Các sản phẩm thực phẩm có chứa chất tạo ngọt nhân tạo aspartame, bao gồm Equal, Crystal Light, Trident, Diet Coke và Royal Jello, được trưng bày vào ngày 14 tháng Bảy năm 2023 tại thành phố New York. Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại chất thay thế đường aspartame – được xử dụng trong nhiều sản phẩm thực phẩm – là chất có thể gây ung thư, nhưng tổ chức này cho biết aspartame vẫn an toàn để tiêu thụ nếu nằm trong giới hạn khuyến nghị hàng ngày. Nguồn Ảnh: Spencer Platt/Getty Images. Credit: Spencer Platt/Getty Images
Các chuyên viên nghiên cứu môi sinh đang kêu gọi những nỗ lực nhiều hơn, và có thể là quy định, đối với các chất tạo ngọt nhân tạo, do chúng đang tích tụ ngày càng nhiều trong môi sinh và nguồn nước trên toàn thế giới. Một nghiên cứu mới từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS) phát hiện các chất thay thế đường phổ biến không bị phân hủy và đang trở thành “hóa chất vĩnh viễn” – gây hại cho động vật và hệ sinh thái tương đương với các chất P-FAS.
Hiện nay, để bảo vệ sức khỏe và tránh xử dụng đường, nhiều người sẽ tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo.
Nước ngọt không đường và kẹo không đường hiện rất phổ biến, thậm chí phổ biến hơn bao giờ hết.
Các công ty sản xuất thực phẩm lớn đã chuyển sang sản xuất những sản phẩm có chất tạo ngọt nhân tạo – nhưng liệu “không đường” có đồng nghĩa với “không gây hại” không?
Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí 'Vật liệu Nguy Hiểm' (Journal of Hazardous Materials) cho thấy không hẳn vậy.
Tiến sĩ Xuan Li từ Đại học Công nghệ Sydney (UTS) cho biết chính môi trường thiên nhiên là nạn nhân của chất tạo ngọt nhân tạo trở nên phổ biến.
“Bất cứ thứ gì chúng ta ăn rồi cũng sẽ thải ra nước thải và tập trung tại các nhà máy xử lý nước. Nhưng các nhà máy này không thể phân hủy hoàn toàn các chất này. Vì vậy chúng sẽ được thải trực tiếp ra môi trường. Điều này sẽ dần dẫn đến tích tụ trong môi trường và cuối cùng ảnh hưởng đến các sinh vật sống dưới nước.”
Nghiên cứu của Đại học UTS phát hiện một số chất tạo ngọt nhân tạo đang tích tụ trong các dòng nước trên toàn cầu.
Chúng được thiết kế để không bị hấp thụ hoàn toàn vào cơ thể – và vì lý do đó, chúng cũng rất khó bị phân hủy trong nguồn nước hoặc trên đất.
Chúng trở thành những “hóa chất vĩnh viễn”, ngày càng tăng nồng độ và độc tính tiềm tàng.
Và đó là một vấn đề lớn hơn.
Vì sao? Bởi vì trong hệ sinh thái, mọi sinh vật đều có sự liên kết với nhau.
“Một số loài cá có thể chết sớm vì điều này. Một khi cá bị ảnh hưởng thì sẽ tác động lên chuỗi thức ăn phía trên và các loài khác. Chúng tôi cũng thấy tảo bị ảnh hưởng – chúng đột ngột phát triển mạnh rồi đột ngột chết, do sự tích tụ của chất tạo ngọt nhân tạo.”
Không phải chất tạo ngọt nào cũng như nhau, và một chất có mức độ khó phân hủy cao nhất là sucrose – được bán dưới thương hiệu Splenda tại các siêu thị trên thế giới.
Trong khi đó, các hạt saccharine và cyclamate lại dễ được loại bỏ khỏi nước hơn.
Đây không phải lần đầu các chất tạo ngọt bị chỉ trích vì ảnh hưởng đến môi sinh – trong những năm gần đây đã có nhiều nghiên cứu quy mô lớn từ Liên minh Âu châu.
Tiến sĩ Li cho biết hiện không thể biết rõ quá trình tích tụ các vi độc tố này sẽ mất bao lâu để ảnh hưởng nghiêm trọng đến con người, hoặc mức độ nghiêm trọng đó sẽ ra sao.
“Gần đây chúng ta nói rất nhiều về P-FAS, nhưng thực ra các chất tạo ngọt nhân tạo cũng có con đường tích tụ tương tự như P-FAS trong môi trường. Chỉ là chúng chưa được chú ý đúng mức. Một phần vì hiện có nhiều kết quả nghiên cứu mâu thuẫn về tác động của các chất tạo ngọt nhân tạo.”
Nhiều nghiên cứu vòng thế giới đã đưa ra những kết luận trái ngược về ảnh hưởng của các chất thay thế đường trong thực phẩm ăn uống.
Vào tháng 3 năm 2023, Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Úc New Zealand đã rà soát các chất tạo ngọt cường độ cao được phép xử dụng theo Bộ quy chuẩn Thực phẩm.
Kết luận được đưa ra như sau:
“Kiểm tra lại, bao gồm, nhiều nguồn bằng chứng khác nhau như dữ liệu xử dụng chất tạo ngọt và đánh giá phơi nhiễm qua chế độ ăn. Phân tử Steviol glycoside được đánh giá kỹ lưỡng qua khảo sát phân tích và đánh giá rủi ro. Không phát hiện bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe cộng đồng hoặc an toàn thực phẩm.”
Nhưng tiến sĩ Li cho biết mình cần nghiên cứu thêm nhiều – ngay lập tức – vì lợi ích của hành tinh, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Trong khi đó, mỗi người tiêu dùng đều có quyền lựa chọn.
“Là người tiêu dùng, chúng ta có thể cân nhắc kỹ khi chọn mua sản phẩm. Tôi hiểu rằng chất tạo ngọt có thể rất hấp dẫn nếu bạn đang kiểm soát đường huyết hay cân nặng. Nhưng câu hỏi là: liệu chúng ta thực sự hiểu rõ về chúng chưa? Nếu chưa, có thể quay về với loại đường truyền thống vẫn là lựa chọn tốt hơn.”
(Theo SBS)