Khi xã hội còn hiền lương, đơn giản tất nhiên con người ít nhu cầu, không chen đua; từ đó hầu như bản chất ai cũng nhu mì, chẳng lường gạt, không gian ác.

 

Nhưng rồi khoa học, kỹ thuật tiến bộ làm cho cuộc sống thay đổi. Nhiều tiện nghi và sản phẩm hấp dẫn, người đời cưỡng lại không được. Ban đầu, chỉ có tầng lớp quyền thế, lắm tiền bạc mới chạm đến những thứ mới mẻ của văn minh. Sự kiện này khiến cho bất bình đẳng trong xã hội lộ diện rõ rệt. Tranh đua, giành giựt, gian trá, cưỡng đoạt, chèn ép, bóc lột, ty tiện, hẹp hòi… đầy dẫy xấu xa hình thành. Tâm tánh con người đan chen giữa thần thánh và ác quỷ.

 

Qua trải nghiệm hằng ngày khi tiếp xúc, giao thiệp; lúc làm ăn, buôn bán… “nhìn bản mặt”, “nghe giọng nói”, “thấy cử chỉ tay chân” là biết ngay “thuộc hạng người nào” nên lời nói “Trông mặt mà bắt hình dong” trở nên quen thuộc và người Việt lấy đó làm phương châm “đoán xét người đời”, lâu ngày được coi là thành ngữ.

 

“Trông mặt mà bắt hình dong” chắc chắn phải nảy sinh từ giới từng trải, thậm chí “đi guốc trong bụng người khác”. Giới này hẳn phải sinh sống ở những nơi đô hội, trên bến dưới thuyền. Điều đó ngày nay có còn đúng không, sẽ được bàn đến ở phần sau của bài viết này.

 

Trong khi đó, dân miệt vườn chân lấm tay bùn, khom lưng trên ruộng đồng mặc cho nắng chói chan tô đậm sắc màu làn da; họ đâu có cơ hội trông mặt người này, ngắm mặt người nọ. Thế nhưng, họ có nhiều dịp giết heo làm tiệc tùng, cúng giỗ. Bởi vậy, họ có câu nói tương tự “Con lợn có béo thì lòng mới ngon” nhờ nhận xét: Nếu mổ được con heo béo mập thì bộ đồ lòng của heo đó tất là phải ngon.

 

Người Việt xưa khi có được hai câu thành ngữ trên, ghép lại thành hai câu thơ lục bát mang tánh cách “tâm lý” để nhắn nhủ với con em hay ít ra cũng là hình thức “xem tướng mạo”:

“Trông mặt mà bắt hình dong,

Con lợn có béo thì lòng mới ngon”.

 

 

Hai câu ca dao đúng vần, đúng luật bằng trắc của thể thơ lục bát; đọc nghe êm tai, có gợi hình, rõ nghĩa “thấy sao nói vậy”. Tuy nhiên, câu đầu nói về người mà thực sự bên trong lòng dạ và tâm trí của con người thì chẳng ai có thể biết rõ, hiểu rõ được. Câu thứ nhì nói tới con vật - vốn nó không có trí khôn “lắt léo” như loài người, “lòng” nó sao tất nhiên là vậy, không thêm thắt, bớt xén! Kinh nghiệm của người dân chất phác có thể đúng.

 

Ngày nay, dáng vẻ bề ngoài của người đời lắm lúc không ăn khớp với bề trong của họ. Thành ngữ Tây phương có câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu” (the cowl does not make the monk) xem chừng hợp lý. Đại văn hào Nguyễn Du của VN trong Truyện cũng có câu “Bề ngoài thơn thớt nói cười, Mà trong nham hiểm giết người không dao.” (câu 1815-16).

 

Có câu chuyện kể rằng: Một ông nhà khá giả nọ đang lái xe hơi phom phom trên cao tốc, bất ngờ nó “ho khục khặc, chạy cà giựt” và yếu hẳn đi, buộc ông phải tắp vào bên đường - chỗ dành cho khẩn cấp.

 

Ông không rành về cơ khí nên chẳng biết do nguyên nhân nào khiến xe của ông lại “giở chứng”. Ông bực bội vì vội đi, quên điện thoại trên bàn làm việc. Bực mình quá, ông đá vào vỏ xe phía sau bồm bộp. Ngay lúc đó, một thanh niên to con cỡi mô-tô dừng sát cạnh xe ông. Anh ta khoảng ngoài 30 tuổi. Ông nhà giàu liếc nhìn người lạ vai u thịt bắp, mặc áo tay ngắn bó sát thân người, để lộ hình xâm xanh đỏ, vần vì trên hai cánh tay. Ông quay lơ bởi chưng ông xếp những người như vậy thuộc dạng “bikie”, ông không những chẳng ưa mà còn sợ. Thanh niên tắt máy mô-tô, đến bên ông chủ xe nằm ụ dọc đường, chào hỏi cách ôn tồn: “Good afternoon, Sir, what’s wrong with your car? Do you need help?” (tạm dịch: Xin chào ông, xe ông làm sao vậy? Ông cần tôi giúp không?). Ông nhà giàu nhìn kỹ thanh niên “xâm tay” rồi buông câu nói khô khan: “Đang chạy, nó gục gặc, nên tôi đỗ lại”. Anh ngỏ ý sẵn sàng tìm hiểu chuyện gì làm xe ông nhà giàu “ăn vạ” sau khi đã tự giới thiệu mình là thợ máy xe. Bất đắc dĩ, ông gật đầu. Xe ông thực sự không hư mà chỉ vì cạn xăng. Anh thanh niên trở lại chiếc mô-tô dạng Harley, nổ máy rồi phóng đi. Ông nhà giàu mở to đôi mắt, miệng lẩm bẩm, đẩy mạnh nắp bình xăng, đóng ập lại! Khoảng 20 phút sau, chiếc Harley đó quay trở lại. Anh thanh niên mang đến một bình xăng 10 lít. Xe hơi ông nhà giàu “no bụng”, máy nổ êm. Ông nhà giàu bấy giờ nở nu cười tươi, cám ơn rối rít và xin hoàn tiền xăng. Chừng nhìn vào ví chỉ có thẻ tín dụng mà không có đồng tiền mặt nào; nhưng anh thanh niên đã lắc đầu “Chuyện nhỏ, chúc ông tiếp tục hành trình an toàn” và phóng đi, một tay giơ cao vẫy chào. Từ đó, ông nhà giàu không còn đánh giá con người qua dáng vẻ bề ngoài.

 

 

Kể câu chuyện trên để kết luận rằng “Trông mặt mà bắt hình dong” giờ đây có thể lỗi thời. Kẻ lừa đảo thông thường nói ra nhiều điều mật ngọt, vẻ mặt thân thiện “dễ thương”. Vì tin như vậy, hàng chục ngàn người cao tuổ Úc bị bọn ma mãnh này gạt cà hàng triệu đô mỗi năm. Người thích thời trang cho nhuộm tóc, xâm mình hoặc ăn mặc đơn giản cũng chưa hẳn là người không đáng tin. Tin và đánh giá một con người phải có một thời gian quen biết, phải nhìn vào việc làm của họ có nhắm lợi ích riêng hay là việc tốt vô vụ lợi.

 

Một nhận định về “Trông mặt mà bắt hình dong” cho rằng: ngoại hình, hình thức của một người không thể thể hiện đầy đủ, chính xác cho toàn bộ những yếu tố ở bên trong như tính cách, suy nghĩ, khả năng, giá trị…

 

Cho nên, nếu chỉ dựa vào vẻ bề ngoài để phán đoán, đánh giá con người sẽ dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn như đơn cử dưới đây.

-Một là từ hiểu lầm về vẻ bề ngoài, chúng ta dễ đưa ra nhận định sai lầm.

-Hai, việc đánh giá sai về người khác có thể gây ra sự bất công và những định kiến không đúng.

-Ba, người bị đánh giá sai có thể cảm thấy tổn thương, mất đi sự tự tin đôi khi mất đi những cơ hội trong cuộc sống.

-Bốn, nhìn nhận, đánh giá người khác mà chỉ dựa vào hình thức bên ngoài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ. Đó có thể là hiểu lầm, xung đột giữa các cá nhân hoặc việc gặp khó khăn trong tạo dựng, duy trì mối quan hệ với mọi người xung quanh.

-Năm, chỉ “Trông mặt mà bắt hình dong” khiến chúng ta bỏ lỡ những con người có tài năng, có giá trị, có phẩm chất tốt đẹp… cũng như những giá trị bị ẩn giấu, bị che lấp bởi vẻ bề ngoài.

 

Ngày nay, trên thực tế, hình tượng, vẻ bề ngoài là thứ mà con người có thể thay đổi, tạo dựng, tô vẽ theo ý muốn. Cho nên nếu không dành thời gian tìm hiểu kỹ hơn vào phần nội dung, tính cách… ở bên trong, chúng ta sẽ khó lòng đánh giá đúng về một người.

 

 

(BBT Báo Dân Việt – danviet.com.au)