Ảnh minh họa: Epoch TImes.
Những giấc mơ đôi khi là những gì ta nghĩ quá nhiều vào lúc còn thức, nhưng đôi khi lại đầy bí ẩn và đáng kinh ngạc, có thể chỉ đường dẫn lối đặt nền tàng cho cả một nền khoa học thực chứng sau này.
Có người đi du lịch qua thiên đường và địa ngục trong giấc mơ, cũng có người dự đoán tương lai qua giấc mơ, có người lại được “mách nước” khiến thay đổi thế giới. Phần lớn kiến thức khoa học mà con người học được ngày nay thực sự lại do cảm hứng từ những giấc mơ. Dưới đây là 9 nhà khoa học được truyền cảm hứng từ những giấc mơ như vậy, theo Epoch Times.
1. Albert Einstein, nhà khoa học thiên tài với “vận tốc ánh sáng”
Albert Einstein (1879 – 1955) nói rằng toàn bộ cuộc đời của ông là sự suy ngẫm mở rộng dựa trên giấc mơ thời niên thiếu. Mục sư John W. Price nói trong buổi phỏng vấn với John H. Lienhard, giáo sư đã về hưu ngành kỹ thuật cơ khí và lịch sử tại trường Đại học Houston, Mỹ trong radio show “Engines of Our Ingenuity” (tạm dịch Các cỗ máy của trí tuệ chúng ta), ông đã kể lại giấc mơ ít được biết đến của Einstein: “Ông ấy mơ thấy mình đang trượt xuống một ngọn đồi trên một chiếc xe trượt tuyết, khi ông ấy đạt tới tốc độ ánh sáng trong giấc mơ của mình, tất cả các màu sắc được tích hợp thành một”.
Mục sư Price cho biết: “Được truyền cảm hứng từ giấc mơ này, trong phần lớn sự nghiệp của mình, ông ấy đã suy nghĩ về điều gì sẽ xảy ra khi mình đạt đến tốc độ ánh sáng”.
Albert Einstein trên con tem bưu chính (ảnh: Shutterstock).
Những suy nghĩ sớm nhất của Einstein về thuyết tương đối bắt đầu từ năm ông 14 tuổi, ông hỏi giáo viên của mình một câu có vẻ đơn giản: “Nếu em bay với vận tốc ánh sáng, liệu khuôn mặt em có thể nhìn thấy trong gương không?”
2. Dmitri Mendeleev và bảng tuần hoàn nguyên tố hóa học
Nhà hóa học Nga Dmitri Mendeleev (1834–1907) đã phát minh ra bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học. Trước đó, ông muốn tổ chức 65 nguyên tố đã biết theo một cách nào đó. Ông biết rằng phải có một khuôn mẫu nhất định để làm cho các nguyên tố này có trật tự, và định luật này phải liên quan đến trọng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, ông vẫn không tài nào định hình cho đến khi có một giấc mơ kỳ lạ.
Trích dẫn trong tài liệu “Bàn về sự sáng tạo trong khoa học” của nhà hóa học người Nga B.M. Kedrov: “Trong giấc mơ tôi thấy một tấm bảng, nơi tất cả các nguyên tố được đặt vào chỗ theo trật tự. Khi tỉnh dậy, tôi ngay lập tức viết nó lên một mảnh giấy”.
Một con tem ở Nga có in hình Dmitri Mendeleev (1834-1907), kỷ niệm 175 năm ngày sinh của Mendeleev (ảnh: Shutterstock).
Đó là vào tháng 2/1869, Mendeleev 35 tuổi, và đây là cách bảng tuần hoàn ra đời. Linh cảm trong mơ của Mendeleev rất chính xác, tthậm chí nó còn tiết lộ rằng, một vài nguyên tố đã bị đo lường không chuẩn. Đặc biệt hơn, chúng được sắp xếp trong bảng tuần hoàn dựa theo trọng lượng nguyên tử, vốn chưa được biết đến vào thời đó.
Trước đây, người ta vẫn chưa biết khối lượng nguyên tử của nhiều nguyên tố, và bảng của Mendeleev cũng để lại một số ô trống, tương ứng với những nguyên tố chưa được khám phá. Trong những năm tiếp theo, 11 nguyên tố mà ông dự đoán và để trống trên bảng lần lượt được phát hiện, đặc biệt là các khí trơ như heli, neon, argon, krypton, xenon và radon, đã thêm một nhóm mới vào bảng tuần hoàn.
Bảng tuần hoàn giống như một tấm bản đồ lớn, chỉ đường cho những nghiên cứu hóa học sau này.
3. Niels Bohr và mô hình nguyên tử
Nhà vật lý người Đan Mạch Niels Henrik David Bohr (1885 – 1962) là nhà vật lý học người Đan Mạch với những đóng góp nền tảng về lý thuyết cấu trúc nguyên tử và cơ học lượng tử sơ khai, nhờ đó mà ông nhận Giải Nobel Vật lý năm 1922. Bohr còn là nhà triết học và tích cực thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo một bài viết có tựa đề “Pillow-Talk: Seamless Interface for Dream Priming Recalling and Playback” của Edwina Portocarrero tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và các đồng tác giả cho hay:
“Niels Bohr cho biết ông phát triển mô hình nguyên tử dựa vào một giấc mơ trong đó ông ngồi trên Mặt Trời với tất cả các hành tinh bay xung quanh nó trên những sợi dây thừng nhỏ”.
Một con tem in chân dung của nhà vật lý Đan Mạch nổi tiếng Niels Henrik David Bohr (ảnh: Shutterstock).
4. Ông hoàng Toán học Karl Gauss
Nhà toán học người Đức Johann Carl Friedrich Gauß (1777 – 1855) đã thấy rõ định luật cho các trường lực (điện trường, từ trường, trọng trường) trong giấc mơ của mình, định luật này còn được gọi là định luật Gauss.
Carl Friedrich Gauß (1777–1855), vẽ bởi Christian Albrecht Jensen (ảnh: Wikimedia Commons).
5. Srinivasa Ramanujan, nhà toán học Ấn Độ huyền thoại
Nhà toán học siêu thiên tài Srinivasa Ramanujan sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Nam Ấn Độ vào năm 1887. Tương truyền, một nữ thần đã xuất hiện trong giấc mơ của ông và chỉ cho ông các công thức toán học. Người Ấn Độ vào thời điểm đó không hiểu những công thức này, nhưng Hardy, một nhà toán học tại Đại học Cambridge, đã rất sốc khi nhận được bức thư của Ramanujan vào năm 1913. Nhà toán học người Mỹ gốc Ấn Allardy đã đề cập đến câu chuyện này trong một bài báo đăng trên Bulletin của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ.
Mẹ của Ramanujan cũng có một ước mơ và đóng vai trò quan trọng trong thành công của con trai bà. Thayer, Giáo sư Kinh tế tại Đại học San Jose, California Watkins viết trên một tờ báo: “Mẹ của Ramanujan đã có một giấc mơ. Bà ấy mơ thấy con trai mình đang ngồi giữa một nhóm người châu Âu với một vầng hào quang khổng lồ, điều này khiến bà ấy tin rằng con trai bà ấy có thể đến Anh”.
Srinivasa Ramanujan (ảnh: Wikimedia Commons).
6. Otto Loewi, cha đẻ của khoa học thần kinh
Sự ra đời của ngành sinh học thần kinh cũng liên quan đến giấc mơ của Tiến sĩ Otto Lowe (1873 – 1961) được biết đến như là cha đẻ của ngành khoa học thần kinh. Ông đã đưa ra một giả thuyết rằng xung thần kinh có thể là một dạng truyền dẫn hóa học, nhưng ông không biết làm thế nào để chứng minh điều đó.
Năm 1920, ông có hai giấc mơ trong hai đêm liên tiếp, trong đó ông đã thiết kế một thí nghiệm sinh học để chứng minh lý thuyết của mình. Ông đã ngay lập tức đưa nó vào thực tế và kết quả thí nghiệm đã chứng minh rằng dây thần kinh không trực tiếp tác động lên cơ mà hoạt động bằng cách giải phóng các chất hóa học.
Otto Loewi (ảnh: Wikimedia Commons).
Khám phá này đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới và Tiến sĩ Loewi đã giành được giải Nobel Sinh lý học và Y học năm 1936.
7. Louis Agassiz và giấc mơ về hóa thạch cá
Nhà sinh vật học và địa chất học người Mỹ gốc Đan Mạch Louis Agassiz (1807 – 1873) từng nghiên cứu một hóa thạch cá chỉ lộ ra một phần cấu trúc của nó. Agassi không thể nhìn thấy đặc điểm của nó, cũng như không thể hình dung cấu trúc của con cá.
Ông lưỡng lự không biết có nên mài đá đi không, một khi làm như vậy, nó sẽ gây ra tổn thương không thể phục hồi cho mẫu vật. Sau đó, trong ba đêm liên tục, ông đã nhìn thấy tất cả các đặc điểm của loài cá này trong giấc mơ của mình. Vợ ông, Elizabeth viết trong hồi ký: “Hai đêm đầu tiên, anh ấy không thể nhớ được sự xuất hiện của con cá sau khi tỉnh dậy. Vào đêm thứ ba, anh chuẩn bị giấy và bút để ghi lại những gì mình thấy trong giấc mơ”.
Louis Agassiz (ảnh: Wikimedia Commons).
Vợ của Agassi tiếp tục viết: “Anh ấy vội vã đến vườn bách thảo và bóc thành công bề mặt của đá dưới sự hướng dẫn của các phác thảo vẽ tay. Phần còn lại của con cá lộ ra và tất cả những con cá hóa thạch lộ ra hoàn toàn phù hợp với giấc mơ của anh ấy”.
8. Elias Howe và máy khâu
Tên tuổi Elias Howe (1819-1867) gắn liền với chiếc máy khâu. Nhưng thực tế ông không phải là người phát minh ra máy khâu mà chỉ cải tiến đáng kể những thiết kế trước đó và nhận bằng sáng chế của Mỹ cho chiếc máy khâu sử dụng mũi khâu chằng/vắt sổ.
Đây là một bước phát triển đáng kể trong việc chế tạo máy may hiện đại. Tuy nhiên, trước đó ông lại bị tắc ở công đoạn tìm chỗ đặt đầu mũi kim.
Elias Howe (ảnh: Wikimedia Commons).
Howe nằm mơ phải chế tạo chiếc máy may cho một vị vua man rợ ở một đất nước xa lạ. Vị vua yêu cầu phải hoàn thành nó trong 24 giờ. Do không hoàn thành đúng thời hạn nên ông bị đem đi xử tử. Trong lúc thi hành án, Howe nhận thấy binh lính cầm cây giáo có lỗ xuyên qua ở phần đầu. Ngay lập tức ông phát hiện ra cách giải quyết vấn đề và bất chợt tỉnh giấc.
Sau đó, Elias Howe bắt tay ngay vào công việc. Howe thiết kế ra loại kim cong, đặt lỗ kim ở đầu nhọn (trước đây đặt ở chân kim) và phối hợp với con suốt chỉ tạo nên đường may.
9. Friedrich August Kekulé và cấu trúc phân tử của benzen
Benzen là hợp chất hữu cơ được nhà khoa học người Anh Michael Faraday (1791-1867) phát hiện từ năm 1825 nhưng kết cấu của nó vẫn còn là một bí ẩn lớn thời bấy giờ. Nhiều nhà khoa học biết rằng cấu trúc benzen rất đối xứng nhưng lại không tưởng tượng ra được là 6 nguyên tử carbon hóa trị 4 và 6 nguyên tử hydro hóa trị 1 sắp xếp đối xứng với nhau như thế nào để ổn định.
Năm 1865, Friedrich August Kekulé (1829–1896) đã phát triển một lý thuyết về cấu trúc hóa học liên quan đến trật tự liên kết của các nguyên tử trong phân tử. Và đặc biệt hơn là ông phát hiện ra cấu tạo dạng vòng của benzen khi ngủ gật trên xe buýt.
Kekulé nói: “Khi đang ngồi chuyến xe buýt cuối qua những con phố vắng lặng, tôi chìm vào trạng thái mơ màng. Các nguyên tử nhảy nhót trước mắt tôi và liên tục chuyển động. Tôi thấy hai nguyên tử nhỏ liên kết với nhau theo cặp, một nguyên tử lớn hơn gắn chặt với hai nguyên tử nhỏ hơn, đồng thời những nguyên tử lớn hơn liên kết với nhau thành chuỗi cùng với hình ảnh một con rắn quay đầu ngậm chính cái đuôi của mình và xoay tròn trước mặt”.
Friedrich August Kekulé (ảnh: Wikimeadia Commons).
Ngay đêm hôm đó, Kekulé đã phác thảo lại giấc mơ và hiểu rằng đó chính là cấu trúc của benzen với hình lục giác với mỗi đỉnh là một nguyên tử cacbon.
Những hiện thực này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về tác động của những giấc mơ đối với thế giới con người. Thật đáng để suy nghĩ về việc các ý tưởng trong giấc mơ đến từ đâu? Con người quá nhỏ bé, những gì chúng ta biết còn quá ít ỏi, và chỉ có khiêm nhường, cầu thị, không vội vã phủ nhận những gì mình chưa biết mới có thể giúp chúng ta dần tìm ra một phần rất nhỏ của sự thật.
(Theo dkn.tv)