Chim có tổ, người có tông. Nói một cách khác, ai trong chúng ta cũng có giòng tộc. Mỗi giòng tộc khởi sự bằng một gia đình và mong đó là mái ấm.
Thế nhưng, ngày nay đâu được vậy. Trong một trăm cuộc hôn nhân những tưởng sẽ có 100 gia đình ấm êm hạnh phúc, dè đâu có nơi quá nửa đã đổ vỡ bằng tờ ly hôn, bằng khúc rẽ ly dị.
Theo văn phòng The Separation Guide, một nền tảng công nghệ cung cấp những chỉ dẫn cần thiết cho một cặp đôi muốn chia tay, cho biết tỷ lệ ly hôn của Úc đang gia tăng, trong tháng 12 năm 2024 và tháng 1 năm 2025 so với cùng kỳ năm ngoái tăng tới 40 phần trăm. Chỉ riêng ngày 29 tháng 12 đã chứng kiến mức tăng 88 phần trăm trong các yêu cầu đăng ký so với mức trung bình hàng ngày của tháng 12.
Những số liệu thống kê cho thấy sự căng thẳng về tài chánh là nguyên nhân chính thúc đẩy một số cặp đôi tại Úc đến bờ vực tan vỡ. Có người nói rằng, tiền trợ cấp xã hội cho người được hưởng nếu sống có đôi thì thấp hơn nếu họ sống riêng - sự chênh lệch này không phải nhỏ, người sống “côi cút” lãnh trội khoảng $300 mỗi hai tuần so với hai người sống chung.
Vào những dịp lễ, mức độ cần tiền để chi tiêu lại chính là thời điểm có nhiều cặp vợ chồng muốn “anh đi đường anh, tôi đi đường tôi; tình nghĩa đôi ta có thế thôi”! BàAngela Harbinson, Giám đốc điều hành của The Separation Guide, cho biết: “Cặp đôi đã cân nhắc đến việc ly thân trong một thời gian, họ thường mong muốn được cùng nhau đón một lễ Giáng sinh cuối cùng trước khi hành động. Đây là lý do văn phòng chúng tôi thấy lượng truy vấn trực tuyến tăng lên sau Giáng sinh và năm mới.”
Bà Harbinson nói thêm rằng, tháng 2 theo truyền thống được coi là “tháng ly hôn” trong ngành Luật Gia đình, mặc dầu trong đó có ngày Valentine (Ngày tình nhân) vì đây là thời điểm tòa án mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ. Rất có thể trong ngày Tình nhân, sự đậm đà của hai người chung sống không được bày tỏ như ý muốn, nên họ “tức” nhau để đi đến quyết định chia tay. Ai biết được!?
Nghiên cứutừ The Separation Guide chothấychiphí trung bình cho việc ly thân và ly hôn ở Úc là khoảng 21,000 đô la cho một người nếu vấn đề không ra tòa, hoặc từ 50,000 đến 100,000 đô la nếu ra tòa.
Số liệu ly hôn ở Úc cho thấy, với 56,244 vụ được chấp thuận vào năm 2021 – đây là số vụ ly hôn cao nhất được ghi nhận kể từ năm 1976 khi có Luật Gia đình vào cuối năm 1975. Tổng số vụ ly hôn hằng năm đã giảm trong những năm tiếp theo, với 49,241 vụ ly hôn được chấp thuận vào năm 2022 và 48,700 vụ ly hôn được chấp thuận vào năm 2023.
Đạo luật Luật Gia đình năm 1975 (Family LawAct 1975), được thực thi từ tháng 1 năm 1976, cho phép ly hôn dựa trên “sự đổ vỡ không thể cứu vãn” (Điều 48). Điều kiện để Tòa án cho giải quyết ly hôn là phải chứng minh được hai vợ chồng đã ly thân tối thiểu 12 tháng và không có khả năng tái hợp. Nếu Tòa án xét thấy hai bên vẫn còn khả năng tái hợp sẽ không giải quyết cho ly hôn. Pháp luật Úc cũng công nhận hai hình thức ly hôn:
- Ly hôn đơn phương;
- Ly hôn thuận tình.
Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu tuyên bố chấm dứt hôn nhân khi có đơn của vợ, chồng. Các vấn đề về phân chia tài sản, cấp dưỡng phải nộp đơn yêu cầu giải quyết riêng trong vòng 12 tháng kể từ ngày án lệnh công nhận ly hôn có hiệu lực.
Con số cho thấy tỷ lệ ly hôn tăng vọt vào năm 1976, với sự thay đổi về mặt lập pháp cho phép một số đơn ly thân dài hạn và đơn xin ly hôn được nộp trong những năm trước được chính thức hóa. Tuy nhiên, có những thay đổi về mặt hành chính được thực hiện từ năm 2021 cho phép hoàn tất thủ tục ly hôn trong thời gian ngắn hơn.
Thống kê củaABS trong năm 2023 được ghi nhận như sau:
-48,700 vụ lyhôn được chấp thuận tại Úc, giảm 1.1% so với 49,241 vụ ly hôn được chấp thuận vào năm 2022. Trong khi đó, năm 2023 có 118,439 đăng ký kết hôn và 2022 có 127,161 (giảm 7.3%).
-Tỷ lệ ly hôn cơ bản giảm xuống còn 2.3 vụ ly hôn trên mỗi 1,000 người trên 16 tuổi, giảm so với mức 2.4 vào năm 2022.
-Thời gian trung bình của các cuộc hôn nhân (từ khi kết hôn đến khi ly hôn) tăng lên 13.0 năm (từ mức 12.8 năm vào năm 2022).
-Độ tuổi trung bình khi ly hôn đã tăng lên 47.1 tuổi đối với nam giới (từ mức 46.7 tuổi vào năm 2022) và 44.1 tuổi đối với nữ giới (từ mức 43.7 tuổi vào năm 2022). Với tuổi kết hôn, số liệu cho thấy, tuổi kết hôn trung bình của nam giới là 29.9 (so với 29.3 của năm 2019) và của nữ giới 27.6 (so với 27.0 của năm 2019).
Trong năm 2023 có 118,439 cuộc hôn nhân được đăng ký trên toàn lãnh thổ Úc và cũng năm này có 48,700 đơn ly hôn được giải quyết – tạm xem là 41 phần trăm bị “rã” so với 62 phần trăm của năm 2020 (năm đại dịch Covid-19 với 78,987 cuộc hôn nhân và 49,510 cuộc ly dị).
Thật buồn thay, khi số liệu thống kê giữa vòng những vụ ly hôn cho thấy cuộc sống hôn nhân của năm 2023 (từ khi kết hôn đến khi ly hôn) trung bình chỉ được 13.0 năm - so với 12.8 năm vào năm 2022 – nhích lên chẳng được mấy!
Khi kinh tế khó khăn, đời sống vật chất lên cao tất căng thăng lại thêm, tinh thần thì sa sút. Có thể đây là những yếu tố ảnh hưởng tới sự rạn nứt của gia đình và đưa đến sự đổ vỡ chăng?
Giữ được một cuộc hôn nhân lâu dài, bền vững không còn là dễ như người xưa chân chất sống trong cảnh thanh bần “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo; miếng bánh cũng bẻ làm đôi”. Tình nghĩa được xem trọng hơn vật chất. Ở thời buổi này mà nói những thứ ấy bị coi là lạc hậu, lỗi thời.
Mong một mái ấm gia đình xem ra khó quá! Ngày nay ư? Có một mái nhà cũng khó thay nói chi một mái ấm. Phải chăng đã đến lúc quay lại “một túp lều tranh với hai quả tim vàng” – và ai giữ được như vậy mới hy vọng có được một cuộc hôn nhân bền vững. Còn như bị lôi kéo theo trào lưu, ham chuộng xa hoa, đua đòi… thì… xin miễn bàn! ./.
Người Sydney
(Theo thống kê của ABS)