Rất có thể câu nói “Con có cha như nhà có nóc” xuất  phát từ miền quê nơi có nhiều nhà tranh vách đất, mái lợp lá gồi hay rơm rạ, khi mà những trận giông bão khốc liệt đã thổi tung mái tranh, mái rạ khiến người trong nhà phải lâm cảnh màn trời ướt sũng.

 

Đây là câu tục ngữ từ thời xa xưa nhưng rất quen thuộc vì mối hiên hệ giữa cha và con không thể nào không có trong gia đình ngăn nắp của người Việt khi mà mái nhà tượng trưng cho người cha lúc nào cũng sẵn sàng che chở cho con của mình.

 

Có người bảo mỗi thời mỗi khác, kiểu cọ nóc nhà cũng thay đổi, nếp sống gia đình cũng uyển chuyển; không hẳn con cái sanh ra đều được cha mẹ đùm bọc, cưu mang từ tấm bé… thiếu gì hoàn cảnh con còn đỏ ngỏn đã bị bỏ trong sân chùa, trước cửa cô nhi viện hoặc không được người cha nhìn nhận. Thực tế này tất nhiên đi ngược lại trải nghiệm của người xưa. Bản chất lương thiện, tâm hồn cao thượng, tinh thần trách nhiệm trong con người đã bị vật chất chi phối.

 

Người xưa sống đơn giản và chân chất. Tình cha con không duy chỉ là trách nhiệm liên đới mà là sợi dây tình cảm thiêng liêng cao quý. Người đàn ông trong vai trò làm chồng, làm cha hãnh hiện là cột trụ của gia đình, là mái nhà che mưa che nắng. Bởi vậy, nếu thiếu vắng người chồng, người cha thì không khác gì nhà không trụ cột chống đỡ, không mái để ngăn nắng, cản mưa.

 

Người vợ được người chồng cận kề yêu thương, người con được người cha vỗ về dạy dỗ. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, gia đình đều cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh chịu thiếu thốn, bất hạnh, nỗi đau. Hạnh phúc gia đình không đặt trọng tâm nơi của cải nhưng vào sự chung lưng đấu cật theo cảnh “chồng cầy, vợ cấy”. Do người đàn ông có sức khỏe hoặc tháo vát, học sâu hiểu rộng nên cáng đáng công việc nặng nề, khó khăn… là nguồn lợi tức để nuôi gia đình - xem đó là một “nghĩa vụ của yêu thương”. Điều này dẫn tới kết quả người chồng, người cha được quý trọng.

 

Cũng ở thời xa xưa đó (khi có câu “Con có cha như nhà có nóc” hoặc “Con không cha như nòng nọc đứt đuôi”), con cái cận kề bên cha, răm rắp nghe lời cha dạy bảo. Tình phụ tử thật là đẹp đẽ. Người con giữ tròn chứ hiếu, lo cho cha mình khi về già chứ không phải mong vào của cải được cha để lại hay chia phần. Người con luôn luôn nhận thấy mình nhỏ bé trước cha mình. Với người con trưởng thành, dẫu “con hơn cha là nhà có phúc”, nhưng người con lúc nào cũng một mực kính trọng cha mình dù sức học, địa vị, sự giàu sang có hơn trội hơn cha. Ý tưởng “Con có cha như nhà có nóc” đã giúp người con thấm nhuần đạo lý “ơn sâu nghĩa nặng”, luôn luôn gìn giữ phẩm chất đạo đức của một người làm con hiếu đạo. Có người con nào từ một “căn nhà không nóc” mà ra? Nói rằng “nhà không cần nóc, con không biết cha” âu đó là sự vô ơn phũ phàng, là một người con đại bất hiếu.

 

Với sự tiến bộ của khoa học, nếp sống được nâng cao theo đà kinh tế phát triển, nóc nhà của thời đại ngày nay được xây dựng dưới nhiều hình thức. Có mái bằng, có mái dốc, có mái nghiêng nghiêng. Mái thì lợp ngói nung, mái ngói nhựa, mái tôn và cũng có mái còn bằng rơm rạ. Người cha ngày nay cũng phức tạp không kém. Có người sanh con ra thì không thừa nhận - một sự cưỡng đoạt, lừa gạt hoặc phụ bạc phụ nữ; có người sanh con ra rồi vì rượu chè, thuốc nghiện, hung bạo trở nên vô trách nhiệm đối với con mình. Trong khi đó, có những gia đình vì chuộng vật chất nên con chưa đủ khôn đã tống con vào nhà trẻ hoặc gửi người nuôi để người cha, người mẹ rảnh tay đi kiếm tiền – thời gian cha mẹ trực tiếp chăm sóc con cái ít hơn. Có những gia đình đẩy con đi làm sau giờ học hoặc dịp cuối tuần hay ngày lễ khi chúng chưa hết bậc trung học. Bên cạnh đó, có những người con rời bỏ gia đình lúc vừa hết tuổi “teen”. Vì vậy tầm quan trọng của một ngôi nhà “có nóc” so với một căn nhà “tróc mái” xem ra xuống cấp!

 

Có những ý nghĩ tiêu cực cho rằng: Vật chất, danh vọng, địa vị đang làm xáo trộn nếp sống gia đình, khiến cho câu tục ngữ “Con có cha như nhà có nóc” trở nên một câu nói “bông đùa”.

 

 

Không, không. Câu nói “Con có cha như nhà có nóc”, dù là một câu nói được xuất hiện trong lúc quê hương Việt Nam còn nghèo, dân Việt Nam còn cơ cực nhưng cho đến nay vẫn còn giá trị, vẫn còn tác dụng to lớn đến những gia đình còn tinh thần Việt. Tinh thần Việt của chúng ta là trọng nghĩa lễ, trọng công ơn và trọng hiếu đạo. Ở đâu còn ứng dụng câu nói này là ở đó còn có mối thâm tình cha và con. Người cha tuy bây giờ có thể không là cột trụ - thậm chí không là mái nhà đi nữa - thì người cha vẫn được quý trọng   từ những tấm lòng nơi người con hiếu thảo. Dù người con tiến bộ mọi mặt vượt trội hơn người cha nhưng sợi dây thân ái giữa cha con vẫn còn đó, vẫn không thể chối bỏ nóc nhà vì nhà đã phải có mái mới là nhà. Và ngược lại, mái nhà cũng không thể quên những ai đã từ căn nhà đó mà  ra, mà lớn lên. Những gia đình quên câu tục ngữ “Con có cha như nhà có nóc” chắc chắn đang là những gia đình không hạnh phúc

Tin liên quan:
Vì hiểu thời gian không bao giờ trở lại, nên chúng ta lúc nào cũng yêu quê hương Miền Nam mình! Câu chuyện Tại sao tính tình người Úc rất thoải mái? Quan điểm sống khác biệt của người Úc. TRƯỚC ĐÈN XEM TRUYỆN TÂY... CHU QUẢ THẬN