hiểu được sự việc và tự mình trao dồi.

 

 

Tôi nhìn lại sự phát triển của viện tôi đã làm việc trong thời gian gần 30 năm qua và thấy sự khác biệt giữa sếp và lãnh đạo rất rõ ràng. Có thời, viện tôi được lãnh đạo bởi một giáo sư (tạm gọi là A). Ông là người rất tài ba trong chuyên môn nội tiết học, một chuyên gia có hạng trên thế giới về lãnh vực nghiên cứu lâm sàng. Dưới sự điều hành của ông, ông là người quyết định tất cả, còn các giáo sư dưới quyền chỉ làm cho ông. Ông có thói quen quản lí mà sau này được gọi là 'vi mô' (micromanagement). Chẳng hạn như một hôm ông đi làm sớm và thấy cái điện thoại reo nhưng cô thư kí chưa đến làm việc, sau đó ông ra lệnh là thư kí phải đến làm việc từ 8 giờ sáng. Ông can thiệp vào những chi tiết về chánh sách đi dự hội nghị, ra qui định về số tiền mà nhân viên có thể dùng cho ăn sáng, ăn trưa, và ăn tối. Nói chung, cách điều hành của ông được ví von như là một 'tổng thống'.

 

 

 

 

Phương thức điều hành đó làm cho nhiều giáo sư 'tướng lãnh' dưới quyền không hài lòng. Thế là một cuộc 'cách mạng' xảy ra, và hậu quả là Viện có một viện trưởng mới. Ông này là dân khoa học, lừng danh trên thế giới đến nổi có mô hình DNA lấy tên ổng. Ổng, tạm gọi là B, được tuyển từ Mĩ về Úc (ông là người Úc). Có lẽ vì ảnh hưởng cách làm của Mĩ, nên ông có một phong cách điều hành hoàn toàn khác người tiền nhiệm. Ông đề ra viễn kiến và sứ mệnh của Viện; ông tái cơ cấu các chương trình nghiên cứu, và mỗi chương trình được điều hành bởi một giáo sư; ông vận động xin tiền để mở rộng Viện; ông lên hẳn một danh sách những người tài (cấp fellow) mà ông muốn chiêu dụ về Viện. Ông làm việc theo kiểu 'inclusive' (dung nạp), cái gì cũng bàn bạn với các giáo sư trước khi ra quyết định. Cá nhân ông thì rất vui tính, hay nói đùa, hầu như bài giảng nào của ông cũng làm cho người ta cười ngất vì những câu chuyện thật. Nhưng đằng sau những câu chuyện đó là một bài học hay, và ông điều hành Viện một cách thông thoáng, thuyết phục mọi người.

 

 

Phong cách điều hành viện nghiên cứu của hai ông giáo sư là một bài học về phân biệt giữa sếp (giáo sư A) và lãnh đạo (giáo sư B ).

 

 

Ở Việt Nam, chúng ta hay đề cập đến những người quản lí là 'sếp' (chief, boss) hay 'lãnh đạo' một cách không phân biệt. Nhưng trong thực tế, lãnh đạo cao hơn sếp. Rất nhiều người quản lí chỉ là sếp, chớ chưa là lãnh đạo. Một người lãnh đạo là sếp, nhưng không phải ai làm sếp đều là lãnh đạo. Hai người này, sếp và lãnh đạo, khác nhau ở nhiều tố chất, mà tôi chỉ liệt kê 5 tố chất chánh dưới đây:

 

 

1.  Sếp ra lệnh, lãnh đạo gây ảnh hưởng

Sếp là người điều hành nhân viên sao cho họ phải tuân thủ theo các điều lệ của tổ chức. Còn lãnh đạo là người khuyến khích người khác tự suy nghĩ và hoàn thành mục tiêu đề ra. Do đó, sếp hay ra lệnh cho người khác phải làm gì, còn lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho người khác tìm cách làm tốt hơn. Thẩm quyền của sếp xuất phát từ vị trí họ được bổ nhiệm, nhưng thẩm quyền của người lãnh đạo xuất phát từ khả năng gây ảnh hưởng đến người khác.

 

 

 

2. Sếp giải thích và cầm tay chỉ việc, lãnh đạo truyền cảm hứng

Người sếp muốn nhân viên dưới quyền hiểu rõ công việc, còn lãnh đạo là người yểm trợ và hướng dẫn cho nhân viên giải quyết vấn đề. Người lãnh đạo truyền cảm hứng và làm cho người dưới quyền cảm thấy hào hứng về việc họ làm. Thành công đòi hỏi niềm đam mê, và người lãnh đạo cần phải khuyến khích và giải thích cho cấp dưới rằng công việc của họ là quan trọng.

 

 

 

3.  Sếp duy trì kỉ luật, lãnh đạo hướng dẫn.

Bất cứ ai cũng có sai lầm, và đối phó với sai lầm là một kĩ năng phân biệt giữa người sếp và lãnh đạo. Người sếp có thể sử dụng hệ thống phạt để ngăn chận những sai sót, nhưng người lãnh đạo nhận thức rằng nhân viên thường hưởng lợi từ khuyến khích và hướng dẫn. Nếu nhân viên làm việc tốt thì người đó phải được ghi nhận và phổ biến.

 

 

 

4.  Sếp giao phó công việc, lãnh đạo giao phó thẩm quyền.

Người sếp thường tập trung vào các mục tiêu của cơ quan hay tổ chức, duy trì những qui định để sao cho đạt được mục tiêu. Sếp là người suy nghĩ ngắn hạn, họ chỉ muốn đạt được các chỉ tiêu đề ra và do đó có thể can thiệp vào công việc của nhân. Họ có xu hướng quản lí vi mô (quan tâm đến những chuyện nhỏ nhặt của nhân viên).

 

 

Ngược lại, người lãnh đạo đề ra viễn kiến và đặt mục tiêu lâu dài. Họ dấn thân bằng cách làm gương cho người khác làm theo, bằng gây cảm hứng để cho người khác tự phát triển. Họ sẵn sàng giao phó thẩm quyền và tránh việc quản lí vi mô.

 

 

 

5. Sếp đứng trên đồng đội, lãnh đạo đứng chung với đồng đội.

Người sếp khi được bổ nhiệm chẳng cần quan tâm đến nhân viên hay cần biết ai là ai, vì họ nghĩ rằng mình là cấp trên. Còn người lãnh đạo thì tìm cách xoá bỏ đẳng cấp và thứ bậc trong tổ chức, và xem đồng đội bình đẳng với nhau. Lãnh đạo tự xem mình là một thành viên của đội. Người lãnh đạo xây dựng mối liên hệ tích cực với nhân viên, làm việc cùng với nhu cầu của họ và tạo ra một kênh liên lạc mở cho mọi người.

 

 

Ngoài ra, còn nhiều khác biệt khác giữa sếp và lãnh đạo về tư cách cá nhân. Chẳng hạn như sếp thích nói về tài năng của mình và khi có vấn đề thì lại đổ lỗi cho người khác, nhưng lãnh đạo thì thích nói về đồng đội và nhận trách nhiệm khi có vấn đề. Sếp do đó thích phê bình người khác, còn lãnh đạo thì khuyến khích khi có dịp. Sếp rất trọng cái tôi và lúc nào cũng tỏ ra 'ta đây' mạnh mẽ, còn lãnh đạo thì sẵn sàng chia sẻ sự mong manh và bất định cùng đồng đội.

 

 

 

Quay trở lại Việt Nam, người ta (kể cả chánh phủ) hay dùng chữ 'sếp' và 'lãnh đạo' khá tuỳ tiện. Nhưng nếu nhìn kĩ những người ở vị trí điều hành, hình như tuyệt đại đa số họ chỉ là sếp chớ không phải lãnh đạo. Họ hay đổ thừa chớ không chịu trách nhiệm. Ví dụ như khi có đại biểu Quốc hội chất vấn về sự mất rừng, có ông bộ trưởng nói đó là do Mĩ rải chất độc hoá học, mà không chịu nhìn nhận thực tế là do chánh sách thuỷ điện và ngay cả cán bộ cũng phá rừng. Khi dư luận quan tâm về ô nhiễm môi trường, thay vì suy nghĩ chánh sách lâu dài, họ kéo nhau về địa phương tắm biển và ăn hải sản (như để chứng minh là an toàn) nhưng họ không biết rằng đó chỉ là diễn tuồng và người dân biết cả.

 

 

Còn cấp quản lí thấp hơn cũng chỉ lo những việc nhỏ nhặt mà ít khi nào chú ý đến vấn đề vĩ mô và lâu dài. Nhiều người chỉ quan tâm đến đạt chỉ tiêu cấp trên đề ra, và cấp trên cũng lại bị ràng buộc bởi chỉ tiêu. Hậu quả là thiếu cái tầm lãnh đạo, mà chỉ quây quẩn trong phạm vi của sếp. Điều này rất dễ thấy khi nhìn qua các phát biểu về viễn kiến (vision) và sứ mệnh (mission) của các trung tâm như viện nghiên cứu, bệnh viện, đại học, v.v. thường mang tính ngắn hạn chớ hiếm thấy những ước mơ lâu dài. Có thể người ta chưa quan tâm đến sự khác biệt giữa sếp và lãnh đạo.

 

 

Tóm lại, sếp và lãnh đạo là hai người khác nhau ở tầm nhìn, phong cách điều hành, và tố chất truyền cảm hứng. Cả hai người đều có trách nhiệm điều hành một tổ chức, nhưng sếp thì quan tâm đến những vấn đề ngắn hạn và cho mình, còn lãmh đạo thì tập trung vào mục tiêu dài hạn và phấn đấu vì mọi người. Doanh nghiệp và cơ quan công quyền cần lãnh đạo hơn là sếp.